Thứ 6, 26/04/2024 11:05:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 06:37, 25/09/2019 GMT+7

LAO ĐỘNG CÔNG ĐOÀN

Đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ để giữ nghề

Thứ 4, 25/09/2019 | 06:37:00 267 lượt xem
BP - Sau 5 năm đi vào thực tiễn, Nghị quyết 6a của Công đoàn Cao su Việt Nam về đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình trong công nhân viên chức, người lao động nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp công đoàn ở Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng. Từ đó, góp phần bổ sung nguồn thu bền vững cho người lao động trong giai đoạn giá mủ đang giảm sâu.

Thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm

Khi giá mủ cao su xuống thấp, việc phát triển kinh tế gia đình trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Nhiều gia đình công nhân đã tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống để gắn bó lâu dài với cây cao su và không ít hộ vươn lên làm giàu, trở thành tỷ phú. Điển hình là hộ anh Tạ Đình Chính, bảo vệ Nông trường 6 với mô hình nuôi chim yến và đầu tư dàn máy khoan, gom dọn cây cao su cho thu nhập mỗi năm từ 1,5-2 tỷ đồng. Hay chị Ngô Thị Thủy, nhân viên kế toán vật tư và chồng là anh Nguyễn Như Tôn, nhân viên lái xe Nông trường Thọ Sơn thực hiện hiệu quả mô hình đa canh thu lãi khoảng 1 tỷ đồng/năm.

Nhiều gia đình công nhân ở Nông trường 9 Công ty TNHH MTV cao su Phú Riềng có thu nhập từ kinh tế phụ 60 triệu đồng/năm

Vợ chồng chị Thủy từ Hà Tĩnh vào Thọ Sơn (Bù Đăng) sinh sống từ năm 1990. Sau khi xin vào làm trong ngành cao su, anh chị tích cóp mua đất xây nhà và mở rộng diện tích canh tác qua từng năm. Đến nay, vợ chồng chị có hơn 20 ha đất trồng cao su, điều, tiêu, cà phê và nhiều loại cây ăn trái. Nhờ biết lấy ngắn nuôi dài, trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế và áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nên nguồn thu từ kinh tế hộ của anh chị luôn bảo đảm. “Ban Chấp hành Công đoàn nông trường luôn sâu sát tuyên truyền, hỗ trợ người lao động nắm bắt thị trường, chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện, nguồn lực của gia đình, không chạy theo phong trào, giá cả thị trường. Người lao động chủ động thâm canh vườn rẫy, đa dạng hóa cây trồng và trồng xen cây ngắn ngày để tăng thu nhập. Nhờ vậy, kinh tế gia đình tôi và nhiều công nhân khác rất ổn định” - chị Thủy phấn khởi.

Hoàn tất công việc ở nông trường, chị Lê Thị Thương, công nhân khai thác, Tổ trưởng nữ công Tổ 5, Nông trường 9 tranh thủ cùng chồng đi cạo mủ thuê và đầu tư chăm sóc 1 ha điều của gia đình. Dù giá mủ thấp nhưng gia đình chị vẫn có thu nhập 200 triệu đồng/năm. Chị còn phát động phong trào tăng gia sản xuất trong toàn tổ để công nhân nâng cao thu nhập. Chị Thương cho biết: “Từ số vốn dành dụm cùng sự hỗ trợ từ quỹ xoay vòng, công nhân trong tổ đã tăng gia sản xuất phát triển kinh tế gia đình, như trồng tiêu, điều; nuôi heo, bò, gà... Nhờ vậy, thu nhập bình quân từ kinh tế phụ của các gia đình công nhân trong tổ đạt 60 triệu đồng/năm. Chúng tôi còn thường xuyên tuyên truyền những cách làm hay, mô hình hiệu quả để thúc đẩy phong trào làm kinh tế trong đơn vị, từng bước đưa đời sống công nhân ngày càng ổn định và giàu có hơn”.

Nghị quyết đi vào cuộc sống

Trong giai đoạn giá mủ cao su liên tục giảm, thu nhập của người lao động cũng giảm đáng kể. Ngoài phát động phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, tăng năng suất lao động, Công đoàn Nông trường Thọ Sơn còn đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế gia đình bằng việc khuyến khích công nhân đầu tư mua thêm vườn rẫy, thâm canh tăng năng suất cây trồng. Một số hộ mạnh dạn huy động vốn, tận dụng nguồn lực về cơ sở vật chất, kỹ thuật công nghệ đầu tư vào những mô hình lớn hơn, như nuôi chim yến hay làm nhà kính, nhà lưới trồng các sản phẩm nông nghiệp sạch cho giá trị kinh tế cao.

Ông Ngô Du, Phó giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Nông trường Thọ Sơn cho biết: Nông trường hiện có 191 hộ/218 người, trong đó 175 hộ có vườn rẫy với tổng diện tích 505 ha. 98% công nhân viên chức, người lao động tranh thủ thời gian rảnh rỗi chăm sóc vườn rẫy, chăn nuôi tăng thu nhập nên không còn hộ nghèo. Từ nguồn vốn quỹ phúc lợi, Công đoàn nông trường đã hỗ trợ 40 hộ công nhân vay tổng 880 triệu đồng. Ngoài ra, đoàn viên công đoàn còn góp quỹ xoay vòng, giúp nhau cây - con giống. Quỹ xoay vòng bình quân 1 năm góp được 750 triệu đồng cho 50 công nhân vay không tính lãi. Quỹ trợ vốn hiện có 95 triệu đồng cho 10 lượt hộ vay. Tổng thu nhập từ kinh tế gia đình năm 2018 toàn nông trường đạt 10,36 tỷ đồng, bình quân 59,2 triệu đồng/hộ. Điển hình có hộ thu nhập bình quân trên 500 triệu đồng/năm.

Ông Lưu Thế Doanh, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết: Những năm qua, công ty trích quỹ phúc lợi gần 20 tỷ đồng cho công nhân viên chức, người lao động vay phát triển kinh tế gia đình và nâng cấp nhà ở. Qua 5 năm thực hiện, Nghị quyết 6a đã đi vào cuộc sống, giúp người lao động tăng thu nhập từ 20-30% so với thu nhập thực tế bình quân hằng năm. Hiện nay, đơn vị đang triển khai mô hình trồng xen canh các loại cây ngắn ngày (bắp, bo bo, mè, đậu, nghệ, gừng), có tổng diện tích 1.354 ha với 3.286 hộ tham gia, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn 4.280 hộ trồng chuyên canh điều, cao su, cà phê, tiêu với tổng 3.472 ha, thu nhập bình quân 15 triệu đồng/tháng và 4.720 hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm với khoảng 300.000 con, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/tháng. 

Ngân Hà

  • Từ khóa
44849

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu