Thứ 5, 27/06/2024 02:22:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 19:33, 18/06/2024 GMT+7

Nhiều chính sách để bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

Trần Thể
Thứ 3, 18/06/2024 | 19:33:14 730 lượt xem
BPO - Thảo luận tại tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), chiều 18-6, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nhấn mạnh việc sửa đổi luật là cần thiết.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước phát biểu thảo luận tại tổ chiều 18-6

Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) gồm 9 chương, 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Việc sửa đổi nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay, đẩy mạnh thu hút nguồn lực xã hội hóa, hợp tác công tư, ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu bảo tồn, phát triển bền vững, toàn diện và hội nhập quốc tế.

Ban soạn thảo đã nghiên cứu, rà soát cũng như đã nội lực hóa được các nguyên tắc, các quy định, hướng dẫn của UNESCO đối với các đối tượng cũng như loại hình tên gọi của các loại di sản văn hóa. Luật cũng đã quy định tương đối đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang nêu rõ: Di sản văn hóa là nguồn lực cho phát triển, cần được bảo tồn, phát huy. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung và quy định cụ thể những chủ trương cũng như chiến lược về công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, chuyển đổi số, số hóa di sản văn hóa và kinh tế văn hóa.

Về bảo vệ, phát huy giá trị tư liệu, đại biểu Điểu Huỳnh Sang thống nhất với Ban soạn thảo là đã thiết kế theo một chương riêng. Tuy nhiên, cần làm rõ khái niệm đối với hiện vật có giá trị đặc biệt vào dự thảo luật, đồng thời giải trình rõ về sở hữu di sản văn hóa, quy định cụ thể về thẩm quyền, tiêu chí xác định các hình thức sở hữu đối với di sản văn hóa, nguyên tắc quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa, giải quyết tranh chấp quyền sở hữu đối với di sản văn hóa. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo làm rõ nội dung liên quan về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, đánh giá hiệu quả của việc sử dụng quỹ.

Liên quan đến việc xếp hạng bảo tàng cũng như tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng, đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho rằng luật cần làm rõ mục đích, sự cần thiết của việc xếp hạng bảo tàng công lập, bảo tàng ngoài công lập và các chính sách đối với việc xếp hạng bảo tàng.

Việt Nam hiện có 181 bảo tàng, trong đó 128 bảo tàng công lập và 53 bảo tàng ngoài công lập. Hệ thống kho của bảo tàng hiện nay đang lưu trữ khoảng 4.000.000 hiện vật, là một kho di sản đồ sộ và ngày càng được phát huy tốt. Tuy nhiên, hệ thống văn bản pháp luật về di sản văn hóa trong lĩnh vực bảo tàng đang có rất nhiều bất cập, nên việc thực thi còn nhiều vướng mắc và việc xếp hạng không đem lại hiệu quả.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội (đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) cho biết: So với luật hiện hành thì lần này cơ quan soạn thảo đưa vào nhiều chính sách rất cần thiết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã có kết luận về chính sách, đó là ưu tiên đối với bảo tồn, cải tạo, nâng cấp di sản văn hóa. Tuy nhiên cũng cần phải xã hội hóa để thực hiện, không dựa vào chính sách nhà nước, nhưng trong trường hợp không đảm bảo được nguồn lực ngoài nhà nước thì nguồn lực nhà nước cũng cần phải có để không mất đi những di sản văn hóa có giá trị.

Thống kê cho thấy hệ thống di tích lịch sử của cả nước rất lớn. Hiện nay, xếp hạng cấp tỉnh mới được khoảng 10.000 di tích, xếp hạng cấp quốc gia được 3.621 di tích. Trong khi đó có trên 40.000 di tích đã kiểm kê. Số lượng di tích rất lớn, mà việc bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn vô cùng khó khăn cả về phương pháp thực hiện và huy động nguồn lực. Chính vì vậy, quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di tích là một trong những nội dung trọng tâm để sửa đổi luật lần này.

Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội

Đại biểu Phan Viết Lượng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội phân tích làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm

Liên quan đến di tích trong dự án luật đề cập, đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị quy định về khu vực một, khu vực hai không chỉ là đối với di tích quốc gia, di tích đặc biệt mà còn cả những di tích được UNESCO công nhận, cần phải có những quy định xác định rõ ràng và có những quan điểm xuyên suốt để thực hiện. 

Cơ bản thống nhất với những quy định các khu vực bảo vệ di tích, đại biểu Phan Viết Lượng cũng bày tỏ băn khoăn một số quy định trong khu vực hai bảo vệ di tích chưa chặt chẽ, có những quy định mang tính tùy nghi. Về quản lý vật, cổ vật quy định chưa rõ và gây khó hiểu. 

Liên quan đến Quỹ bảo tồn di sản, đại biểu Phan Viết Lượng cho biết: Nhu cầu của quỹ này khác hoàn toàn với các quỹ khác. Nhu cầu về nguồn lực để bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt là di tích rất lớn, Nhà nước khó có thể đảm bảo được. Quốc hội đã cho Thừa Thiên Huế thành lập quỹ và đang thí điểm, bước đầu đã hình thành được một mô hình khác, mô hình mới và cũng có cơ chế để quản lý, đem lại kết quả. Điểm khác nữa là quỹ này không dùng đến ngân sách nhà nước. Nguồn thu của quỹ từ vận động, từ sự ủng hộ, tài trợ và các nguồn khác. Tuy nhiên, không nhất thiết tỉnh nào cũng có quỹ, tùy theo điều kiện thực tế của từng tỉnh, tùy theo số lượng di tích và nhu cầu bảo quản, bảo tồn di tích, tùy theo khả năng vận động mà các tỉnh mới thành lập quỹ.

  • Từ khóa
199242

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu