Thứ 6, 26/04/2024 19:20:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:40, 18/05/2020 GMT+7

KỶ NIỆM 130 NĂM NGÀY SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH (19-5-1890 - 19-5-2020)

Giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương

Thứ 2, 18/05/2020 | 14:40:00 1,188 lượt xem
BPO - Trường Sa - tên gọi rất đỗi quen thuộc đối với mỗi người dân Việt Nam. Giữa muôn trùng sóng gió ở Trường Sa, hàng ngàn người con đất Việt vẫn ngày đêm chắc tay súng, chung sức bền lòng góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Và trong số đó có không ít cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số đang giữ gìn biển, đảo quê hương.

Đến đảo Sơn Ca, nhiều người sẽ được gặp các cán bộ, chiến sĩ người dân tộc thiểu số. Vốn chỉ quen với đồi núi, nương rẫy, thế nhưng khi đến với Trường Sa, với biển đảo quê hương, các anh luôn phát huy tốt năng lực ở từng vị trí công tác. Trung úy Phạm Công Giáp (SN 1994, quê ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) là người dân tộc Mường, ra công tác tại Trường Sa từ năm 2018. Trung úy Giáp cho biết, khi được ra huyện đảo Trường Sa công tác, tôi rất phấn khởi. Ngày đầu đến đảo Sơn Ca, bản thân thấy bất ngờ vì biển, đảo quê hương đẹp hơn so với tưởng tượng. Tuy ban đầu có khó khăn, bỡ ngỡ nhưng chỉ một thời gian ngắn, bản thân đã kịp thích nghi và yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị.

Trung úy Phạm Công Giáp (thứ nhất từ phải qua) cùng đồng đội tuần tra ven đảo Sơn Ca

Công tác trong môi trường quân đội chính là động lực để Trung úy Giáp hoàn thiện bản thân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với anh, được công tác tại huyện đảo Trường Sa chính là cơ hội để rèn luyện cả về phẩm chất chính trị và bản lĩnh người lính. Là chỉ huy đơn vị, Trung úy Giáp cho biết, việc tổ chức phong trào ở đảo chủ yếu hướng vào hoạt động giao lưu giữa các đơn vị. Thông qua thi đấu thể thao hoặc văn nghệ, chất lượng hoạt động phong trào cũng như sự đoàn kết giữa các đồng chí, đồng đội nơi đảo xa được nâng cao. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, anh đã quyết chọn con đường binh nghiệp. Sự trưởng thành của anh là tấm gương sáng cho em trai tiếp bước đời quân ngũ và đang theo học tại Trường Sĩ quan Chính trị (Hà Nội).

Thượng tá Phạm Duy Hướng, Phó chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân cho biết, hiện nay, trên quần đảo Trường Sa có nhiều cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số, gồm các dân tộc: Hơmông, Mường, Dao, Tày, Chăm, Raglai, Khơme, S’tiêng, Jrai. Các cán bộ, chiến sĩ này luôn cố gắng trong công việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đơn vị ghi nhận.

Cùng công tác ở đảo Sơn Ca, chiến sĩ Thập Văn Hoan (SN 1999, dân tộc Chăm, quê tỉnh Ninh Thuận) lại gây ấn tượng với mọi người bằng sự chân chất, giản dị. Chiến sĩ Hoan chia sẻ, bản thân rất vui khi được đóng quân tại huyện đảo Trường Sa. Đón tết đầu tiên nơi đảo xa rất khác trong đất liền bởi mọi vật phẩm được các đoàn công tác vượt sóng gió chuyển ra. Đó chính là tình cảm sâu đậm của đất liền đối với hải đảo, điều mà chỉ khi ra Trường Sa công tác thì anh mới cảm nhận được. Và sự quan tâm của đồng chí, đồng đội đã giúp anh vượt qua nỗi nhớ nhà, từ đó nhanh chóng hòa nhập với môi trường quân đội. Được cùng đồng chí, đồng đội gói bánh chưng, dọn dẹp, chỉnh trang doanh trại, trang trí hội trường đơn vị là những kỷ niệm đáng nhớ trong thời gian công tác ở quân ngũ mà không phải ai cũng có được.

Chiến sĩ Thập Văn Hoan là một trong những người con của dân tộc Chăm công tác tại Trường Sa. Chàng trai mặn mòi của vùng nắng gió Ninh Thuận có rất nhiều tài lẻ. Điển hình như toàn bộ bảng hiệu ở đơn vị đều do anh kẻ, vẽ. Các cây cảnh, bonsai cũng do anh cắt tỉa, uốn tạo... Anh cho biết, bản thân rất tự hào khi được trở thành người lính Trường Sa. Nếu một lần nữa được lựa chọn, anh vẫn chọn được đóng quân tại Trường Sa, nơi địa đầu của Tổ quốc.

Theo Trung tá Phạm Doãn Thảo, Chính trị viên đảo Sơn Ca, trong đơn vị, các chiến sĩ người dân tộc thiểu số đều có nhận thức rất tốt. Trong đó, Trung úy Phạm Công Giáp và binh nhất Thập Văn Hoan là những người có ý chí kiên định. Trong công việc, các đồng chí luôn đi đầu, không ngại khó, ngại khổ, ý thức tự giác rất cao. Năm 2019, binh nhất Thập Văn Hoan được Lữ đoàn 146 tặng danh hiệu Chiến sĩ tiên tiến. Những đồng chí như Trung úy Phạm Công Giáp và binh nhất Thập Văn Hoan là tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ trên đảo học tập, noi theo, cùng giúp nhau tiến bộ.

Thanh Trà (Nguồn: baokhanhhoa.vn)

  • Từ khóa
111476

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu