Thứ 6, 26/04/2024 23:02:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 08:48, 26/05/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LỘC NINH LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020-2025

Xác định đúng mũi đột phá để phát triển nhanh và bền vững

Thứ 3, 26/05/2020 | 08:48:00 353 lượt xem

BPO - Đại hội Đảng bộ huyện Lộc Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 là sự kiện chính trị quan trọng đối với các tầng lớp nhân dân trong huyện. Đại hội là dịp để đánh giá, tổng kết công tác nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời làm tiền đề cho việc xây dựng nghị quyết để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện biên giới tiếp tục phát huy những thành tựu, khắc phục tồn tại, hạn chế, đoàn kết xây dựng Lộc Ninh ngày một phát triển. Phóng viên (PV) Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước có cuộc phỏng vấn đồng chí Lê Trường Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh về những giải pháp cụ thể trong phát triển kinh tế - xã hội huyện nhiệm kỳ 2020-2025.

PV: Lộc Ninh là huyện biên giới nhưng có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội như nông nghiệp, du lịch, kinh tế cửa khẩu… Để phát huy những lợi thế đó, nhiệm kỳ tới huyện ưu tiên tập trung giải quyết vấn đề gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Trường Sơn: Nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những kết quả rất quan trọng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 63%; công nghiệp - xây dựng 18%; thương mại - dịch vụ 19%. Mô hình chăn nuôi trang trại lớn phát triển mạnh, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp dần hình thành.


Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Lộc Ninh Lê Trường Sơn gặp mặt cán bộ lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và khu dân cư trong toàn huyện đầu xuân Canh Tý 2020

Xác định thế mạnh về phát triển nông nghiệp, chăn nuôi tập trung, kinh tế cửa khẩu, từ đó Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đưa ra những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung ưu tiên giải quyết. Đó là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, phấn đấu đưa tỷ trọng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện. Trong nhiệm kỳ phát triển được ít nhất 96 tổ hợp tác và duy trì mỗi xã có 3 hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư hợp tác vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Phấn đấu trong nhiệm kỳ vận động trên 90% hộ trồng tiêu trên địa bàn tham gia các tổ hợp tác tạo chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice Việt Nam. Tiếp tục phát triển chăn nuôi heo, gà, bò sữa theo hướng công nghiệp với quy mô tập trung trang trại lớn gắn với chế biến sản phẩm. Mục tiêu đưa chăn nuôi trở thành ngành mũi nhọn, chiếm tỷ trọng 50% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

Để tập trung phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, huyện chủ trương xin cơ chế phối hợp đặc thù trong quản lý, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đồng bộ, chọn lĩnh vực đột phá để phát triển khu kinh tế cửa khẩu phù hợp lợi thế so với các khu kinh tế cửa khẩu khác trên tuyến biên giới.

Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, trong đó phát triển đồng bộ 3 dạng giao dịch của chính quyền điện tử, gồm: Giao dịch giữa các cơ quan hành chính; giao dịch giữa chính quyền với doanh nghiệp, 100% đấu thầu, đấu giá thực hiện qua mạng; giao dịch giữa chính quyền với công dân, tổ chức thực hiện trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt 50%/tổng số thủ tục hành chính và mức độ 4 đạt 25%/tổng số thủ tục hành chính vào năm 2025...

PV: Dự thảo về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện đưa ra 3 chương trình đột phá lớn. Giải pháp để thực hiện 3 chương trình đột phá này là gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Lê Trường Sơn: Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện chọn 3 chương trình mũi nhọn để đột phá phát triển nhanh và bền vững trong tương lai, đó là: Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và chương trình phát triển du lịch.

Ngoài lợi thế về đất đai, khí hậu và nguồn nước, người dân Lộc Ninh luôn chủ động học hỏi và ứng dụng khoa học - kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, biết gắn kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp để tạo ra thị trường hàng hóa chất lượng cao, nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Bên cạnh người nông dân, các cơ quan hữu quan của huyện cũng đang tập trung kết nối cung - cầu, đầu tư hệ thống nước tưới, phân bón để tiếp sức cho người dân, tạo ra nông sản sạch. Quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn trái đủ số lượng lớn cung cấp cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu. Xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn Organic để tham gia dự án “Phát triển chuỗi cung ứng tiêu bền vững” do Công ty gia vị Nedspice tài trợ. Quy hoạch và phát triển vùng chăn nuôi bò thịt, bò sữa, heo, gà, dê an toàn sinh học, không gây ô nhiễm môi trường. Chọn vật nuôi chủ lực là heo, gà và dê để tập trung kêu gọi đầu tư phát triển.

12 ha bưởi da xanh của gia đình ông Lê Quang Tuyến (thứ 2 từ phải qua), ấp Tam Nguyên, xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh trồng theo hướng hữu cơ bền vững. Đây cũng là định hướng phát triển nông nghiệp của huyện Lộc Ninh trong nhiệm kỳ 2020-2025

Đối với chương trình phát triển Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, huyện xây dựng quy hoạch chi tiết và kêu gọi đầu tư khu đô thị dịch vụ - thương mại - dân cư phía Đông quốc lộ 13, diện tích 360 ha làm hạt nhân hỗ trợ phát triển cho khu công nghiệp tập trung và khu quản lý thương mại - dịch vụ Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư. Đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, điện, hệ thống thoát nước, hồ chứa nước trong khu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong thu hút các nhà đầu tư...

Lộc Ninh hiện có 11 di tích từ cấp quốc gia đặc biệt đến cấp tỉnh. Việc đánh thức tiềm năng du lịch từ những di sản hiện có là vấn đề có tính cấp thiết mà Đảng bộ huyện Lộc Ninh đặt ra trong nhiệm kỳ tới. Trước mắt, huyện sẽ tập trung triển khai công tác lập quy hoạch xây dựng các điểm du lịch, khu du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện. Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc sắc như: du lịch về nguồn khai thác thế mạnh của Khu di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ chỉ huy Miền Tà Thiết, Nhà giao tế, Sân bay Quân sự Lộc Ninh; du lịch sinh thái rừng Tà Thiết; du lịch tâm linh tại chùa Sóc Lớn, Thiền viện Trúc Lâm, Bãi Tiên; du lịch trải nghiệm tại di tích Bệnh viện Lộc Ninh, nhà hát, làng Công Tra, nhà điểm danh, nhà thờ là các di tích còn lại từ thời Pháp thuộc... là thế mạnh tiềm năng đã đến lúc cần khai thác để Lộc Ninh phát triển nhanh và bền vững.

PV: Xin đồng chí cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng; công tác đối ngoại quân sự, ngoại giao nhân dân giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới?

Đồng chí Lê Trường Sơn: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện luôn xác định công tác xây dựng Đảng là hết sức quan trọng và phải làm thường xuyên, liên tục. Đảng vững mạnh, lãnh đạo sát sao thì chính quyền mới năng động, sáng tạo, chăm lo tốt đời sống nhân dân và như vậy kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng phát triển vững chắc.

Nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức về chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, huyện Lộc Ninh đang triển khai chương trình mỗi xã, thị trấn phát triển một sản phẩm nông nghiệp được đăng ký thương hiệu, tập trung vào việc tiêu chuẩn hóa các sản phẩm chủ lực hiện có để xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP như: các sản phẩm từ tiêu xanh; gạo Kiến vàng, gạo Katanot Lộc Khánh; chiếu Lùng Lộc Khánh; rượu Chùm Đuông; hoa khô Lộc Thịnh; hạt điều Hoàng Phú... Đó cũng là bước đệm ban đầu để nông nghiệp công nghệ cao của huyện Lộc Ninh “cất cánh” trong tương lai gần.

Nhiệm kỳ qua, nhờ làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị nên hằng năm có trên 90% đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trên 50% cơ sở đảng trong sạch vững mạnh, không có tổ chức cơ sở đảng yếu kém; trong nhiệm kỳ đã kết nạp 604 đảng viên. Đây là kết quả hết sức quan trọng, là tiền đề để chúng tôi tiếp tục phấn đấu và phát huy những thành tích đạt được trong thời gian qua. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã thảo luận rất kỹ những nhiệm vụ, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng. Theo đó, chú trọng đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy và sinh hoạt chi bộ theo hướng vừa mở rộng và phát huy dân chủ, gắn với tự phê bình và phê bình, vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Quan tâm công tác phát triển đảng viên bảo đảm cả số lượng và chất lượng, chú trọng ở những nơi khó khăn như khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, địa bàn khu dân cư. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số. Nâng cao hiệu quả hoạt động các đơn vị sau kiện toàn hợp nhất, sáp nhập. Tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Lộc Ninh có đường biên giới dài 107,32km, giáp với 2 huyện của 2 tỉnh Campuchia. Đây là vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực phòng thủ của tỉnh, của Quân khu 7. Với địa hình rộng, huyện có 2 cửa khẩu chính là Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư và Cửa khẩu quốc gia Tà Vát, 1 lối mở Lộc Tấn - Tuần Lung, việc đi lại giữa nhân dân hai bên, giao lưu giữa các cụm dân cư cùng hoạt động thăm thân, xuất - nhập cảnh của nhân dân hai bên biên giới được đẩy mạnh. Huyện ủy, UBND huyện xác định công tác bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, nhất là trong điều kiện đất nước đẩy mạnh hội nhập quốc tế là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Trong đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại quân sự, ngoại giao nhân dân được huyện hết sức coi trọng nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

PV: Trân trọng cảm ơn  đồng chí!

Ngân Hà - Đông Kiểm (thực hiện)

  • Từ khóa
33811

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu