Thứ 7, 27/04/2024 12:02:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:40, 14/04/2020 GMT+7

Đừng biến hạn, mặn thành cớ

Thảo Linh
Thứ 3, 14/04/2020 | 09:40:00 421 lượt xem
BPO - Những ngày gần đây, khi chính quyền các cấp và người dân phải gồng mình chống dịch bệnh; khi người dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống và sản xuất khiến 5 tỉnh phải ban bố tình trạng khẩn cấp thiên tai thì các phần tử cơ hội chính trị lại lợi dụng tình hình khó khăn để xuyên tạc, kích động chống phá.

Ngày 8-2-2020, trang RFI đưa tin: “Đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn tồn tại 30 năm”?. Trước đó, Fanpage Việt Tân cũng có bài “Năm 2050 đồng bằng sông Cửu Long sẽ biến mất”; trang VOA Tiếng Việt đăng bài: “20 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp nguy cơ vì nước biển dâng”. Rồi một vài trang mạng khác như Vatican News cũng đăng tải các bài viết về nguy cơ “biến mất” của ĐBSCL trong khoảng 30 năm tới... Tất cả bài viết trên các trang mạng này nói về “sự biến mất” của ĐBSCL đều dựa trên kết quả nghiên cứu khí hậu toàn thế giới của tổ chức Climate Central nào đó.

Từ xưa tới nay, ĐBSCL luôn là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước; lại có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông. Toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đang tạo cho ĐBSCL nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Đó là biến đổi khí hậu, nước biển dâng diễn ra nhanh và gay gắt gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân. Bên cạnh đó, dọc lưu vực sông Mê Kông, mỗi quốc gia có lợi ích riêng của mình nên việc khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn, đặc biệt là việc xây dựng đập thủy điện đã làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, suy giảm nguồn lợi thủy sản, xâm nhập mặn sâu vào hạ vùng. Rồi mặt trái từ hoạt động phát triển kinh tế đang gây ra ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mực nước ngầm, xâm thực bờ biển...

Tại Việt Nam, thảm họa thiên nhiên thường là hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL hay bão lụt ở miền Trung, lũ quét ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Không ai chối cãi tình trạng sụt lún, hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở khu vực ĐBSCL. Cũng không thể phủ nhận từ nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã triển khai nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu, ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL. Cụ thể như đầu tư hệ thống mô hình thủy văn, thủy lực, nâng cao tính chính xác trong dự báo; chuyển đổi sản xuất thích ứng với khí hậu; xây kè gây bồi tạo bãi; trồng hàng trăm héc ta rừng phòng hộ ven biển... và hỗ trợ sinh kế cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Những ngày vừa qua, Chính phủ đã chi cho 5 tỉnh công bố tình huống khẩn cấp 350 tỷ đồng để có nguồn lực ứng phó. Cả hệ thống chính trị, tuyến đầu là bộ đội, công an đã không quản ngại khó khăn, gian khổ tìm mọi cách để cung cấp đủ nước ngọt sinh hoạt cho người dân. Ai cũng biết, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn, động đất, sóng thần là hiện tượng tự nhiên, vượt khỏi khả năng điều chỉnh của mỗi quốc gia đơn lẻ. Thế nên để hạn chế tác động tiêu cực của các hiện tượng thiên nhiên cực đoan nêu trên cần có sự hợp tác, đồng lòng của cả nhân loại chứ không chỉ quốc gia hay đảng phái nào trên thế giới.

Sẽ không có gì phải bàn nếu các trang mạng nêu trên “cảnh báo” bằng những dẫn liệu khoa học, khách quan và trên tinh thần xây dựng, lo lắng cho cuộc sống của người dân ĐBSCL. Nhưng không, lợi dụng hạn hán, xâm nhập mặn đang diễn ra gay gắt, các trang mạng này đồng thanh xuyên tạc, rằng kết quả này là do ĐBSCL bị chính quyền các cấp “bỏ rơi”, “lãng quên” nhiều năm qua. Họ bịa đặt về tình trạng người dân phải rời bỏ đất cha ông để lên Tây Nguyên, tha phương đến miền Trung, miền Bắc; thậm chí sang bên kia bán cầu để mưu sinh. Những người ở lại đang ngửa cổ mong chờ phép màu từ tạo hóa. Cuối cùng, họ quy kết thảm trạng này là do thể chế chính trị, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý non kém và việc bưng bít thông tin tạo ra.

Nhìn ra thế giới, bao nhiêu quốc gia khác như Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc, Indonesia, Philippines... cũng đã mất đi hàng triệu người, nhiều làng mạc, thành phố bị san phẳng bởi động đất, sóng thần. Vậy thì “đổ tội” cho ai? Thế nhưng những kẻ cơ hội chính trị luôn bưng tai bịt mắt trước những nỗ lực của Đảng, chính quyền các cấp trong việc ứng phó với các thảm họa thiên nhiên, trong đó có nạn hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Họ quy kết nguyên nhân là do Đảng, Nhà nước không ra lệnh cải tạo vùng trũng là nơi tích nước cho ĐBSCL. Họ mổ xẻ cả việc Đảng ta ban hành các nghị quyết nhằm tăng sản lượng gạo ở ĐBSCL để vươn lên dẫn đầu về xuất khẩu gạo, để nâng kim ngạch xuất khẩu thủy sản, giúp chỉ tiêu tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Rồi họ đặt câu hỏi hết sức nực cười: Tại sao một miền đất màu mỡ trù phú bậc nhất của Tổ quốc lại bị rơi vào hoàn cảnh bi đát này?

Qua những lập luận loanh quanh và ngớ ngẩn của những kẻ đang thương vay khóc mướn về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL, chẳng cần tinh ý cũng thấy rõ động cơ mượn chuyện để chống phá của những kẻ cơ hội chính trị. Nếu như “miền đất màu mỡ trù phú bậc nhất của Tổ quốc” - như lời họ nói kia không được khai thác tốt, đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% sản lượng trái cây của cả nước thì chắc chắn chúng lại quy kết là do công tác lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước yếu kém. Qua đó kích động tâm lý tiêu cực của người dân, chia rẽ vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Mục đích cuối cùng của chúng là xóa bỏ thể chế chính trị, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thực hiện mục tiêu đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập ở Việt Nam mà thôi.

  • Từ khóa
2903

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu