Thứ 7, 04/05/2024 23:27:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Môi trường 09:16, 25/04/2024 GMT+7

Biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến người lao động như thế nào?

(TTXVN/Vietnam+)
Thứ 5, 25/04/2024 | 09:16:14 981 lượt xem
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khoảng 2,4 tỷ người lao động toàn cầu (hơn 70% lực lượng lao động) phải làm việc trong nắng nóng vượt ngưỡng chịu đựng, tăng 35% trong 2 thập niên qua.

Người dân trùm kín tránh nắng nóng khi di chuyển tại Raipur, Ấn Độ ngày 15-4-2024. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Khoảng 2,4 tỷ người lao động toàn cầu (hơn 70% lực lượng lao động) phải làm việc trong nắng nóng vượt ngưỡng chịu đựng, tăng 35% trong 2 thập niên qua.

Mỗi năm có gần 23 triệu trường hợp bị tổn hại sức khỏe và khoảng 19.000 ca tử vong do làm việc trong điều kiện khắc nghiệt này.

Đó là chưa kể hơn 26 triệu người sống chung với các bệnh mãn tính liên quan tới các điều kiện nhiệt độ bất lợi ở nơi làm việc.

Những số liệu “biết nói” vừa được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố cho thấy một thực tế đáng báo động: người lao động toàn cầu đang đối mặt với những rủi ro liên quan biến đổi khí hậu ngay tại nơi làm việc, biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng tới môi trường làm việc, làm tăng nguy cơ chấn thương, mắc bệnh và tử vong của người lao động.

Báo cáo “Đảm bảo an toàn và sức khỏe khi làm việc trong môi trường biến đổi khí hậu”của ILO cung cấp những bằng chứng quan trọng liên quan đến 6 tác động chính của biến đổi khí hậu đến an toàn vệ sinh lao động, được chọn dựa trên mức độ nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng đối với người lao động: nhiệt độ quá cao, bức xạ tia cực tím (UV), các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, ô nhiễm không khí tại nơi làm việc, bệnh truyền qua vật chủ trung gian và hóa chất nông nghiệp.

Một người đàn ông uống nước giải nhiệt dưới trời nắng gắt tại Tehran, Iran ngày 11-7-2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

So với toàn bộ dân số nói chung, người lao động, đặc biệt là nhóm nghèo nhất, có nguy cơ cao hơn phải tiếp xúc và hứng chịu những rủi ro do các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng và bão lũ vì họ là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng và trong thời gian dài hơn với mức độ lớn.

Người lao động phi chính thức, thời vụ, làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là nhóm dễ hứng chịu những tác hại do biến đổi khí hậu nhất nhưng lại không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc ngay cả trong các điều kiện nguy hiểm.

Báo cáo được ILO công bố trong bối cảnh năm 2023 được ghi nhận là năm nóng nhất trong khoảng 125.000 năm qua, mỗi tháng từ tháng Sáu đến tháng 12 đều ở mức nóng kỷ lục so với các năm trước đó.

Tháng Sáu và Bảy năm ngoái, nắng nóng như thiêu như đốt với nhiệt độ lên tới 43°C và thậm chí cao hơn tại nhiều địa phương ở Ấn Độ đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 110 người.

Theo Tiến sỹ Fahad Saeed ở Viện Chính sách khí hậu Climate Analytics có trụ sở tại Pakistan, những người nghèo nhất trong số những người nghèo sẽ hứng chịu nhiều nhất. Chịu ảnh hưởng đặc biệt nặng nề là cộng đồng nông nghiệp, những người phụ thuộc vào nông nghiệp hoặc đánh bắt cá.

Tháng Bảy năm ngoái, châu Âu cũng trải qua đợt sóng nhiệt khiến khoảng 41% diện tích khu vực Nam Âu rơi vào tình trạng "stress nhiệt" ở mức mạnh, rất mạnh hoặc cực đoan.

Theo ILO, "stress nhiệt", hay căng thẳng do nhiệt gây ra đối với cơ thể, là nền nhiệt độ cao hơn mức cơ thể có thể chịu đựng được mà không ảnh hưởng xấu đến sinh lý, song có thể gây ra những rủi ro đối với sức khỏe con người nếu chịu đựng trong một thời gian dài, đặc biệt đối với những người lao động ngoài trời.

Làm việc trong điều kiện nóng bức khiến người lao động có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nhiệt và khiến họ làm việc chậm hơn và kém năng suất hơn.

Thời điểm đó, nhiều khu vực ở Italy đã ghi nhận số ca tử vong cao hơn 7% so với mức thông thường của cùng kỳ trước đó, trong đó có các công nhân làm việc ngoài trời tử vong vì say nắng hay vì tai nạn lao động liên quan đến sóng nhiệt.

Một nghiên cứu cho thấy công nhân làm việc ngoài trời ở các nước đang phát triển có nhiệt độ cơ thể trung bình cao hơn những người làm việc trong nhà, và họ có nguy cơ mất nước cao gấp 2-3 lần, dẫn đến nguy cơ suy giảm chức năng thận và các bệnh liên quan khác.

Trong khi đó, ILO đánh giá tình trạng gia tăng "stress nhiệt" thậm chí sẽ dẫn tới những tổn thất về sản xuất tương đương 80 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2030 và gây thiệt hại về kinh tế 2.400 tỷ USD. Đây là "kịch bản" dự báo đưa ra dựa trên giả thiết mức tăng nhiệt độ toàn cầu sẽ là 1,5 độ C.

Dự báo cho thấy đến năm 2030, 2,2% tổng số giờ làm việc trên thế giới sẽ bị mất do nhiệt độ cao. Nông nghiệp và xây dựng là hai trong số những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của "stress nhiệt," tiếp đó là lao động trong các ngành dịch vụ môi trường, thu gom rác, dịch vụ khẩn cấp, công việc sửa chữa, vận chuyển, du lịch, thể thao và một số ngành công nghiệp.

Các khu vực dự kiến sẽ mất nhiều giờ làm việc nhất là Nam Á và Tây Phi (khoảng 5% số giờ làm việc), tương ứng với khoảng 43 triệu và 9 triệu việc làm.

Người dân đỗ xe dưới bóng râm để tránh nắng nóng tại Bangkok, Thái Lan, ngày 1-4-2024. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Trong số nhóm dễ bị tổn thương nhất, người lao động tại các quốc gia thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp dự kiến sẽ phải chịu đựng nhiều tổn thất, chủ yếu là do họ có ít nguồn lực hơn để thích nghi với hệ quả với hiện tượng nhiệt độ tăng, đặc biệt là những lao động nghèo, lao động phi chính thức và thiếu bảo trợ xã hội.

Trước thực trạng này, nhiều nước đã đưa ra các quy định bảo đảm an toàn và sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt, như giới hạn thời gian tiếp xúc với nhiệt độ cao, ô nhiễm không khí, nhưng tốc độ điều chỉnh các biện pháp bảo vệ chưa bắt kịp tốc độ nảy sinh nguy cơ với sức khỏe người lao động.

Như nhận định của bà Manal Azzi, chuyên gia cao cấp của ILO về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp, lâu nay, người lao động thường bị lãng quên khi nhắc đến vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy người lao động đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu. Đã đến lúc mọi hành động và chính sách ứng phó biến đổi khí hậu đều cần tính đến vấn đề đảm bảo an toàn và sức khỏe người lao động, nguồn lực quan trọng đối với phát triển của mỗi quốc gia cũng như cả thế giới.

ILO nhấn mạnh các nước cần đánh giá lại quy định hiện hành hoặc đưa ra các quy định mới bảo vệ người lao động một cách phù hợp trong môi trường biến đổi khí hậu, để bảo đảm quyền cơ bản của người lao động được làm việc trong môi trường an toàn và lành mạnh.

  • Từ khóa
194985

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu