Thứ 6, 26/04/2024 14:19:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:32, 13/10/2014 GMT+7

Đồng bào dân tộc thiểu số xã Phước An đổi đời từ cây lúa

Thứ 2, 13/10/2014 | 15:32:00 3,098 lượt xem
BP - Trước đây, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Phước An (Hớn Quản) canh tác lúa theo phong trào. Nay người dân đã biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào từng khâu, từ việc chọn giống, làm đất, chăm bón đến phun thuốc diệt sâu bệnh. Nhìn cánh đồng đang cho thu hoạch, lúa trĩu bông, hạt chắc, báo hiệu một mùa bội thu ở Phước An.

Làm lúa tự phát

Trên cánh đồng xã Phước An thời điểm này, người dân đang vào mùa thu hoạch lúa. Những gương mặt lấm lem bùn đất, thấm đẫm mồ hôi, nhưng rạng rỡ nụ cười làm tăng thêm không khí lao động. Chị Nguyễn Thị Thơm, cán bộ khuyến nông xã Phước An nói: Khác với việc để cho cây lúa sinh trưởng tự nhiên như trước đây, người dân nay đã biết ứng dụng kỹ thuật vào từng thời kỳ phát triển và phát hiện, phòng trừ sâu bệnh kịp thời để đạt năng suất cao.

Nông dân ở ấp 23 Lớn, xã Phước An thu hoạch lúa

Trước đây, đồng bào DTTS sản xuất tự phát, không tập trung nên cùng một cánh đồng nhưng có nhiều tầng lúa khác nhau: Mới sạ, làm đòng, trổ bông hoặc đang thu hoạch. Đồng bào còn làm theo kinh nghiệm nên có suy nghĩ “lúa được hay mất mùa là do trời”. Đến kỳ thu hoạch, nhiều thửa ruộng mất trắng vì sâu bệnh phá hoại, chỉ có thể cắt rơm về làm thức ăn cho trâu, bò. Vì vậy, không ít hộ đồng bào DTTS luôn trong cảnh thiếu ăn giáp hạt.

Bà Thị Đốt ở ấp 23 Lớn kể: Trước đây, đồng bào không biết kỹ thuật, phát hiện và phòng trừ sâu bệnh cũng không hay. Lúa lên chỉ cầu mong mưa xuống cho cây tốt tươi nên mỗi năm chỉ làm được 1vụ, năng suất rất thấp.

Được mùa nhờ áp dụng kỹ thuật

Xã Phước An có 17 ấp, trong đó 9 ấp đồng bào DTTS. Cánh đồng ở ấp 23 Lớn và ấp Tổng Cui Lớn có diện tích lúa nhiều, năng suất cao nhất xã. Chúng tôi dừng chân bên thửa ruộng khá tốt, thân cây cao, bông trĩu hạt của hộ ông Điểu Nưa ở ấp 23 Lớn. Ông Điểu Nưa nói: Nhờ đầu tư, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh tốt nên cây lúa mới đạt năng suất cao. Nhà có 1,2 ha, hiện 6 sào chín rộ, còn lại phải chờ gần tháng nữa mới được gặt. Năm 2013, do bị ốc bươu vàng phá hoại, nhiều cỏ dại mọc, lại bị ngập nước nên tôi chỉ thu được 60 bao (50kg/bao). Vụ này do phun thuốc diệt cỏ và phát hiện sâu bệnh kịp thời nên thu được 80 bao.

Xã Phước An có 110 ha lúa, trong đó đồng bào DTTS canh tác chiếm hơn 90%. Đây là xã có diện tích lúa cao thứ hai của huyện Hớn Quản, sau xã An Khương. Nhiều năm qua, cây lúa đã gắn bó với đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào Xêtiêng qua các tục lệ cúng mừng lúa mới, cầu xin trời đất cho mùa màng bội thu.

Yếu tố quan trọng nhất trong làm lúa chính là cung ứng đủ nước. Tuy nhiên, ở cánh đồng lúa ấp 23 Lớn lại không có hệ thống kênh mương nội đồng nên các hộ chủ yếu sản xuất vào mùa mưa. Bà Thị Phên nói: Đồng bào sống dựa vào cây lúa, chỉ mong có nước quanh năm để làm được nhiều vụ. Nhà tôi có 4 sào, dự kiến vụ này được khoảng 27 bao, tăng 4 bao so vụ trước. Ngoài giữ lại để ăn trong năm, tôi bán bớt lấy tiền trang trải đã ứng từ đầu vụ.

Chị Nguyễn Thị Thơm cho biết thêm: Do diện tích lúa nhiều nên tập huấn kỹ thuật nông nghiệp được xã chú trọng. Hàng năm, xã phối hợp Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật huyện mở 4-5 lớp tập huấn cho nông dân về kỹ thuật gieo sạ, làm đất, chăm sóc; cách phòng trừ sâu bệnh gây hại và giới thiệu giống lúa mới. Nhờ vậy, mấy năm gần đây, các hộ đồng bào DTTS có ruộng lúa đã không còn cảnh thiếu ăn giáp hạt. Nhiều nhà còn sắm được máy cày để chủ động làm ruộng. Các giống lúa được gieo sạ phổ biến như: OM54, OM51, 6973, 4852 và một số loại khác có thời gian sinh trưởng 3-4 tháng. Bình quân, năng suất các giống lúa đạt 3-3,5 tấn/ha, có loại cho gần 5 tấn/ha.

Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã Phước An cho biết: Diện tích lúa nước của người dân rải rác ở các ấp, rất khó để đầu tư hệ thống kênh mương nội đồng và kinh phí xây dựng đập thủy lợi hoặc trạm bơm nước cũng không nhỏ. Do vậy, chính quyền xã vận động nông dân tập trung làm lúa đồng đều để đạt hiệu quả cao hơn. Đồng thời, người dân phải chủ động làm đất sớm để khi có mưa thì xuống giống kịp thời, đảm bảo canh tác được 2 vụ/năm.     

Hải Châu

  • Từ khóa
39521

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu