Thứ 6, 26/04/2024 12:36:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 09:56, 27/02/2016 GMT+7

Ứng dụng đệm lót sinh học trong nuôi gà: Hiệu quả cả môi trường lẫn kinh tế

Thứ 7, 27/02/2016 | 09:56:00 264 lượt xem
BP - Thời gian gần đây, nhiều hộ nuôi gà trên địa bàn huyện Bù Đốp đã triển khai mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng đệm lót sinh học (ĐLSH) mang lại hiệu quả kinh tế cao và khắc phục được tình trạng ô nhiễm môi trường, mở ra hướng phát triển chăn nuôi bền vững.

Mô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học của gia đình chị Bùi Thị Minh Phương ở ấp Tân Lợi, xã Tân ThànhMô hình nuôi gà trên đệm lót sinh học của gia đình chị Bùi Thị Minh Phương ở ấp Tân Lợi, xã Tân Thành

Ứng dụng ĐLSH trong chăn nuôi có nhiều ưu điểm và phù hợp với chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ tại nông hộ. Khi thực hiện chủ yếu sử dụng chế phẩm sinh học Balasa N01 làm đệm lót chuồng nuôi, giúp phân chuồng phân hủy tốt, chất thải ra không có mùi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm 60% công lao động ở khâu vệ sinh chuồng trại. Toàn huyện hiện có trên 50 hộ nuôi gà theo phương thức sử dụng ĐLSH.

HIỆU ỨNG TÍCH CỰC

Anh Võ Quang Hồng Quân ngụ ấp Tân Lợi, xã Tân Thành là người tiên phong trong lĩnh vực áp dụng mô hình ĐLSH vào nuôi gà. Anh Quân cho biết: “Trước đây, hằng ngày gia đình tôi phải quét dọn phân gà, thường xuyên thay chất độn nhưng mùi hôi, ruồi, muỗi vẫn không được cải thiện. Do đó, việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, chất thải không được xử lý tốt, ảnh hưởng sức khỏe các hộ lân cận”. Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, anh Quân đã tìm hiểu, học hỏi và nghe thông tin trên báo, đài về xử lý môi trường trong chăn nuôi. Năm 2014, được sự hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện về ứng dụng công nghệ đệm lót lên men bằng chế phẩm sinh học, anh đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới này trong nuôi gà và đạt hiệu quả cao cả về môi trường và kinh tế.

Chị Bùi Thị Minh Phương ngụ cùng ấp Tân Lợi là một trong những hộ nuôi gà quy mô lớn, nói: “Gia đình tôi đang nuôi gà trên ĐLSH, đồng thời tận dụng nguồn phân để bón cho các loại cây trồng. Trước đây, phân gà thải ra chưa qua xử lý nên hàng xóm than phiền. Sau thời gian tìm hiểu, gia đình tôi thấy ứng dụng ĐLSH là lựa chọn hoàn hảo cho đàn gà nên áp dụng”. Trước đây, chị Phương nuôi gà theo phương thức truyền thống, thời gian nuôi 4-6 tháng. Trong khi nuôi theo hình thức mới chỉ trong vòng 3 tháng, gà có thể xuất chuồng với trọng lượng trên 2kg/con. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, hiện nhiều hộ nuôi gà trên địa bàn huyện đã chủ động chuyển sang sử dụng ĐLSH. 

LỢI ÍCH KÉP

Theo tính toán của các hộ chăn nuôi, sử dụng ĐLSH sẽ giảm được 30% nhân lực trong việc dọn chuồng và giảm trên 20% chi phí thức ăn. Đặc biệt, trong đệm lót chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt đã ức chế và tiêu diệt vi khuẩn có hại, đồng thời làm ấm vật nuôi. Hệ thống chuồng nuôi xây dựng đơn giản, không tốn nhiều chi phí. Bằng cách này, một lao động có thể nuôi được 1.000 con gà thịt/lứa, trung bình chi phí giảm 5.000 đồng/con. Sau 2-4 năm sử dụng, đệm lót được đưa ra làm phân bón cho cây trồng rất tốt.

Trước đây ở Bù Đốp nói chung, xã Tân Thành nói riêng, hộ dân nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chưa có kỹ thuật. Từ khi áp dụng nuôi gà trên ĐLSH, người dân được tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật nên nắm chắc kỹ thuật, từ đó giảm được ¼ thời gian nuôi, thức ăn chăn nuôi cũng giảm 20-30%.

Với mục tiêu phát triển tổng đàn trên 10.000 con gà tại địa bàn huyện Bù Đốp, bên cạnh việc sử dụng hầm biogas trong chăn nuôi, huyện đang tạo mọi điều kiện, vận động, khuyến khích và hỗ trợ để nông dân từng bước nhân rộng hiệu quả mô hình nuôi gà theo phương thức ĐLSH. Từ đó góp phần nâng cao thu nhập, bảo vệ tốt môi trường sinh thái và sức khỏe con người.

Đức Trung

  • Từ khóa
40116

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu