Thứ 6, 26/04/2024 23:18:04 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:12, 28/11/2019 GMT+7

Những kẻ ăn vạ chế độ

Thứ 5, 28/11/2019 | 09:12:00 388 lượt xem
BP - Mong muốn quê hương, đất nước phát triển, thịnh vượng, tự hào về Tổ quốc hầu như là tâm lý chung của nhân dân Việt Nam. Song, không thể nào lý giải được hiện tượng một vài kẻ lại luôn có suy nghĩ và hành động mặc cảm, tự ti về dân tộc mình như trong thời gian gần đây.

Thiết tưởng, sau phát biểu điên rồ “rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam” ngày 20-9-2008 trong buổi đối thoại với Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội của một chức sắc tôn giáo, thì những cái “loa phát thanh” miễn phí cho bọn phản động, thù địch kiểu như vậy sẽ không bao giờ còn đất diễn. Nhưng thật trớ trêu thay, trong khi cả thế giới nghiêng mình thán phục trước những kỳ tích của Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hơn 30 năm qua thì không ít kẻ dại mồm, ngứa miệng đã và đang ra sức lu loa, nói xấu Tổ quốc, kể tội chế độ, tìm mọi cách bôi nhọ hình ảnh đất nước trong mắt bạn bè năm châu và hạ thấp uy tín Việt Nam trên trường quốc tế. Chúng tôi gọi đó là những kẻ ăn vạ chế độ.

Chúng dùng những từ ngữ rất hạ đẳng, mang tính chất vu khống trắng trợn, cố tình đổi trắng thay đen khi nói về đất nước và con người Việt Nam, kiểu như: “Sau bao nhiêu năm đổi mới, Việt Nam vẫn là một vũng bùn của thế giới”, rồi thì “Dưới sự lãnh đạo của một Đảng độc tài, người dân Việt Nam biết đến bao giờ mới có thể ngẩng mặt lên nhìn thiên hạ”, hoặc “Càng đổi mới càng thụt lùi”, hay “Có mỗi con ốc vít thôi mà Việt Nam cũng không sản xuất nổi”... Từ đó, chúng quy kết rằng tất cả điều tồi tệ đó là do chế độ độc tài, độc đảng, mất dân chủ mà ra và chúng cũng “cảm thấy nhục nhã khi biết mình là người Việt Nam”. Thôi thì, trong hơn 96 triệu dân Việt Nam cũng có người này người kia, giống như bàn tay 5 ngón có ngón ngắn, ngón dài, chúng ta chấp nhận chúng “tự nhục”, nhưng chúng ta không cho phép chúng nói xấu, nói sai, xuyên tạc, bịa đặt về đất nước, về chế độ.

Nhìn lại hơn 30 năm đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thử hỏi xem có quốc gia nào trên thế giới này vừa trải qua những cuộc chiến tranh đẫm máu, có tính chất hủy diệt lại đạt được kỳ tích trên tất cả các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại như Việt Nam không? Xin liệt kê ra đây “những thành tựu có ý nghĩa lịch sử” đó: Việt Nam là quốc gia duy nhất tại khu vực Đông Nam Á dám lên tiếng phản đối và quyết liệt chống lại các hành động bành trướng, xâm lấn lãnh thổ, vi phạm luật pháp quốc tế trên biển Đông. Tốc độ phát triển GDP, tốc độ giảm nghèo nhanh nhất Đông Nam Á, thứ nhì châu Á và trong top những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Trước năm 1986, tình trạng thiếu đói xảy ra như cơm bữa thì hiện nay, theo Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn khoảng 5,35%. GDP bình quân đầu người tăng 26 lần, từ 98 USD năm 1990 lên 2.587 USD năm 2018.

Quy mô nền kinh tế thay đổi nhanh nhất khu vực, từ 6,3 tỷ USD năm 1986 lên 301 tỷ USD năm 2019 (tính đến thời điểm tháng 9), vượt qua một số quốc gia phát triển trên thế giới như Cộng hòa Séc (242 tỷ USD), Phần Lan (287 tỷ USD). Thử làm một phép so sánh nhỏ sẽ thấy: Năm 2000, GDP của chúng ta 30 tỷ USD, Thái Lan là 126 tỷ USD (gấp 4 lần) thì đến năm 2018, GDP của Việt Nam đạt hơn 240 tỷ USD, Thái Lan 474 tỷ USD (chỉ còn hơn Việt Nam 1,6 lần). Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nhanh nhất khu vực và thế giới: 15,3 tỷ USD (năm 2000), 246 tỷ USD (năm 2018), vượt mặt các “ông lớn” như Philippines, Indonesia, Malaysia và Thái Lan, trở thành một trong 10 quốc gia và vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng đầu châu Á, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Đài Loan, UAE, Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan. Xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản vào top những quốc gia hàng đầu khu vực và thế giới.

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tốt nhất, nguy cơ khủng bố thấp nhất thế giới. Không đâu như Việt Nam, người dân cảm thấy an toàn, được bảo vệ, che chở khi ra đường; được tự do làm tất cả những gì pháp luật không cấm; tình trạng xả súng hàng loạt, đánh bom tự sát chưa từng và không bao giờ xảy ra. Theo bình chọn của Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới (WTA) thì Việt Nam dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở 4 hạng mục: điểm đến, ẩm thực, văn hóa và thành phố văn hóa (Hội An). Graham Cooke, người sáng lập WTA nhận xét: “Ngành du lịch Việt Nam đang khiến cả thế giới ngưỡng mộ”. Việt Nam còn là đối tác chiến lược toàn diện và đối tác toàn diện với cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và có mối quan hệ ngoại giao với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Đây là một điều không dễ dàng với một đất nước lựa chọn đi theo con đường chủ nghĩa xã hội như chúng ta.

Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tự do, cởi mở; đời sống văn hóa, tinh thần, văn hóa tâm linh, hoạt động thể dục thể thao phong phú, đa dạng, thể thao thành tích cao có thứ hạng của khu vực và thế giới (xếp thứ 17 Đại hội thể thao châu Á 2018, đội bóng đá nam và nữ thống trị Đông Nam Á). Các tài năng nở rộ, như có 3 nhà khoa học được bình chọn trong danh sách 1.000 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất mọi thời đại, có trường đại học lọt top 500 trường uy tín, chất lượng nhất châu Á và thế giới.

Khoa học, kỹ thuật phát triển: Việt Nam là một trong 5 nước châu Á - cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ - tự nghiên cứu và phát triển công nghệ 5G, hàm lượng nghiên cứu đạt trên 60%. Là quốc gia duy nhất trên thế giới có thu nhập GDP đầu người dưới 3.000 USD/năm mà có một hãng xe ôtô riêng (Vinfast), có những hãng điện thoại thông minh riêng; có những công ty phần mềm, thương mại điện tử và tiêu dùng nhanh trị giá hàng tỷ đôla. Các quốc gia Đông Nam Á đang nhìn hạ tầng viễn thông Việt Nam với con mắt thèm thuồng. Thủ tướng Malaysia khi lái thử ôtô Vinfast đã không thể tin nổi một quốc gia như Việt Nam lại có sản phẩm hoàn thiện như thế!

Trong lĩnh vực quân sự: Sức mạnh quân sự Việt Nam thường xuyên đứng top đầu Đông Nam Á, top 15 châu Á và top 20 thế giới. Việt Nam là một trong số ít các nước Đông Nam Á tích cực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, có ảnh hưởng lớn tại khu vực châu Phi, được cả các phe phái đối lập và người dân các nước châu Phi kính trọng, vị nể. Như thế là đáng hổ thẹn hay đáng tự hào?

Để kết thúc bài viết, xin được trích dẫn câu ngạn ngữ Tây Ban Nha: “Chó vẫn cứ sủa, loài người vẫn tiến lên”. Ăn vạ chế độ không làm cho đất nước sụp đổ, có chăng chỉ làm rối ren tình hình mà thôi. Nếu đủ tỉnh táo và biết cách tiếp cận đủ thông tin, chúng ta sẽ không bao giờ bị lung lạc khi nghe những lời ta thán lạc lõng của những kẻ tự nhục nêu trên.

Hồng Vân

  • Từ khóa
2878

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu