Thứ 7, 27/07/2024 13:41:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 11:33, 29/05/2024 GMT+7

Nơi cuối đường Trường Sơn huyền thoại

Bách Việt - Linh Giang
Thứ 4, 29/05/2024 | 11:33:45 2,081 lượt xem

Bài 2:
ÂM VANG TIẾNG CHÀY TRÊN SÓC BOM BO

BPO - Rời mảnh đất Phú Riềng Đỏ anh hùng, chúng tôi ngược lên huyện Bù Đăng để cảm nhận khí thế cách mạng hừng hực bên ánh đuốc lồ ô cùng tiếng chày tay trên căn cứ Nửa Lon thuở nào. Đã qua cái thời “đói cơm lạt muối”, người S’tiêng đang vươn lên xây dựng cuộc sống mới nhưng vẫn trân quý, lưu giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống cộng đồng.

Bom Bo - huyền thoại đánh Mỹ

Đường về căn cứ Nửa Lon thảm nhựa phẳng lì, uốn lượn qua những ngọn đồi xanh mướt cà phê, điều, có những ngôi nhà mới xây, thay dần nhà dài đơn sơ của người S’tiêng thuở trước. Chạy lòng vòng một hồi chúng tôi mới gặp được người rõ chuyện, đó là ông Điểu M’Riêng (SN 1953, người S’tiêng, ngụ thôn Đắk Xuyên, xã Đắk Nhau), nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng.

Ông Điểu M’Riêng cho biết, căn cứ Nửa Lon (nay thuộc thôn 4, xã Đường 10) giờ thành những vườn điều, cao su xanh tốt, năm tháng trôi qua đã xóa nhòa dấu tích. Trước đây, khu vực căn cứ là rừng nguyên sinh, chuyển tiếp giữa đại ngàn Tây Nguyên với miền Đông Nam Bộ, “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” nên phù hợp để xây dựng căn cứ cách mạng. Giữa năm 1960, đồng chí Phạm Thuận (Ba Thu) được phân công chỉ huy đội vũ trang tuyên truyền, mở đường đến sóc Bom Bo bắt liên lạc với đoàn công tác miền Bắc vào chi viện chiến trường miền Nam. Băng rừng hơn 1 tháng nhưng không bắt được liên lạc, hết lương thực đành quay về Đắk Nhau lập căn cứ. Mỗi người một ngày chỉ được nửa lon gạo để ăn nên căn cứ Nửa Lon ra đời, lưu truyền với thời gian: “Nửa lon - tên gọi thân thương - viết nên trang sử anh hùng Đắk Nhau”.

Phục dựng lễ hội Mừng lúa mới của đồng bào S’tiêng tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện Bù Đăng

Năm 1965, để chuẩn bị cho chiến dịch Đồng Xoài - Phước Long, đồng bào S’tiêng ở sóc Bom Bo vào căn cứ huy động cối, chày giã gạo nuôi quân. Chỉ trong 3 ngày đêm người dân Bom Bo đã giã được 5 tấn gạo, giúp bộ đội ăn no, đánh khỏe. Cảm động trước tấm lòng yêu nước, thủy chung với cách mạng của người dân nơi đây, cố nhạc sĩ Xuân Hồng đã viết nên ca khúc “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” còn mãi với thời gian. Ông Điểu M’Riêng chia sẻ thêm, không chỉ nhộn nhịp với phong trào giã gạo nuôi quân, đồng bào nơi đây đã tiếp tế gần 2.000 sá lúa, 80.000 gốc khoai mì cho chiến dịch, cài cắm hàng ngàn hố chông, bố phòng làng chiến đấu chống địch càn quét gần 50 trận lớn nhỏ, loại ra vòng chiến đấu hàng trăm tên địch để có một Bom Bo - huyền thoại đánh Mỹ.

Giữ hồn văn hóa S’tiêng

Chúng tôi trở ra thôn Bom Bo (trước là thôn 1, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng) để gặp già làng Điểu Lên (SN 1945), người S’tiêng. Già Lên sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Bom Bo, chưa tròn tuổi đôi mươi, già nhập ngũ, tham gia hơn 40 trận đánh lớn nhỏ, được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu trong kháng chiến chống Mỹ. Già Lên tâm sự: “Cứ mỗi lần nghe bài hát về sóc Bom Bo, già bỗng rạo rực cái không khí đốt đuốc “giã gạo ban đêm vì ngày bận làm mùa” của bà con thuở trước. Già vẫn thường kể về ánh đuốc lồ ô trên căn cứ Nửa Lon cho con cháu nghe trong những tiệc sum vầy, hay những đêm cồng chiêng ấm nồng men rượu cần”.

Bên kia đường là Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo với hơn 113 ha do UBND huyện Bù Đăng quản lý, có nhà đón tiếp, khu vực sân lễ hội. Riêng cụm tượng mô phỏng trận đánh của anh hùng Điểu Ong (người S’tiêng) gây ấn tượng mạnh với khách nơi xa đến thăm. Vào ngày 12-12-1969, liên quân Mỹ - Việt Nam Cộng hòa tấn công căn cứ của huyện Bù Đăng, ông Điểu Ong hy sinh khi chỉ huy một trung đội tiến công, diệt nhiều tên nhưng bị địch dùng máy bay đánh phá. Ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang; huyện Bù Đăng xây dựng công viên ngay trung tâm thị trấn Đức Phong để ghi nhớ công ơn.

Tìm già làng Điểu Đố (người S’tiêng) để nghe chuyện giữ hồn văn hóa đồng bào S’tiêng nhưng già còn trên nương chưa về. Nhà dài truyền thống (tiếng S’tiêng gọi là Yau) của già Đố lợp mái lá mây, vách làm bằng các loại tre đan thành tấm liếp khá dày. Người lớn tuổi ở chính giữa ngôi nhà, gần bếp lửa để được sưởi ấm về đêm, phía ngược lại của đàn ông, con trai lớn, người mới lập gia đình. Bà Thị Nứt, người vợ thứ 3 cho biết, già Đố năm nay 104 tuổi, có 3 người vợ, 17 đứa con nhưng vẫn khỏe mạnh. Đưa mắt nhìn về phía tố, xà lung, bà Thị Nứt chia sẻ, đó là vật gia bảo của người S’tiêng. Khi nhà trai qua hỏi vợ, nhà gái thách cưới, không có thì ở rể suốt đời hoặc trả năm nay qua năm khác, xong mới được rước vợ về. Nhưng là chuyện trước đây, giờ nhà có hơn 70 xà lung, tố, chiêng hàng trăm tuổi, nhiều thương lái trả giá cao nhưng già Đố không bán vì “truyền thống thì phải giữ thôi”. 

Khi cao tốc băng qua

Chúng tôi có dịp đi chung chuyến xe với các bạn sinh viên của một trường đại học ở TP. Hồ Chí Minh để vượt qua đường dốc quanh co, uốn lượn như khúc cua tay áo đến trảng cỏ Bù Lạch (xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng). Trảng cỏ rộng hàng trăm hécta có hơn 20 trảng cỏ xanh mướt lọt thỏm giữa vùng rừng, hồ rộng lớn. Chị Tường Vy (ngụ TP. Hồ Chí Minh) lần đầu tiên đến trảng cỏ cho hay: “Ở đô thị nóng nên mình đến trảng cỏ Bù Lạch hít thở không khí trong lành, mình cứ nghĩ trảng cỏ nhân tạo, nào ngờ xanh, đẹp đến thế. Ngoài chụp hình lưu niệm, ngắm cảnh rừng, hồ mình còn được ăn cơm lam, canh thụt, đọt mây, lá nhíp với mùi vị đặc trưng”. Nhưng chị cũng thắc mắc: “Cảnh đẹp vậy mà vắng khách đến tham quan, du lịch?”.

Đem câu hỏi gặp cán bộ chuyên môn của huyện, được chia sẻ, không chỉ Bù Lạch, Bù Đăng còn có thác Voi, thác Đứng, thác Bù Xa, Pan Toong, nhưng do ngân sách eo hẹp, cơ sở hạ tầng còn hạn chế nên du lịch chưa phát triển đúng với tiềm năng. Bù Đăng đang kêu gọi doanh nghiệp đầu tư xây các khu, điểm du lịch gắn với phong tục, truyền thống của người S’tiêng, M’nông, hướng tới đón 20.000 lượt khách tham quan vào năm 2025. Đáng mừng là cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) dài 128,8km (đoạn qua huyện Bù Đăng hơn 48km) sắp triển khai xây dựng sẽ giúp kết nối các tuyến du lịch sinh thái rừng, khám phá, trải nghiệm văn hóa người S’tiêng, M’nông. Có thể bắt đầu từ Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo đến trảng cỏ Bù Lạch, thác Đứng, cầu 38 để trải nghiệm khinh khí cầu, góp phần thu hút khách tham quan, nghỉ dưỡng. Một khó khăn khác là huyện có 3 cụm công nghiệp là Minh Hưng 1 (44,3 ha), Minh Hưng 2 (32,7 ha), Đức Liễu (70 ha) vướng quy hoạch bô-xít nên đang xin chủ trương bổ sung thêm cụm công nghiệp 70 ha gần nút giao với ĐT755 (thuộc xã Phước Sơn hoặc xã Đoàn Kết), tạo tiền đề phát triển ngành công nghiệp địa phương.

Địa phương có diện tích đất rộng lớn, màu mỡ thích hợp trồng các loại cây ăn trái, hệ thống rừng nguyên sinh và danh lam thắng cảnh phong phú. Để phát huy tiềm năng, huyện chú trọng bảo tồn và khai thác các tài nguyên sẵn có, chủ động kêu gọi đầu tư, xã hội hóa vào các công trình du lịch, quy hoạch cụm công nghiệp mới để tận dụng lợi thế của tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành khi hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Bù Đăng.

Ông NGUYỄN VĂN LƯU, Phó Chủ tịch UBND huyện Bù Đăng


Trở lại Bù Đăng, chúng tôi mừng vì đồng bào S'tiêng nơi đây vẫn giữ gìn văn hóa đặc trưng vốn có, nhưng còn đó trăn trở vì địa phương có nhiều dự án đang tạm dừng thi công do vướng quy hoạch bô-xít. Lãnh đạo huyện cần mạnh dạn đề xuất ngành chức năng loại bỏ những dự án quy hoạch quá lâu để mở đường cho Bù Đăng phát triển, xứng đáng với quá khứ hào hùng, cũng để tiếng chày trên sóc Bom Bo ngày một vang xa.

  • Từ khóa
197612

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu