Thứ 6, 26/04/2024 09:59:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 13:40, 29/04/2016 GMT+7

Xây dựng thương hiệu sản phẩm - chiến lược xuất khẩu ở Bình Phước

Thứ 6, 29/04/2016 | 13:40:00 130 lượt xem

BP - Là vùng sản xuất nông sản chủ lực nhưng Bình Phước vẫn chưa tạo được thế mạnh về xuất khẩu (XK). Những năm qua, giá trị XK của tỉnh vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa mở rộng được thị trường. Vì thế, Bình Phước đã đặt mục tiêu XK hàng hóa đến năm 2020 đối với thị trường Đông Bắc Á - thị trường lớn nhất, gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản giá trị XK ước đạt 1,3 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 65% tổng kim ngạch XK của tỉnh; tổng kim ngạch XK của tỉnh đạt 2 tỷ USD; đẩy mạnh chuyển giao công nghệ hiện đại trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm XK và phát triển thương hiệu (theo Đề án “Xây dựng chiến lược XK tỉnh Bình Phước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” tại Quyết định số 172/QĐ-UBND ngày 21-1-2016 của UBND tỉnh).

MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG XK

Để nâng cao giá trị XK, Bình Phước sẽ tích cực, chủ động duy trì và mở rộng thị phần tại thị trường XK hàng hóa truyền thống, trọng điểm, đồng thời khai thác tối đa thị trường tiềm năng; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ với đối tác nhằm mở rộng thị trường XK hàng hóa của tỉnh. Phát triển XK bằng cách huy động tối đa nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn và thuận lợi, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại. Tập trung mọi nguồn lực và dành ưu tiên cho hoạt động nghiên cứu, phát triển sản xuất và XK hàng hóa có giá trị gia tăng và hàm lượng chất xám cao. Chủ động hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Tỉnh sẽ phát huy nội lực, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng XK, gắn XK với khai thác thị trường địa phương, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, sử dụng hợp lý nguồn nguyên liệu tại chỗ gắn với khai thác từ bên ngoài để phát triển sản xuất, thu hút lao động, tăng thu ngoại tệ...

Bình Phước sẽ tập trung đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu gỗ tại địa bàn có chất lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu với số lượng lớn. Ảnh: Sản phẩm gỗ xuất khẩu của Nhà máy gỗ MDF VRG Dongwha (Khu công nghiệp Minh Hưng III - Chơn Thành)

Một trong những hoạt động có ý nghĩa nhằm thúc đẩy phát triển XK hàng hóa là đẩy mạnh xúc tiến thương mại tại thị trường truyền thống và thị trường mới tiềm năng; tham gia sâu rộng vào hệ thống phân phối tại các thị trường khu vực. Bình Phước sẽ tiếp tục khai thác và tận dụng tốt cơ hội mở của thị trường theo lộ trình cắt giảm thuế quan và xóa bỏ rào cản phi thuế quan; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài để tiếp nhận công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia ngày càng sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mở rộng, phát triển thị trường, mặt hàng trọng điểm tại thị trường khu vực khác nhau phù hợp với từng nhu cầu thực tế mỗi nơi. Trong đó ở thị trường ASEAN, tăng cường XK nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng công nghệ cao, nguyên liệu đầu vào là sản phẩm trong nước; tiếp tục đẩy mạnh, duy trì XK nhóm hàng nông - lâm sản, đặc biệt mặt hàng có thế mạnh của tỉnh như hạt điều nhân, sản phẩm cao su. Tại thị trường Đông Bắc Á tập trung đẩy mạnh XK sang Hàn Quốc và Nhật Bản về nhóm hàng dệt may, mì (sắn) và các sản phẩm từ mì, giày dép, xơ sợi dệt các loại, sản phẩm cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ, hạt điều, sản phẩm điện tử tin học.

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, TẠO THƯƠNG HIỆU SẢN PHẨM

Để đẩy mạnh chiến lược XK trong thời gian tới, Bình Phước sẽ tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội; thu hút vốn xã hội hóa thông qua quảng bá, kêu gọi đầu tư; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch về đất đai, đảm bảo quỹ đất phát triển đô thị, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) sản xuất - kinh doanh hàng XK tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư phát triển của nhà nước, vận dụng tốt các chính sách vốn tín dụng XK. Cơ quan quản lý nhà nước và các hiệp hội sẽ xây dựng kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý nhà nước, đào tạo đội ngũ chuyên gia tư vấn chính sách, chuyên gia kinh tế, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, hiện đại hóa nền hành chính. Xây dựng cơ chế đặc thù, đẩy mạnh thực hiện chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài. Phát triển thêm nhiều loại hình đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho chương trình, dự án đầu tư phát triển XK hàng hóa, dịch vụ và nhu cầu của DN...

Bình Phước sẽ tăng cường chế biến sâu, đa dạng sản phẩm bằng công nghệ tiên tiến, chú trọng nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị và mở rộng thị trường XK. Ảnh: Công nhân Công ty chế biến điều và nông sản Vegetexco (xã Thành Tâm, huyện Chơn Thành) phân loại hạt điều

Xúc tiến thương mại là hoạt động có vai trò khá quan trọng trong XK. Vì vậy, tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cả trong và ngoài tỉnh, đồng thời khuyến khích DN tích cực tham gia. Để phát triển mặt hàng XK, Bình Phước sẽ không ngừng phát huy thế mạnh các ngành nghề, làng nghề, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống; rà roát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến XK... Tỉnh sẽ triển khai chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư dự án nghiên cứu ứng dụng, đổi mới công nghệ trong công nghiệp chế biến; ưu tiên hỗ trợ DN chuyển giao công nghệ, hỗ trợ DN tiếp cận các kênh phân phối hàng nông - lâm sản và thủ công mỹ nghệ; cải thiện môi trường pháp lý, hệ thống tín dụng; xây dựng chính sách xuất - nhập khẩu ổn định; hỗ trợ xây dựng thương hiệu trong và ngoài nước, xây dựng chỉ dẫn địa lý những hàng chủ lực...

Tình trạng thiếu vốn và nguyên liệu; máy móc, trang thiết bị cũ, không đồng bộ; công nghệ lạc hậu; cạnh tranh không lành mạnh; khó khăn thị trường tiêu thụ thời gian qua dẫn đến không ít doanh nghiệp phải đóng cửa. Năm 2015, toàn tỉnh có 642 DN trong nước được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, với tổng vốn đăng ký dự kiến 3.980 tỷ đồng, giảm 4,5% số DN so năm 2014. Tuy nhiên cũng trong năm trước, Bình Phước có 52 doanh nghiệp, 12 chi nhánh giải thể, tăng 20% so với năm 2014. Thế mạnh XK của tỉnh là hàng nông sản (như hạt điều, mủ cao su...), thế nhưng mấy năm gần đây giá nông sản bấp bênh, sụt giảm đã kéo theo giá trị XK giảm. Vì vậy trong thời kỳ hội nhập kinh tế, để nâng cao năng lực cạnh tranh, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, DN cần đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, áp dụng thương mại điện tử để giảm chi phí giao dịch, hạ giá thành sản phẩm; đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại; nâng cao chất lượng sản phẩm bảo đảm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm XK. Từ đó, DN xây dựng thương hiệu cho từng sản phẩm để tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Hải Châu

  • Từ khóa
40283

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu