Thứ 7, 27/07/2024 10:35:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 10:22, 30/05/2024 GMT+7

Nơi cuối đường Trường Sơn huyền thoại

Bách Việt - Linh Giang
Thứ 5, 30/05/2024 | 10:22:08 2,345 lượt xem

Bài 3:
KIÊU HÃNH PHƯỚC LONG

BPO - Từ thành phố Đồng Xoài, chạy theo ĐT741 chừng 45km, chúng tôi đến thị xã Phước Long - tỉnh lỵ đầu tiên của miền Nam Việt Nam được giải phóng (6-1-1975). Không còn những vết tích của chiến trường ác liệt năm nào, Phước Long giờ thành thị xã sầm uất, được mệnh danh “thủ phủ” chế biến, xuất khẩu điều của tỉnh và cùng với hàng loạt dự án quy mô lớn được triển khai, tạo nên diện mạo khởi sắc cho đô thị.

Một thời đạn bom

Ngôi nhà tĩnh lặng nằm dưới chân núi Bà Rá thuộc phường Sơn Giang là nơi sinh sống của bà Huỳnh Thị Minh Tuyết (thường gọi Bảy Tuyết, sinh năm 1942, nguyên Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá). Trong nhà còn lưu giữ nhiều kỷ vật thời chiến tranh và huân, huy chương được Nhà nước khen tặng vì những đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bà Tuyết bồi hồi nhớ lại, những năm 1960, địch bố trí dày đặc lực lượng bảo an, biệt động, quân đội chính quy ở núi Bà Rá, còn sân bay Phước Bình là nơi tập kết sư đoàn “Anh cả đỏ”, “Tia chớp nhiệt đới”, của địch. Đội biệt động Bà Rá có 12 người (có khi 5 người) hoạt động trong vùng rừng núi với nhiệm vụ xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng trong lòng địch.

Nữ chiến sĩ biệt động Bà Rá Huỳnh Thị Minh Tuyết (thường gọi Bảy Tuyết) bên những kỷ vật thời chiến

Năm 1968, bà Tuyết làm Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá, lấy rừng núi làm nơi trú ẩn, đương đầu với sự lùng sục, càn quét của quân địch. Bà bồi hồi nhớ lại: “Năm 1969, chúng tôi đánh vào tiểu đội địch để giành vũ khí, chỉ 4 chiến sĩ đột nhập, lấy được nhiều súng, đạn và đặt mìn tiêu diệt toàn bộ quân địch. Đội còn phối hợp với Quân giải phóng, bộ đội địa phương đột kích sân bay Phước Bình, đánh đồn Phước Lộc, ấp chiến lược Sơn Giang, phá cầu Đắk Lung lập nên nhiều chiến công vang dội”. Sau năm 1975, bà Tuyết kinh qua nhiều chức vụ như Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phước Long, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Giang.

Ông Nguyễn Văn Ngoan vẫn nhớ như in thời khắc Phước Long được giải phóng

Còn trong ký ức của Đại tá Nguyễn Văn Ngoan (thường gọi Ba Ngoan, sinh năm 1941), nguyên Chỉ huy trưởng Huyện đội Phước Long, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Phước), thì chiến dịch Đường 14 - Phước Long mở màn vào đêm 13-12-1974. Lúc này, ông là Thượng úy, Huyện đội phó Huyện đội Bù Đốp trực tiếp chỉ huy Đại đội 1 của huyện chặn lực lượng chi viện của địch phục kích tại ngã ba Phước Lộc, chặn chi viện địch hướng Phước Bình lên, chống lại đại đội bảo an địch có xe tăng M113 yểm trợ đánh vào Đại đội 1. Trận đánh ác liệt kéo dài 3 ngày đêm. Hết đạn pháo, đơn vị của ông phải nhờ cánh quân khác yểm trợ, tiếp thêm đạn pháo để chiến đấu cho đến ngày Phước Long hoàn toàn giải phóng.

Nói về Phước Long hôm nay, ông Ba Ngoan mừng vui: “Chiến trường năm xưa giờ thành những miệt vườn cây trái, xí nghiệp, nhà máy mọc lên đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Phước Long. Thế hệ trẻ cũng luôn nhắc nhớ nhau về một thời hoa lửa của cha ông, hăng say lao động, sản xuất xây dựng quê hương giàu đẹp”.

“Thủ phủ” chế biến điều

Tìm gặp anh Nguyễn Hoàng Đạt (sinh năm 1987, Phó Chủ tịch Hội Điều Bình Phước), chúng tôi được anh chia sẻ, anh quê gốc Phước Long, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Vinahe thuộc phường Phước Bình. Công ty chuyên chế biến hạt điều tẩm vị như hạt điều Yum Thái, tỏi ớt, phô mai, chanh muối và bánh hạt điều cashewpie. Hiện Vinahe có 6 dòng sản phẩm hạt điều, trong đó 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao có tại các siêu thị lớn, kênh thương mại điện tử uy tín, xuất khẩu sang Trung Quốc, Úc. Năm 2021, anh Đạt vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của lần thứ 16, top 100 doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam tổ chức.

Phước Long còn có Công ty TNHH sản xuất - thương mại Phúc Thịnh, Công ty Hoàng Hà Bình Phước, Công ty Sơn Tùng sản xuất, chế biến hạt điều theo hướng quy mô lớn, thiết bị công nghệ hiện đại, sản phẩm có chất lượng tốt, đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đi cùng chúng tôi có cán bộ phòng kinh tế của thị xã, chia sẻ thêm, Phước Long hiện có 360 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hạt điều, công ty chế biến, chiếm 75% cơ cấu ngành công nghiệp. Nhiều năm trở lại đây, các doanh nghiệp năng động trong tìm kiếm thị trường, đa dạng hóa các dòng sản phẩm, đạt OCOP 4 sao, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý Hạt điều Bình Phước. Do các doanh nghiệp phân bố rải rác nên Phước Long quy hoạch 2 cụm công nghiệp tập trung ở 2 phường Phước Bình, Sơn Giang, kêu gọi đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, di dời nhà xưởng ra khỏi khu dân cư, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững ngành điều.

Kỳ vọng quy hoạch

Anh Nguyễn Ngọc Tuyến (sinh năm 1987, ngụ khu phố 1, phường Long Phước) đang là giáo viên tại một trường THPT ở thị xã Phước Long dẫn chúng tôi đi tham quan dự án xây dựng đường và cải tạo lòng hồ Long Thủy được quy hoạch với diện tích 95.508m2. Anh Tuyến cho hay: “Long Thủy là hồ tự nhiên, dù không thông với sông, suối nhưng nhờ mạch nước ngầm mặt nước trong xanh. Gia đình tôi thường đi dạo quanh hồ, tận hưởng không khí mát lành, về đêm dưới ánh đèn, mặt hồ đẹp, sáng lung linh làm đẹp cảnh quan đô thị”.

Trung tâm thị xã Phước Long nhìn từ trên cao

Khu trung tâm hành chính và đô thị mới Phước Long được quy hoạch với tổng diện tích 96,5 ha, vốn đầu tư hơn 1.119,5 tỷ đồng từ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất của dự án. Trong đó, trung tâm hành chính thị xã Phước Long rộng 12 ha, vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng được xây trên nền sân bay Phước Bình cũ, cùng hạ tầng khu tái định cư, trung tâm văn hóa - thể thao và trường mẫu giáo. Nơi đây có nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ngầm khang trang, sạch đẹp, giúp giao thông nội ô trở nên thông thoáng, thúc đẩy buôn bán, giao thương của người dân, doanh nghiệp. Phước Long có ĐT741, ĐT759 đi qua kết nối giao thông xuyên suốt đến các địa phương trong tỉnh, kết nối với QL13, 14 lên khu vực Tây Nguyên, các tỉnh biên giới Vương quốc Campuchia. Cùng với các tuyến đường được nâng cấp, mở rộng thì các khu dân cư, dự án bất động sản cũng được thành hình, tạo nên cú hích cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.

Rời Phước Long, chúng tôi thầm cảm phục những người con ưu tú đã cống hiến tuổi thanh xuân làm nên vùng đất kiên cường, kiêu dũng của một thời hoa lửa. Hy vọng, với chủ trương phát triển ngành chế biến điều, chú trọng công tác an sinh xã hội để nâng cao đời sống người dân, huy động nguồn lực xã hội đầu tư các công trình trọng điểm, đô thị Phước Long sẽ ngày một giàu đẹp trong tương lai.

Theo ông Nguyễn Ngọc Công, Chủ tịch UBND thị xã Phước Long, phát huy những thành tựu sau gần 50 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và người dân Phước Long đang hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025. Trong đó, thị xã phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức trong giai đoạn hiện nay, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, hướng tới xây dựng Phước Long thành đô thị sinh thái, bản sắc, văn minh và đáng sống.


  • Từ khóa
197675

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu