Thứ 6, 26/04/2024 10:40:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:51, 25/03/2020 GMT+7

Chuyển đổi cây trồng: Đường đi không có sẵn

Ngọc Bích
Thứ 4, 25/03/2020 | 13:51:00 442 lượt xem
BPO - Khi giá các mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh lao dốc, nông dân lao đao với bài toán kinh tế. Như một vòng tuần hoàn khép kín, nông dân lại đi theo lối mòn cũ - chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, việc đầu tư cần chi phí lớn. Khi nguồn thu không có, nếu không sáng suốt nông dân rất dễ rơi vào cảnh “1 cổ 2 tròng” - nợ cũ chồng nợ mới.

Việc chuyển đổi cây trồng theo cảm tính không có sự định hướng quy hoạch của ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong thời kỳ thị trường không ổn định, nông dân như bịt mắt đi giữa ma trận.

Phía trước gập ghềnh

Đến thị xã Bình Long - một trong 3 thủ phủ hồ tiêu của Bình Phước với 3.519 ha vào năm 2005, chúng tôi gặp gỡ những người nông dân dành cả đời gắn bó với cây tiêu qua bao thăng trầm.

Nhìn vườn cây sachi sai trái, cho năng suất cao nhưng ông Phương Công Ký ở tổ 5, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú không có tâm trạng hồ hởi, sảng khoái của một người nông dân bội thu. Có lẽ thành công không đến với lão nông 74 tuổi.

Năm 1982, ông rời quê hương Ba Vì, Hà Nội vào Bình Phước tìm miền đất hứa. Với 7 sào đất, tìm hiểu thổ nhưỡng, hiệu quả kinh tế, ông chọn cây tiêu để sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Thời đó, vùng đất Bình Long nhà nhà trồng tiêu, người người trồng tiêu, gia đình nào kinh tế cũng khá giả, không có lý do gì ông Ký phải từ chối cây tiêu. Năm 1983, sau khi học hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc tiêu từ những người quen biết, tự tay ông Ký chọn từng dây tiêu giống, trụ tiêu và xuống giống.

Sau 3 lần trồng tiêu và 1 lần trồng cao su, hiện nay, hộ ông Phương Công Ký (áo sẫm) ở tổ 5, ấp Thanh Sơn, xã Thanh Phú, TX. Bình Long chuyển đổi trồng cây sachi và đang cho thu hoạch nhưng không tìm được đầu ra sản phẩm

Cây tiêu cho thu hoạch được vài năm thì Bình Phước bị ảnh hưởng của trận “đại hồng thủy”. Tháng 11-1999, Bình Phước mưa nhiều, phần lớn các vườn tiêu chưa có hệ thống thoát nước, những vườn có nước cũng không thoát kịp. Tiêu là loại cây ưa nước nhưng nếu bị ngập trong 30 phút dù có thoát nước, thì rễ tiêu cũng bị nấm và sau đó thối rễ sẽ chết. Sau ảnh hưởng của trận “đại hồng thủy”, vườn tiêu của gia đình ông Ký chết trắng. Không có kinh nghiệm giải độc cho đất nên dù trồng lại mới hoàn toàn, đến năm 2004 vườn tiêu của ông tiếp tục chết thêm lần nữa.

Đất đã nhiễm độc, ông chọn cao su để chuyển đổi cây trồng. Sau 4 năm chăm sóc, năm 2009, gia đình mới có nguồn thu từ cao su nhưng giá mủ cũng giảm dần qua từng năm. Diện tích ít, giá cao su thấp, ông tìm tòi trên internet và quyết tâm chuyển sang trồng cây sachi từ tháng 4-2019. Sau khi trồng 8 tháng sẽ cho thu hoạch và được thu quanh năm.

Đầu tư trồng sachi gần 90 triệu đồng, đến nay gia đình ông mới thu lại khoảng 20 triệu đồng. Nhìn trái sachi chất đầy nhà, ngoài vườn sắp đến đợt thu hoạch nhưng chưa tìm được đầu ra, ông Ký nghi ngờ hướng đi của mình. Không chỉ ông mà nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh cũng rơi vào vòng luẩn quẩn “trồng - chặt, chặt - trồng”. Họ chấp nhận mất mát, đầu tư chuyển đổi cây trồng tìm hướng đi mới nhưng không phải ai cũng gặp may mắn để phục hồi kinh tế, vì lối đi mới đầy “chông gai”.

khó lường

Với quan điểm nông dân chỉ biết bám đất, năm 2013, anh Nguyễn Hữu Lập ở thôn 10, xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập quyết định dùng số tiền tích cóp nhiều năm nay từ 6 ha tiêu, để mua thêm 10 ha đất với giá 5,7 tỷ đồng, trong đó tiền đi vay 3 tỷ đồng. Gia đình anh đầu tư trồng 12.000 trụ tiêu, chi phí hết hơn 6,7 tỷ đồng. Thế nhưng, đến thời kỳ cho thu hoạch thì giá hồ tiêu lao dốc. Đến nay chưa có dấu hiệu “ấm” lên, trong khi diện tích hồ tiêu trong vườn ngày càng bị thu hẹp vì bị bệnh chết nhanh, chết chậm.

“Cõng” số nợ khổng lồ, vợ chồng anh Lập ám ảnh gánh nặng nợ nần cả trong giấc ngủ. Trăn trở hướng cải thiện kinh tế gia đình, anh Lập đã chọn phương thức “lấy ngắn nuôi ngắn” làm chủ lực. Ngoài xuống giống cao su, anh chọn các loại cây ngắn ngày, hoa màu trồng rút ngắn thời gian được thu hoạch để có thu nhập trả nợ. Tranh thủ lúc cao su còn nhỏ, anh chọn các cây ngắn ngày trồng xen như: chuối, khoai môn, bầu, củ từ để phát triển kinh tế.

Ấp 6 từng là nơi trồng tiêu nhiều nhất xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh với diện tích 80 ha trong tổng 147 ha đất nông nghiệp. Nhưng hiện nay, diện tích tiêu bị thu hẹp chỉ còn 35 ha, còn lại đã được thay thế bởi cây sầu riêng 30 ha, mít Thái 30 ha...

Ông Đào Nguyên Ba,
Trưởng ấp 6, xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh

Mạo hiểm với lối đi mới, anh Lập cho biết: 10 ha mua thêm trước đây là đất trồng tiêu. Nhưng mua được thời gian là cây tiêu bắt đầu có biểu hiện bệnh và chết rất nhanh. Vườn tiêu chưa cho thu hồi vốn thì trở thành đất trắng. Đất vườn tiêu chết không thể trồng lại cây tiêu. Tôi chọn cao su để chuyển đổi cây trồng với diện tích 10 ha và xen các loại cây ngắn ngày. Riêng số tiền đầu tư trồng các loại cây ngắn ngày mất khoảng 2 tỷ đồng. Cụ thể, mỗi héc ta chuối chi phí đầu tư khoảng 80 triệu đồng, khoai môn 30 triệu đồng, bầu 30 triệu đồng, củ từ 30 triệu đồng. Hiện nay, diện tích vườn bầu đang cho thu hoạch đợt đầu tiên, giá đọt bầu bán tại các chợ 20.000 đồng/kg, quả bầu 10.000 đồng/kg. Nhưng hiện nay, với diện tích nhiều mà tôi chưa tìm được đầu ra sản phẩm, đây là điều khiến gia đình lo lắng với lối đi mới. Ngoài ra, sản phẩm các loại cây trồng khác như chuối, củ từ, khoai môn, chúng tôi cũng chưa tìm được nơi tiêu thụ.

Chúng tôi đã đến các vùng có diện tích cây nông sản lớn đang được người dân thay thế bằng các loại cây trồng ngắn ngày, cây ăn trái có múi như sầu riêng, mít Thái. Để quyết định “bức tử” loại cây trồng mà mình đã tâm huyết chăm sóc, ngoài mất tất cả chi phí mà còn mất đi khoảng thời gian, sức khỏe người dân đã đầu tư. Trong khi việc đầu tư cây trồng mới lại mất thêm chi phí, phải chờ thời gian mới có thu hoạch. Việc chuyển đổi các loại cây trồng mới như sachi chưa được nhiều người dân biết đến cũng như chưa có kiểm định nào về giá trị dinh dưỡng của loại cây này là một hướng đi mạo hiểm. Còn đối với các loại cây mít Thái, sầu riêng đang được nông dân trên địa bàn tỉnh ưu tiên vì giá bán cao và thị trường đang ổn định. Nhưng với số lượng ồ ạt, nhà nhà trồng mít, người người trồng sầu riêng thì trong thời gian tới nguy cơ cung vượt cầu diễn ra, nông dân lại rơi vào vòng luẩn quẩn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiện nay đối với người dân nếu không có một la bàn định hướng, ắt nông dân sẽ đối mặt với nhiều rủi ro.

  • Từ khóa
45579

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu