Thứ 7, 27/04/2024 12:18:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 07:25, 14/11/2018 GMT+7

Xem xét phương án sáp nhập các tổ chức hội đặc thù

Thứ 4, 14/11/2018 | 07:25:00 2,792 lượt xem
BP - Ngày 13-11, đồng chí Trần Tuệ Hiền, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì làm việc với trưởng các hội đặc thù về phương án sắp xếp các tổ chức hội theo Đề án 999 của Tỉnh ủy. Dự làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng; đại diện Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và trưởng các hội đặc thù.

Theo dự thảo phương án sắp xếp, đến ngày 30-9, toàn tỉnh có 664 tổ chức hội đặc thù.

Trong đó, cấp tỉnh có 13 hội, 87 hội cấp huyện và 564 hội cấp xã. Thời gian qua, các hội đã góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để tạo điều kiện cho các hội đặc thù hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự quản; đồng thời, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Quyết định số 999-QĐ/TU của Tỉnh ủy thì cần sắp xếp bộ máy các hội theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tình hình thực tế. Theo đó, Sở Nội vụ đã xây dựng phương án sáp nhập, hợp nhất và giữ nguyên một số tổ chức hội. Sở Nội vụ cũng đã xây dựng phương án tinh giản cụ thể từ nay đến năm 2020.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền kết luận buổi làm việc

Tại buổi làm việc, hầu hết các hội đặc thù đều thống nhất phải có đề án sáp nhập với lộ trình cụ thể. Ông Giang Văn Khoa, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho rằng toàn tỉnh chỉ có 14 tổ chức hội đặc thù, chứ không phải 664 tổ chức hội như thống kê của Sở Nội vụ. Ông đề nghị, cần phải xác định lại hội đặc thù có phải là tổ chức trong hệ thống chính trị không, vì hầu hết trưởng các hội này đều là những người nghỉ hưu tham gia công tác hội thì có được gọi là biên chế nhà nước để thực hiện tinh giản. Nếu thực hiện tinh giản thì các nghị định, quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh về chính sách đối với các hội đặc thù có bãi bỏ không. Đối với một số tổ chức hội, nếu xóa bỏ tổ chức hội cấp huyện, thị hay xã, phường, thị trấn thì không thể hoạt động. Vì vậy, cần phải thành lập ban soạn thảo đề án hoặc phương án sáp nhập phù hợp. Do các hội đặc thù là tổ chức có hệ thống từ Trung ương nên khi sáp nhập phải có ý kiến của Trung ương Hội.       

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thị Hằng cho biết, cắt giảm các định suất lao động không đồng nghĩa với xóa bỏ các tổ chức hội. Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Sở Nội vụ sẽ rà soát lại nhân sự của các hội để xây dựng phương án cắt giảm phù hợp, đồng thời xây dựng phương hướng hoạt động sau sáp nhập.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Tuệ Hiền ghi nhận những nỗ lực, đóng góp của các hội đối với sự phát triển chung của tỉnh; đồng thời cho biết sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá lại hoạt động của các tổ chức hội để có phương án sáp nhập phù hợp. Đồng chí đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra việc cắt giảm biên chế và định suất lao động thời gian qua có hợp lý không. Thường trực Tỉnh ủy mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến góp ý của các hội để hoàn thiện đề án sáp nhập, tinh giản biên chế trong thời gian tới.

M. Luận

  • Từ khóa
9733

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu