Thứ 2, 20/05/2024 23:15:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Môi trường 14:49, 25/12/2018 GMT+7

Giải pháp ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển

Thứ 3, 25/12/2018 | 14:49:00 3,560 lượt xem

BP - Việt Nam là nước có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Thế nhưng, bên cạnh những điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc phát triển kinh tế biển cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, vấn đề ô nhiễm môi trường biển đang là một trong những mối quan tâm hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: “Ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức...”.

TỪ THỰC TẾ ĐÁNG LO NGẠI

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường biển là do phát triển công nghiệp, du lịch tràn lan; nuôi trồng thủy sản bất hợp lý; dân số tăng, dân cư ven biển còn nghèo khó; thể chế, chính sách còn bất cập. Số liệu thống kê cho thấy, chất thải đổ ra biển hầu hết có nguồn gốc từ đất liền, đó là của các nhà máy, xí nghiệp, khu dân cư, bệnh viện... Phần lớn chất thải này chưa được xử lý mà qua hệ thống thoát nước xả thẳng ra các sông, rồi sông đổ về biển. Hằng năm, trên 100 con sông ở nước ta thải ra biển hàng triệu kilômét khối nước và khoảng 300 triệu tấn phù sa, kéo theo nhiều chất có thể gây ô nhiễm biển. Đó là các chất hữu cơ, kim loại nặng và nhiều chất độc hại từ khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp, đô thị, khu nuôi trồng thủy sản ven biển và các vùng sản xuất nông nghiệp. Đơn cử, trong quá trình nuôi trồng thủy sản làm phát sinh đáng kể lượng chất thải rắn trực tiếp ra biển. Nguồn thải chủ yếu là các loại phân bón, thức ăn nhân tạo sử dụng thừa trong nuôi trồng. Bình quân 1 ha nuôi tôm sẽ thải ra môi trường biển khoảng 5 tấn chất thải rắn và hàng chục ngàn mét khối nước thải trong một vụ nuôi.

Một khu vực biển bị ô nhiễm bởi rác thải

Một nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nữa là tràn dầu do khai thác và vận chuyển dầu khí trên biển. Đáng lo ngại là nhiều vụ tràn dầu khối lượng lớn những năm gần đây có xu hướng tăng, gây thiệt hại nghiêm trọng đến môi trường biển. Bên cạnh đó, vùng biển nước ta có hàng trăm giếng khoan thăm dò và khai thác dầu khí. Ngoài việc thải nước lẫn dầu ra biển, trung bình mỗi năm hoạt động này còn phát sinh khoảng 5.600 tấn rác thải dầu khí, trong đó có 20-30% là chất thải rắn nguy hại. Qua nghiên cứu, điều tra của Viện Hải dương học Việt Nam, tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo còn do các địa phương khai thác, sử dụng không hợp lý vùng đất cát ven biển, dẫn tới thiếu nước ngọt, làm xói lở, sa bồi bờ biển với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Việc khai thác hải sản bằng mìn, sử dụng hóa chất độc hại làm cạn kiệt nhanh chóng nguồn lợi thủy sản và gây hậu quả nặng nề cho các vùng sinh thái biển. Các hoạt động du lịch dẫn đến tình trạng xả rác thải bừa bãi đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, cảnh quan tự nhiên của biển.

ĐẾN NHỮNG GIẢI PHÁP

Để bảo vệ môi trường biển tốt hơn, từng bước giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường biển, các chuyên gia cho rằng, trước hết phải hoàn thiện khung thể chế quản lý biển. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030 phải “Ngăn ngừa, kiểm soát và giảm đáng kể ô nhiễm môi trường biển; tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương...”. Theo đó, việc hoàn thiện pháp luật về biển cần được gắn kết với hệ thống quản lý môi trường biển mới, nhằm bảo đảm tính thống nhất xuyên suốt, thúc đẩy công tác trao đổi thông tin và dữ liệu, đạt hiệu quả cao trong công tác quy hoạch phát triển bền vững biển, đảo. Một trong những phương thức hiệu quả nhất bảo vệ môi trường sinh thái biển là xây dựng các khu bảo tồn theo quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học. Theo các chuyên gia, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển là phải ngăn chặn từ 2 nguồn gây ra. Đối với ô nhiễm có nguồn gốc từ biển thì phải kiểm soát được các hoạt động như vận chuyển dầu khí, khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, thải đổ bùn nạo vét luồng giao thông thủy, công trình biển... Ô nhiễm có nguồn gốc từ đất liền, phải kiểm soát tốt hoạt động của các khu vực dân cư, du lịch biển, lưu vực các con sông; các khu, cụm công nghiệp tại 28 tỉnh, thành phố ven biển.

Các nhà khoa học thuộc Viện Tài nguyên và Môi trường biển cho rằng, phương thức quản lý nguồn lợi từ biển, bảo vệ đa dạng sinh học dựa trên cơ sở cộng đồng đã được áp dụng tại một số địa phương có biển như Ninh Bình, Nam Định, Kiên Giang... là phương thức khá hiệu quả, ít tốn kém và đáp ứng các mục tiêu bảo tồn khác, cũng như bảo đảm nhu cầu sinh kế của người dân. Thông qua mô hình này, cộng đồng địa phương ven biển được trao quyền cụ thể, có kiểm soát trong quản lý các nguồn lợi ven biển. Điều này đã tăng cường sự chủ động, thúc đẩy sự tham gia tích cực hơn của cộng đồng, cùng chia sẻ trách nhiệm với Nhà nước trong quản lý và bảo tồn hiệu quả các nguồn lợi từ biển. Bảo vệ môi trường biển đã trở thành yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay. Kết quả chỉ đạt được nếu có sự tham gia, chung tay của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, trong đó người dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Không ai khác ngoài những dân cư thuộc các cộng đồng ven biển và bà con ngư dân ngày đêm đánh cá trên biển là những nhân tố bảo vệ môi trường biển hiệu quả nhất.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111361

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu