Thứ 6, 26/04/2024 20:43:01 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 15:54, 25/09/2019 GMT+7

“Cây sáng kiến” của Ban CHQS Bù Đốp

Thứ 4, 25/09/2019 | 15:54:00 3,745 lượt xem
BP - Trong những năm qua, Ban CHQS huyện Bù Đốp tập trung quán triệt sâu sắc việc thực hiện các nội dung Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”. Qua đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu học và làm theo Bác. Một trong những điển hình là Thượng úy chuyên nghiệp Phạm Ngọc Cảnh, nhân viên quân khí, Ban CHQS huyện Bù Đốp.

“Cây sáng kiến”

Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Yên Bái, tốt nghiệp Trường Quân sự Quân khu 7 năm 2006, sau gần 16 năm phục vụ trong quân ngũ, Thượng úy chuyên nghiệp Phạm Ngọc Cảnh được biết đến là “cây sáng kiến” của lực lượng vũ trang tỉnh. Nói về các sáng kiến, cải tiến mô hình học cụ của mình, Thượng úy Phạm Ngọc Cảnh cho biết, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, công tác bảo quản, bảo dưỡng vũ khí trang bị kỹ thuật tại cơ quan, đơn vị, anh luôn xác định việc nghiên cứu cải tiến, sáng kiến mô hình học cụ là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Vì vậy, ngoài thời gian công tác chuyên môn, anh luôn dành thời gian nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để áp dụng vào thực tiễn đơn vị. Sản phẩm sáng tạo đầu tay của anh có tên “Xẻng bộ binh đa năng” đã đoạt giải nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật lực lượng vũ trang tỉnh lần thứ nhất, năm 2012; đoạt giải B hội thi sáng tạo kỹ thuật do Quân khu 7 tổ chức vào năm 2013. Đây là sản phẩm đã tạo được dấu ấn và là động lực để anh sáng tạo ra hàng chục sản phẩm được áp dụng rộng rãi trong lực lượng vũ trang sau này. Nói về ý tưởng tạo ra sản phẩm “Xẻng bộ binh đa năng”, Thượng úy Phạm Ngọc Cảnh chia sẻ, thấy anh em chiến sĩ huấn luyện, hành quân dã ngoại mang nhiều vật dụng cồng kềnh như cuốc, xẻng... lúc đó tôi nảy ra ý tưởng tạo ra một dụng cụ đa năng và sản phẩm “Xẻng bộ binh đa năng” ra đời từ đó. Sản phẩm gọn nhẹ có đến 6 công dụng vừa là xẻng thông thường vừa có thể là cuốc bàn, cuốc chim, xà beng hoặc trở thành dao phát cỏ, kìm cắt kẽm, thậm chí là la bàn để xác định phương hướng. Ưu điểm của sản phẩm là gọn nhẹ, dễ sử dụng, giá thành khá rẻ nhưng có nhiều công dụng giúp chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ hiệu quả.

Thượng úy Phạm Ngọc Cảnh đang thực hành với sản phẩm “Vam tháo lắp báng súng tiểu liên AK” do anh sáng chế vào năm 2016

Thành công bước đầu từ sáng kiến “Xẻng bộ binh đa năng”, năm 2016 Thượng úy Phạm Ngọc Cảnh tiếp tục cho ra đời sản phẩm “Vam tháo lắp báng súng tiểu liên AK”. Anh Cảnh cho biết, đối với súng tiểu liên AK sau thời gian sử dụng cần được bảo dưỡng. Tuy nhiên, nếu dùng phương pháp bảo dưỡng thông thường, khi tháo các bộ phận chi tiết, trong đó có báng súng thường rất phức tạp và mất nhiều thời gian, thậm chí có thể ảnh hưởng đến thông số kỹ thuật và tuổi thọ của súng. Ưu điểm của sản phẩm “Vam tháo lắp báng súng tiểu liên AK” có thiết kế đơn giản, gọn nhẹ, vật liệu có sẵn, dễ gia công, rút ngắn thời gian tháo lắp súng. Quan trọng không ảnh hưởng đến thông số kỹ thuật, tuổi thọ súng, phục vụ tốt việc bảo quản, bảo dưỡng. Sản phẩm được lãnh đạo đơn vị đánh giá cao và đang được áp dụng rộng rãi tại đơn vị. Đây cũng là sản phẩm đoạt giải B cuộc thi sáng tạo kỹ thuật lực lượng vũ trang tỉnh năm 2016; giải C cuộc thi sáng tạo kỹ thuật do Quân khu 7 tổ chức...

Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện

Ngoài có những sáng kiến được áp dụng rộng rãi trong công tác diễn tập, huấn luyện và chiến đấu, Thượng úy Phạm Ngọc Cảnh còn không ngừng tu dưỡng, rèn luyện tác phong, phẩm chất đạo đức, lối sống để hoàn thiện nhân cách người quân nhân cách mạng. Anh luôn chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, tham mưu chỉ huy các cấp về bảo quản, bảo dưỡng, khai thác trang thiết bị hiện có trong biên chế của đơn vị, bảo đảm tốt thông số kỹ thuật vũ khí trang bị, phục vụ hiệu quả công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Từ năm 2014 đến nay, anh bảo dưỡng, niêm cất định kỳ vũ khí thiết bị được 18 đợt với hàng ngàn khẩu súng các loại; bảo đảm vũ khí, trang thiết bị, hệ số kỹ thuật cho quân nhân chuyên nghiệp và chiến sĩ trong công tác huấn luyện... Từ đó từng bước góp phần quan trọng trong việc xây dựng lực lượng vũ trang huyện ngày càng vững mạnh.

Với những cống hiến của mình, Thượng úy Phạm Ngọc Cảnh vinh dự được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, sáng tạo khoa học, công nghệ. Năm 2017, anh được Bộ tư lệnh Quân khu 7 tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”...

Xuân Túc

  • Từ khóa
2319

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu