Thứ 7, 27/04/2024 01:54:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 06:43, 04/06/2019 GMT+7

Cảnh giác với bệnh giao mùa - Bài 1

Thứ 3, 04/06/2019 | 06:43:00 1,641 lượt xem
BP - Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đến nay, một số bệnh truyền nhiễm lưu hành trên địa bàn tỉnh có khả năng trở thành dịch là sốt xuất huyết (SXH), bệnh sởi, sốt phát ban nghi sởi và bệnh tay - chân - miệng. Để chủ động phòng chống dịch, ngành y tế đã chỉ đạo y tế cơ sở tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để người dân chủ động, tích cực tham gia các hoạt động phòng chống dịch. Đồng thời, xây dựng kế hoạch diệt lăng quăng phòng chống SXH dựa vào cộng đồng, kế hoạch triển khai hưởng ứng Ngày ASEAN phòng chống SXH (15-6) kết hợp với phun hóa chất chủ động phòng chống SXH tại các địa phương có nguy cơ cao.

SỐT XUẤT HUYẾT VÀO MÙA

Cuối tháng 5, khi những cơn mưa xuất hiện liên tục ở Bình Phước thì cũng là thời điểm SXH vào mùa. Muỗi truyền bệnh SXH thường tập trung nơi đông người, sinh sôi mạnh vào thời điểm giao mùa nên khả năng gây bệnh rất cao.

Số ca bệnh SXH tăng cao

Khoảng hơn 1 tuần nay, số ca mắc SXH phải nhập viện điều trị tại Trung tâm Y tế (TTYT) thị xã Phước Long tăng cao, thậm chí cao nhất từ đầu năm đến nay. Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thuận, Trưởng khoa Nhi cho biết: Có ngày khoa chăm sóc và điều trị 20 bệnh nhân tại Phước Long, Bù Gia Mập, Phú Riềng đến trung tâm. Các bệnh nhân nhập viện đều sốt ngày 3, ngày 4 nên nhân viên y tế phải theo dõi liên tục.

Nhân viên Trung tâm Y tế thị xã Phước Long phun hóa chất phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại nhà dân ở xã Phước Tín

Chị Trần Thị Thu Phương ở xã Phước Tín (Phước Long) chăm sóc 2 con cùng mắc SXH đang điều trị tại Khoa Nhi, TTYT thị xã Phước Long kể: Mới đầu bé Lê Anh Thư bị sốt nên gia đình đưa đi phòng khám tư mua thuốc về uống. Nhưng 3 ngày sau bé sốt li bì nên phải nhập viện. Cũng ngày hôm đó, em trai Lê Nhật Nam bị sốt và nhập viện cùng chị. Sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện bé Thư đã hết sốt, đang ngứa vì phát ban, còn bé Nam vẫn được bác sĩ thường xuyên thăm khám.

Đang chăm sóc con là bé Vũ Thị Phương Nhi tại Khoa Nhi (TTYT thị xã Phước Long), anh Vũ Xuân Đức cho biết ở Ở thôn Phước Lộc, xã Bình Tân (Phú Riềng) hơn tuần nay có nhiều người mắc SXH chứ không chỉ con anh. Nguyên nhân là do thời gian gần đây trời mưa liên tục, nhà ở gần lô cao su, bàu nước nhiều, cây cối rậm rạp. Chiều tối muỗi nhiều nên trẻ con bị chích dẫn đến SXH. Đa số trẻ bị sốt đều được gia đình đưa đi khám bệnh và theo dõi tại nhà. Những trẻ bị nặng như bé Nhi mới được bác sĩ chỉ định nhập viện để theo dõi.

Chị Mai Thị Thùy Linh ở khu phố 1, phường Phước Bình (Phước Long) nói: Đâu phải gần lô cao su mới có muỗi, chỗ nhà tôi ở là khu dân cư đông đúc nhưng mấy ngày nay mưa nhiều nên muỗi sinh sôi mạnh. Con chị Linh là bé Huỳnh Công Hậu cũng mắc SXH, phải nhập viện theo dõi từ ngày sốt thứ 4. Đến ngày thứ 6 Hậu hết sốt, sức khỏe ổn và được xuất viện.

Cảnh báo sxh ở trẻ em

Theo thống kê của TTYT thị xã Phước Long, trong 1 tuần trở lại đây, số ca mắc SXH phải nhập viện điều trị tăng cao, chưa kể những ca mắc ở cộng đồng chưa nắm hết. Trong số 20 ca mắc SXH đang điều trị có 8 ca ở thị xã Phước Long, 7 ca ở huyện Phú Riềng, 5 ca thuộc huyện Bù Gia Mập. Đáng lưu ý, trong 8 ca ở thị xã Phước Long có đến 7 ca thuộc xã Phước Tín. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, TTYT thị xã Phước Long chỉ điều trị 87 ca mắc SXH, gồm 10 ca ở thị xã, còn lại là 2 huyện Phú Riềng và Bù Gia Mập. 90% đối tượng mắc SXH là trẻ em dưới 10 tuổi và có 4 ca bệnh nặng phải chuyển tuyến trên điều trị.

Thăm khám bệnh nhi đang điều trị sốt xuất huyết tại Trung tâm Y tế thị xã Phước Long

Bà Nguyễn Thị Bình ở thôn Phước Thiện, xã Phước Tín có 2 cháu cùng mắc SXH phải nhập viện điều trị, trong đó 1 cháu chuyển độ, gia đình lo lắng nên chuyển tuyến trên. Tại nhà bà Bình, TTYT thị xã Phước Long đã phun hóa chất lần 2, đồng thời hướng dẫn gia đình thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhưng thời điểm kiểm tra, giám sát hộ bà vẫn không thực hiện. Nhà bà Bình ở sát vườn cao su, phía sau tập trung nhiều dụng cụ chứa nước có lăng quăng nên mặc dù vào giữa trưa nhưng vẫn có rất nhiều muỗi.

Bác sĩ Nguyễn Bảo Chiêu, Phó giám đốc TTYT thị xã Phước Long đã tới tận nhà dân tuyên truyền, trực tiếp hướng dẫn bà con bỏ dụng cụ chứa nước không cần thiết, dọn dẹp nhà cửa thoáng, sạch. Bác sĩ Chiêu cho biết: Vài năm gần đây, Phước Long đã khống chế được dịch bệnh, không có dịch bùng phát. Thế nhưng không vì vậy mà ngành chủ quan. Ở khối điều trị, trước mùa mưa, TTYT thị xã Phước Long đã tập huấn tại chỗ cho y, bác sĩ về bệnh SXH, tăng cường vật tư y tế, chuẩn bị cơ sở vật chất sẵn sàng đáp ứng thu dung bệnh. Khối dự phòng đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống SXH, tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, hướng dẫn người dân chủ động, thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, phát quang bụi rậm nhằm hạn chế môi trường sống của muỗi. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận dân cư lơ là, chưa thường xuyên quan tâm phòng bệnh. “Nhất là trẻ em, thời điểm sau khi đi học về (chiều tối) là muỗi xuất hiện nhiều nhất, nếu chủ quan không mặc quần áo dài tay, xoa các sản phẩm chống muỗi thì trẻ rất dễ bị chích. SXH hiện chưa có thuốc đặc trị, mắc rồi nhưng vẫn bị mắc lại và lần sau luôn nặng hơn lần trước, nếu không theo dõi, điều trị kịp thời có thể tử vong” - bác sĩ Chiêu khuyến cáo.

Phương Dung

  • Từ khóa
94556

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu