Thứ 6, 26/04/2024 10:03:10 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 16:43, 30/01/2020 GMT+7

Bút ký: Sức sống mới trên vùng đất An Khương

Thảo Linh
Thứ 5, 30/01/2020 | 16:43:00 579 lượt xem
BPO - Vào những ngày này năm trước, niềm vui to lớn đã đến với Đảng bộ, chính quyền và người dân An Khương - xã trước đây thuộc diện đặc biệt khó khăn không chỉ của huyện Hớn Quản mà của tỉnh Bình Phước. Bằng sự nỗ lực của mỗi cán bộ, của từng người dân, An Khương đã tự hào cán đích nông thôn mới (NTM). Và mỗi ngày qua đi, sức sống mới trên mảnh đất An Khương đang điểm tô cho vùng quê này những mảng màu tươi sáng.

Ký ức không quên

Lần đầu tôi đến An Khương là vào những ngày đầu tái lập tỉnh Bình Phước với tâm trạng không vui. Đó là chuyến đi cùng ông Bảy Thỏa, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh, về xã này để tuyên truyền, vận động một số hộ dân không đi xin ăn nữa.

Chị Lê Thị Hương, chủ cơ sở xay xát lúa gạo Hưng Hương ở ấp 5, xã An Khương mong muốn xây dựng thương hiệu gạo An Khương để không bị lẫn với các loại gạo khác

Hôm ấy, sau khi gặp mặt động viên đồng bào, đoàn công tác đi thị sát một số ấp, sóc. Vào thời điểm ấy, đời sống người dân An Khương và đồng bào S’tiêng nói riêng quá khó khăn. Đường vào các ấp, sóc đều là đường đất. Trường, lớp học, trạm y tế, trụ sở làm việc của xã đều xuống cấp nghiêm trọng; có những ấp, sóc 100% hộ nghèo, đói. An Khương có diện tích lúa nước khá lớn, khoảng 300 ha. Gạo An Khương từ lâu là đặc sản có tiếng của đồng bào S’tiêng. Gạo nấu lên cơm rất mềm, thơm, ngọt. Thế nhưng thời điểm ấy, người dân chỉ trồng một vụ lúa bởi nguồn nước chỉ nhờ trời. Sau chuyến đi ấy, tôi còn vài lần về An Khương nữa. Và cứ mỗi lần trở lại, những đổi thay ở xã có 60% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số lại khiến tôi ngỡ ngàng đến khó tin.

Lần thứ hai tôi trở lại An Khương trên chiếc xe của Trường phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh, khi ấy do thầy giáo Nguyễn Tất Trung - người con của quê hương Hớn Quản làm Hiệu trưởng. Hôm ấy, anh Trung về chơi với gia đình ông Điểu Sen, là một trong những người S’tiêng tiến bộ, trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ và đã nhiều năm làm Chủ tịch UBND xã An Khương. Dù đã nghe thầy Trung kể trước nhưng khi ông Điểu Sen xuất hiện, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng bởi dù đã nghỉ hưu, trông ông vẫn vâm vấp và tiếng nói, tiếng cười thì sang sảng đầy nội lực. Trong bữa cơm toàn sản phẩm nhà làm, ông Điểu Sen kể cho chúng tôi nghe những tháng ngày sau giải phóng. Từ Phó phòng nông nghiệp huyện, ông được điều động về làm Chủ tịch UBND xã An Khương. Chứng kiến cảnh đồng bào mình cứ mãi đói nghèo với cuộc sống du canh du cư, ông ra sức thuyết phục bà con bám sóc để kiếm cái ăn từ đất. Với kinh nghiệm của một cán bộ nông nghiệp, ông Điểu Sen lo tìm giống lúa, giống khoai và tìm thầy dạy chữ cho con em trong sóc. Và trên hành trình đi tìm con chữ, ông đã tìm được hạnh phúc lứa đôi cho riêng mình, đó là cô giáo người Kinh. Chuyện ông lấy vợ người Kinh, không ở rể mà cưới xong “bắt” vợ về nhà mình gây chấn động thôn, sóc thời đó. Nhưng từ sau đám cưới của ông Điểu Sen, ở An Khương cũng như Hớn Quản đã có những cuộc hợp hôn giữa người S’tiêng với người Kinh hoặc dân tộc khác chứ không còn “cửa đóng then cài” như trước.

Kể dài dòng về nhân vật Điểu Sen là bởi một thời gian dài, ông là điểm tựa, là mẫu hình để người S’tiêng ở An Khương phấn đấu. Ít có hộ S’tiêng nào mà tất cả con cái đều học đại học như gia đình ông, có người đã học đến thạc sĩ và giữ chức vụ lãnh đạo ở các cơ quan cấp tỉnh. Bây giờ thì ở An Khương, số thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, đi làm tại các cơ quan nhà nước, công ty không còn chuyện hiếm, nhưng thời ấy là một kỳ tích.

Khi lòng dân đồng thuận

An Khương là một trong 2 xã điểm của huyện Hớn Quản xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015. Thời điểm năm 2011, An Khương có tới 400 hộ nghèo, chiếm 26,72% số dân. Thu nhập bình quân của người dân chưa đến 8 triệu đồng/năm, trong khi của huyện Hớn Quản là 14 triệu đồng. Trong 19 tiêu chí NTM, An Khương mới chỉ đạt 2, còn 17 tiêu chí chưa đạt đều cần sự đầu tư lớn cả về tiền của, đất đai, sức lực... Ngoài khó khăn ở các tiêu chí cần vốn lớn thì An Khương luôn phải “chạy” theo các tiêu chí “động” như thu nhập, nhà ở dân cư, hộ nghèo, hạ tầng văn hóa... Thế nên con đường đến NTM với An Khương quả thật vất vả, gian nan.

Khi chúng tôi về An Khương tìm hiểu cách thức làm NTM ở xã nghèo này, bà Đặng Thị Kim Tuyến, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: An Khương không có doanh nghiệp, chỉ vài ba trang trại nhỏ nên việc huy động vốn xã hội hóa khó hơn các địa phương khác. Đảng ủy xã xác định, vận động sức dân là mấu chốt quan trọng giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy sản xuất, phát huy nội lực, nâng cao thu nhập, đồng thời nhân rộng cách làm hay.

Nhận thức rõ phát triển cơ sở hạ tầng đóng vai trò then chốt và giao thông chính là “xương sống” đối với tăng trưởng kinh tế, giữa năm 2016, khi tỉnh có chủ trương làm đường theo cơ chế đặc thù thì người dân tổ 3, ấp 8 “nổ phát súng” đầu tiên. Chỉ một thời gian ngắn, đoạn đường dài 800m, trong đó người dân đóng góp 8-10 triệu đồng/hộ đã hoàn thành. Tiếp đến ấp 1 cũng vận động người dân đóng góp làm đường. Thấy tổ 3, ấp 8 và ấp 1 có đường to, đẹp, các ấp, sóc lần lượt đăng ký với xã để làm những con đường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Được cán bộ đến tận nhà nói rõ những thuận lợi khi đường mở rộng, nâng cấp, hộ ông Hồ Thanh (tổ 3, ấp 7) có đất hai bên đường với tổng chiều dài trên 400m đã đồng ý nới rộng và nắn thẳng mỗi bên 2m mặt đường. Bà Thị Ô ở sóc Xa Cô, ấp 5 thuộc diện kinh tế khó khăn vẫn vui vẻ đóng góp hơn 2 triệu đồng làm đường, bởi “Nhà nước cho phần nhiều rồi, mỗi nhà bỏ thêm một ít mới có đường đẹp mà đi”. “Liệu cơm gắp mắm”, mỗi thôn, sóc một cách làm, không nhất thiết phải đóng nhiều tiền mới có đường to, đẹp. Tại ấp 7, cứ 5-7 hộ hình thành một nhóm, mỗi nhóm đăng ký làm một đoạn đường. Hộ nào không có người làm thì đóng tiền, đóng 1 lần không đủ thì 2, 3 lần, làm cho đến khi xong... Bằng cách ấy, cả thôn 7 chỉ có 60 hộ nhưng thời gian ngắn đã làm xong hơn 3km đường thoáng, rộng. Cứ như thế, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự vào cuộc của các đoàn thể, sự tích cực của từng hộ dân, hệ thống đường xã, từ trung tâm xã đến huyện đã được nhựa hóa, bê tông thuận tiện cho người dân đi lại.

Bây giờ, đồng bào S’tiêng ở An Khương đã biết khai thác triệt để thế mạnh gạo đặc sản của mình. Bà con đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật, cộng với hệ thống kênh mương dẫn nước thuận lợi nên đã tăng lên làm 2 vụ lúa/năm, năng suất và chất lượng hạt gạo đều được nâng cao. Toàn xã hiện có tới 10 nhà máy xay xát lúa. Gạo An Khương được tiêu thụ với giá khá cao và không đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Hiện xã đã lập tờ trình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị hỗ trợ thủ tục pháp lý để An Khương xây dựng thương hiệu gạo.

Niềm vui của người dân nơi đây trong những ngày cả nước tưng bừng đón mừng năm mới như càng được nhân lên bởi từ xã nghèo, An Khương đã vươn mình ngoạn mục. Những con đường đất đỏ ngày nào nắng bụi mưa lầy, giờ đã được thảm nhựa, bê tông sạch đẹp. Và trên những con đường mới mở từ sự đồng thuận của lòng dân ấy, những ngôi nhà khang trang được xây dựng lên phấp phới cờ đỏ sao vàng cùng các băng rôn, khẩu hiệu đón chào xuân mới. Những cây cầu tre tạm bợ được thay mới bằng cầu bê tông kiên cố; những vườn điều, tiêu trĩu trái, vườn cao su đang cho thu hoạch như khẳng định sức sống mới đang căng tràn trên vùng đất An Khương.   

Xây dựng NTM là công việc thường xuyên, lâu dài của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, của từng hộ dân chứ không phải đạt được các tiêu chí rồi dừng lại. Để giữ vững và nâng chất các tiêu chí thì từng cán bộ, từng người dân phải nhận thức rõ ý nghĩa nhân văn, lâu dài của nó. Từng người dân phải biết “làm” NTM là làm cho mình, để mình hưởng lợi chứ không phải để lấy thành tích, chờ cấp trên về khen.

Bí thư Đảng ủy xã An Khương Đặng Thị Kim Tuyến

  • Từ khóa
45377

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu