Thứ 6, 26/04/2024 10:32:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 14:49, 22/07/2020 GMT+7

CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN BÙ ĐĂNG LẦN THỨ VIII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Bức tranh đa sắc vùng DTTS Bù Ðăng

Quang Minh
Thứ 4, 22/07/2020 | 14:49:00 491 lượt xem
BPO - Ánh mắt của chị Điểu Thị Mai sáng lên với nụ cười hạnh phúc khi đưa tôi xem tờ phiếu ghi số tiền 224 ngàn đồng mà chị vừa bán mủ cao su cho đại lý. Kể về đổi thay của gia đình mình cũng như bà con trong Dự án xen ghép thôn 12, xã Thống Nhất, chị Mai nói: “Nhà nước đã hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất…, giờ mình yên tâm làm ăn, không phải lo đi đâu nữa”.

Thoát nghèo từ các dự án

Căn nhà cấp 4 của hộ chị Điểu Thị Mai rộng 50m2, được cấp năm 2002 từ chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo dân tộc thiểu số (DTTS) của Chính phủ. Năm 2013, gia đình chị tiếp tục được cấp 1 ha cao su từ chương trình định canh, cách nhà khoảng 4km. Chị Mai cho biết: “Trong khi chờ cao su lớn, vợ chồng tôi tận dụng đất trống trong vườn trồng khoai lang, đậu, bắp, mỗi năm thu từ 20-25 triệu đồng. Tiết kiệm chi tiêu nên vài năm sau, ông xã mua máy cày để vừa cày xới đất canh tác vừa đi xin hoặc mua củi điều để bán. Năm 2019, vườn cao su cho thu mủ được hơn 40 triệu đồng. Nhờ tích lũy nên đến nay, gia đình tôi đã mua thêm 2 ha rẫy”.

Chị Thị Ênh cạo mủ cao su của gia đình tại Dự án 33 ở xã Đồng Nai

Hộ chị Thị Ênh có kinh tế khá hơn so với các hộ trong Dự án định canh, định cư theo Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ (Dự án 33), tại thôn 8, xã Đồng Nai (trước đó, gia đình chị Thị Ênh sống tại xã Bình Minh). Gia đình chị Ênh được cấp 350m2 đất thổ cư, 1 nhà xây cấp 4 rộng 32m2 và 1 ha đất trồng cao su. Chị Ênh cho biết: “2 con trai tôi đi học nghề cạo mủ cao su, sau đó xin làm công nhân khai thác cho các doanh nghiệp tại xã. Vợ chồng tôi đi làm thuê cho người dân. 3 năm nay, bình quân mỗi tháng 4 thành viên trong gia đình có tổng thu nhập khoảng 25 triệu đồng. Nhờ vậy đến nay, gia đình đã mua thêm 2 ha cà phê điều, 1 ha cao su được cấp nay cũng đến kỳ khai thác, cuộc sống gia đình hiện đã ổn định”.

Giáo dục phát triển

Từ nhiều năm qua, huyện Bù Đăng được đầu tư các chương trình, dự án như: An sinh xã hội, 134, 193, 1592, 33, 755... nhằm phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS khó khăn. Toàn huyện có 790 lượt hộ được hưởng với tổng diện tích đất ở và đất sản xuất 669,61 ha. Trong đó, Dự án 33, thôn 5, xã Đồng Nai và Dự án xen ghép thôn 12, xã Thống Nhất được xem là thành công nhất, phần lớn các hộ đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, canh tác ổn định. Bà con trong Dự án 33, xã Đồng Nai còn được xây dựng hệ thống cấp nước sạch tập trung, điện lưới, đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng và điểm trường.
Phó chủ tịch UBND huyện Bù Đăng Điểu Hà Hồng Lý

Toàn huyện Bù Đăng hiện có 67 trường học các cấp, trong đó 11 trường đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống trường lớp đáp ứng tốt nhu cầu học tập cho học sinh trên địa bàn. Đặc biệt, huyện còn có Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Điểu Ong, là trường chuyên biệt dành cho học sinh các DTTS, tạo nguồn cán bộ tương lai. Thầy Phạm Thành Đô, Phó hiệu trưởng trường cho biết: Trường thành lập năm 1991. Mỗi năm, trường có khoảng 270 học sinh từ lớp 6-9. Nhiều học sinh của trường trước đây hiện đã trở thành công an, bác sĩ, cán bộ, công chức. Đặc biệt, một số trở thành giáo viên về giảng dạy tại chính ngôi trường này.

Thầy Điểu Cân, giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Điểu Ong cho biết: “Tôi học tại trường từ năm 1995. Đến năm 2006, tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, tôi về chính ngôi trường này công tác. Hiện tôi làm Tổng phụ trách đội, hằng ngày giáo dục các em về tư tưởng, đạo đức và rất nhiều kỹ năng sống. Đặc biệt, tôi luôn trau dồi cho các em tình yêu quê hương, đất nước và tự hào về truyền thống dân tộc mình”.

Vang vọng nhịp chày khua

Đồng bào dân tộc S’tiêng ở huyện Bù Đăng có sắc thái văn hóa riêng biệt, độc đáo, gắn với đời sống sản xuất, sinh hoạt và được giữ gìn, phát triển từ đời này sang đời khác. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người S’tiêng sóc Bom Bo đã đóng góp đặc biệt về sức người, sức của cho cách mạng, góp phần to lớn vào giải phóng huyện Bù Đăng năm 1974, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Tỉnh đã đầu tư xây dựng Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo tại thôn 1, xã Bình Minh. Khu bảo tồn quy hoạch với diện tích 113 ha, gồm nhiều hạng mục, công trình ý nghĩa như: Nhà tiếp khách, nhà trưng bày và bán hàng lưu niệm, sân lễ hội, khu sinh hoạt cộng đồng, hệ thống đường nội bộ, 2 nhà dài truyền thống... Đặc biệt mới đây, huyện đã đầu tư bộ cồng, chiêng lớn nhất Việt Nam với đường kính cồng lớn nhất 2,15m. Ngoài ra, nghệ nhân, kỷ lục gia Trương Đình Chiếu cùng Ban liên lạc cựu cán bộ Đoàn thanh niên Việt Nam phía Nam tặng khu bảo tồn bộ đàn đá nặng 20 tấn đã được xác lập kỷ lục lớn nhất Việt Nam. Tất cả công trình và hiện vật tại đây đang được ban quản lý khai thác, sử dụng và phát huy giá trị.

Huyện Bù Đăng có 149.289 người, trên 40% là đồng bào DTTS. Nhiệm kỳ 2015-2020, cấp ủy, chính quyền huyện Bù Đăng tiếp tục triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trong vùng DTTS. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của bà con không ngừng được cải thiện.

Trong bức tranh tươi sáng của cuộc sống hôm nay ở Bù Đăng vẫn luôn vang vọng nhịp chày giã gạo nuôi quân năm xưa lẫn tiếng cồng, chiêng rộn rã. Đó là hình ảnh đẹp nhất, sống động nhất, khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các DTTS trên quê hương Bù Đăng anh hùng.

Bên cạnh các công trình kiến trúc được tôn tạo, phục dựng thì khu bảo tồn còn xây dựng các làng nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần và nghề rèn kim loại. Theo thời gian, những nghề truyền thống có nguy cơ mai một rất lớn. Nguyên nhân là khoa học - kỹ thuật phát triển sẽ thay thế sản xuất thủ công. Hơn nữa, những người của thế hệ trước có kiến thức, kinh nghiệm dần mất đi. Do vậy, việc xây dựng làng nghề có ý nghĩa rất quan trọng vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho gia đình các nghệ nhân vừa lưu giữ văn hóa truyền thống dân tộc.
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó ban quản lý Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo
  • Từ khóa
45891

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu