Thứ 6, 26/04/2024 11:09:03 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 16:12, 26/07/2015 GMT+7

Xét tuyển ĐH-CĐ 2015: Phổ điểm không giúp nhiều cho thí sinh?

Chủ nhật, 26/07/2015 | 16:12:00 163 lượt xem
BPO - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm thi THPT quốc gia năm 2015, nhiều ý kiến cho rằng bộ này đã không công bố hết dữ liệu, vì vậy có thể gây khó khăn cho thí sinh trong việc đăng ký xét tuyển.

Cần có phổ điểm theo cụm thi, khối thi

Cụ thể, đồ thị thể hiện phổ điểm của Bộ GD-ĐT công bố mới thể hiện được phân bố điểm của một nửa thí sinh dự thi ở mỗi môn, chưa làm rõ được số lượng bị điểm liệt vì không có thống kê số thí sinh được 0,25 và 0,75 điểm. Theo cách tính điểm trong ba-rem chấm thi, giáo viên phải chấm sát đến 0,25 điểm và tổng điểm của thí sinh sẽ không được làm tròn. Tuy nhiên, đồ thị bộ công bố lại thể hiện các dải điểm cách nhau 0,5 điểm. Ví dụ môn toán, đồ thị chỉ cho thấy có khoảng 20.000 thí sinh từ 0 đến 1 điểm. Nhưng nếu tính cả số thí sinh được 0,25 và 0,75 thì lớn hơn nhiều. Vì vậy đồ thị chưa thể hiện được cả nước có bao nhiêu thí sinh bị “liệt” môn toán.


Thí sinh vui vẻ sau giờ thi môn Sinh. 

Đó là lý do mà nhiều ý kiến cho rằng, phổ điểm này đã không thực hiện được 2 mục tiêu là giúp xã hội giám sát được chất lượng giáo dục, giúp học sinh biết được vị trí của mình, từ đó chọn được trường phù hợp để nộp hồ sơ xét tuyển. Vì các dải điểm cách nhau 0,5 điểm nên thí sinh sẽ không biết được có bao nhiêu người hơn mình 0,25 điểm mỗi môn, trong khi xét tuyển vào đại học, cách nhau 0,5 điểm là một vấn đề lớn. Đó là chưa kể, 3 môn lý, hóa, sinh, Bộ GD-ĐT không làm đồ thị phổ điểm đến 0,5 điểm như các môn khác mà dải điểm cách nhau tận 1 điểm. Như vậy sẽ rất khó cho các em cân nhắc chọn trường. Nhiều ý kiến đề nghị cần công bố được phổ điểm đến từng tỉnh, thành phố, từng cụm thi, khối thi để xã hội đánh giá được chất lượng giáo dục và học sinh cũng tính toán được khi chọn trường. Bộ GD-ĐT cần phối hợp với Tổng cục Thống kê để công bố phổ điểm cụ thể hơn, kể cả việc áp dụng các phân tích thống kê, từ đó giúp thí sinh và người nhà định hướng chọn trường tốt hơn. 

Lo thí sinh khó khăn khi xét tuyển

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, PGS Văn Như Cương lo ngại, với thay đổi trong quy chế tuyển sinh năm nay, việc xét tuyển của các thí sinh, trường đại học tới đây có thể sẽ là mớ “bòng bong”. Các thí sinh đạt điểm thuộc tốp giữa, tầm 17 - 21 điểm, có nguy cơ trượt đại học lớn bởi bối rối trong chọn trường. Ngoài ra, các em sẽ phải quay “như chong chóng” để theo dõi thông báo thí sinh đậu trên trang web của các trường nhằm kịp thời gửi hồ sơ sang nơi khác, sẽ phải vận dụng hết mối quan hệ, tính toán chiến lược để có khả năng đậu đại học cao. 

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, phổ điểm năm nay không quá dốc mà phân bố khá đều nên có sự phân khúc nguồn tuyển rất rõ ràng. Mọi năm, thí sinh đăng ký thi vào trường nào xét vào trường đó. Năm nay, thí sinh không thi tại trường, nhưng có điểm đảm bảo ngưỡng, phù hợp với yêu cầu các trường đều có thể nộp hồ sơ. Số lượng nhận hồ sơ của các trường năm nay không bị giới hạn như trước nên sẽ thu hút thí sinh tốt hơn mọi năm. Các trường đại học năm nay sẽ chủ động hơn những lần trước bởi họ biết phổ điểm của thí sinh và tự đặt ra ngưỡng để thí sinh nộp vào. Những em đã trúng tuyển đợt xét tuyển trước không được tham gia xét tuyển đợt tiếp theo, bởi vậy các trường không bị tình trạng thí sinh trúng tuyển rồi bỏ sang các trường khác như mọi năm, nên hoàn toàn chủ động trong việc xét tuyển. Cũng theo quy định năm nay, đợt 1 chỉ có 1 giấy báo kết quả thi, thí sinh chỉ nộp vào 1 trường duy nhất, các trường rất dễ dàng xác định chỉ tiêu của mình.

 Theo lời khuyên của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, trong quá trình xét tuyển đợt 1, thí sinh cần theo dõi thông tin thống kê 3 ngày/lần của các trường. Nếu thấy khả năng trúng tuyển thấp, các em có quyền rút hồ sơ nộp sang trường khác. Tuy nhiên, thí sinh cần có sự phân tích, lựa chọn phù hợp với kết quả thi của mình, đừng lựa chọn trường cao quá để phải rút hồ sơ, ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian.

Nguồn SGGP

  • Từ khóa
85261

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu