Thứ 6, 26/04/2024 18:23:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 15:51, 25/01/2020 GMT+7

Đồng bào Khơme với tết Nguyên đán

Điểu Lành - Khánh Diễm
Thứ 7, 25/01/2020 | 15:51:00 189 lượt xem
BPO - Tết Nguyên đán hằng năm thường được gọi với nhiều cái tên thân thương như tết cổ truyền, tết Việt… Chỉ tên gọi đã cho thấy tình cảm thân thương, trìu mến của mỗi người dành cho ngày tết. Vì thế, dù ở đâu, dân tộc nào, văn hóa riêng ra sao đều chào đón tết Nguyên đán nồng nhiệt. Tại Bình Phước - nơi có đông đồng bào dân tộc anh em chung sống, tết Nguyên đán Canh Tý đã được đồng bào chuẩn bị từ rất sớm.

Trong cái se lạnh chuyển mùa của những ngày cuối năm, về với vùng sâu, vùng xa, vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi lại cảm nhận sự ấm áp, nhẹ nhàng mang dư vị tết. Cùng với sự phát triển đi lên của đất nước, đời sống đồng bào các dân tộc ở Bình Phước đã có nhiều đổi thay. Bên cạnh những nét văn hóa tập tục riêng vẫn được lưu giữ, đồng bào các dân tộc nay đã đón tết Nguyên đán chung vui với mọi người, mọi nhà.

Ông Trần Sơn Kiều chuẩn bị đón tết

Ông Trần Sơn Kiều, đồng bào Khơme ở ấp 1, xã Đồng Tâm, huyện Đồng Phú cho biết, gia đình ông từ quê hương Sóc Trăng lên Bình Phước năm 1988. Những ngày đầu lập nghiệp, vợ chồng ông chủ yếu đi làm thuê, làm mướn quanh khu vực Đồng Xoài. Năm 1997, khi tái lập tỉnh, Nhà nước có chương trình cấp đất cho đồng bào làm kinh tế, gia đình ông may mắn được cấp 1 ha đất sản xuất và đất ở tại ấp 1, xã Đồng Tâm. Niềm vui có đất sản xuất giúp cả gia đình ông lao động hăng say hơn. Chỉ sau 3 năm làm lụng, tích góp, ông mua thêm được 3 ha để phát triển kinh tế. Hơn 30 năm gắn bó với Bình Phước, với gia đình ông nơi đây trở thành quê hương thứ hai khi con cái lần lượt khôn lớn, cưới vợ gả chồng rồi ra riêng lập nghiệp. Giờ mảnh đất nhà nước cấp năm nào nay đã được xây căn nhà cấp bốn khang trang, ông bà sống cùng con trai út. Những ngày cuối năm con cháu đều bận rộn lo việc bên ngoài, riêng ông luôn tranh thủ chăm sóc nhà cửa để chuẩn bị đón tết.

Ông Kiều cho biết, cả 60 hộ đến lập nghiệp ở ấp 1, xã Đồng Tâm ngày ấy nay đều đã có kinh tế ổn định, nhà cửa tươm tất, con em được đến trường. Ấp 1 giờ không chỉ có người Khơme, S’tiêng mà có cả đồng bào Tày, Nùng, Kinh... Khác với đồng bào S’tiêng, người Khơme có ngày tết cổ truyền riêng, đó là tết Chol Chnam Thmay, còn gọi là lễ vào năm mới, thường được tổ chức vào khoảng giữa tháng 3 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, do quá trình sống đan xen, cộng cư lâu đời với người Kinh, người S’tiêng hoặc do mối quan hệ mang tính ràng buộc trong hôn nhân nên hầu như hộ đồng bào Khơme nào cũng tổ chức vui xuân, đón tết trong không khí vui tươi, nhộn nhịp không kém phần so với người Kinh.

Chia tay ông Kiều, chúng tôi đến thăm nhà ông Thạch Đỏ trong cộng đồng Khơme ở thành phố Đồng Xoài. Ông Đỏ cho biết: Ngày trước khu phố Phước Bình, phường Tân Xuân nơi gia đình ông sinh sống rất hoang vu với đất bưng, vườn rẫy. Sau khi tái lập tỉnh Bình Phước năm 1997, Đồng Xoài bắt đầu thay đổi nhanh chóng. Người Kinh, S’tiêng, Khơme sống đan xen. Con cái trong gia đình ông lớn lên kết hôn với người Kinh, S’tiêng. Sự giao thoa văn hóa như một lẽ tự nhiên.

Những ngày cận tết Nguyên đán Canh Tý 2020, cả gia đình ông Thạch Đỏ đều tất bật chuẩn bị đón tết. Tranh thủ những ngày cuối tuần, cả nhà cùng nhau dọn dẹp cho sân vườn thoáng đãng, trang trí lại nhà cửa, chuẩn bị mâm lễ cho bàn thờ tổ tiên thêm ấm áp. Và tết cứ thế rộn ràng trong sự sum vầy con cháu.

Trong xu thế hội nhập, cùng với điều kiện kinh tế ngày một phát triển, đồng bào dân tộc thiểu số cùng đón tết Nguyên đán bên cạnh những nét văn hóa riêng của dân tộc mình không chỉ phản ánh nét giao thoa văn hóa giữa các tộc người mà còn là minh chứng sinh động cho truyền thống đại đoàn kết dân tộc vốn có từ bao đời nay của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.                         

  • Từ khóa
94162

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu