Thứ 6, 26/04/2024 12:34:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 08:24, 29/01/2015 GMT+7

Trồng hoa tết - kiếm tiền trăm triệu dịp cuối năm

Thứ 5, 29/01/2015 | 08:24:00 304 lượt xem
BP - Rút kinh nghiệm vào mỗi dịp lễ, tết, nguồn hoa tự cung tại Bình Phước luôn trong tình trạng “cháy hàng” và phải nhập thêm khối lượng lớn từ các tỉnh khác. Những năm gần đây, nhiều nông dân ở thị xã Đồng Xoài đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề trồng hoa, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.


Vườn hoa cúc pha lê của gia đình chị Phạm Thị Nhung ở phường Tân Xuân chuẩn bị bán dịp tết Nguyên đán

Cúc vạn thọ chiếm ưu thế

Khảo sát tại một số huyện, thị xã, hầu hết các nhà vườn lựa chọn trồng cúc vạn thọ là loài hoa chủ đạo để phục vụ thị trường tết Nguyên đán.

Có vị trí đắc địa bên lòng hồ Suối Cam, mấy năm gần đây, khoảng 10 hộ dân trồng rau màu ở khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú chuyển sang trồng hoa tươi phục vụ tết. Theo tính toán của ông Nguyễn Văn Dũng, hộ trồng hoa lớn nhất khu vực ven hồ Suối Cam, cứ 1 sào rau xanh mỗi tháng thu gần 10 triệu đồng. Nhưng chừng ấy diện tích, chuyển sang trồng hoa bán tết có thể thu cao gấp 3 đến 4 lần. Đây là hình thức tăng thời vụ nên người nông dân vẫn có lợi. Phần lớn, những hộ trồng hoa ven hồ Suối Cam đều trồng cúc vạn thọ bởi dễ trồng, ít vốn mà thu nhập cao.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Cái Mơn, tỉnh Bến Tre (xứ sở hoa kiểng miền Tây) với nhiều đời làm nghề trồng hoa, cây kiểng, từ nhỏ chị Nguyễn Thị Mào đã gắn bó với nghề trồng hoa. Lên cư ngụ tại xã Tân Tiến (Đồng Phú) chị Mào chọn nghề trồng hoa, cây kiểng để mưu sinh. Trước tết Nguyên đán, vợ chồng chị Mào thuê hơn 2 sào đất để trồng hoa. Chị Mào trồng 3.000 chậu cúc vạn thọ, 300 chậu hướng dương và hoa mào gà các loại. Chị cho biết: Thị trường tiêu thụ chủ yếu là các điểm bán hoa ở thị xã Đồng Xoài, huyện Đồng Phú và huyện Phú Giáo (Bình Dương). Thường đến tối 30 là hết hàng. Trong đó sức mua lớn nhất vẫn là cúc vạn thọ.

Hơn 3 năm nay, ông Nguyễn Văn Long ở khu phố Phước Bình, phường Tân Xuân đầu tư trồng trên 3 sào hoa cúc pha lê (giống hoa Đà Lạt và Hà Nội) xen kẽ hoa lay ơn, huệ và thạch thảo nhưng không đủ số lượng để cung cấp thị trường hoa tết ở Đồng Xoài. “Gia đình tôi năm nào cũng trồng trên 1.000 chậu hoa cúc pha lê, gần 2 sào hoa cúc cây cùng thạch thảo, lay ơn, huệ... nhưng vẫn không đủ đáp ứng thị trường. Do đó, chúng tôi phải lấy thêm hoa từ Ban Mê Thuột (Đắk Lắk). Mỗi đợt thu hoạch hoa tết, gia đình thu về trên 200 triệu đồng” - Ông Long phấn khởi.

Cẩn trọng trong chuyển đổi cây trồng

Những năm trước, hoa cúc vạn thọ bán ra thị trường giá 20-30 ngàn đồng/chậu; cúc pha lê 120 ngàn đồng/chậu; cúc cây có giá 7.500 đồng/cây...

Dù biết trồng hoa tươi ở Bình Phước sẽ gặp khó khăn từ khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn vốn đầu tư đến thị trường tiêu thụ nhưng nhiều nông dân vẫn chuyển đổi. Theo ông Nguyễn Văn Long: “Càng khó càng phải thử sức. Với đặc điểm khí hậu khô nóng vào dịp giáp tết, đòi hỏi người trồng hoa phải chăm sóc kỹ, nhất là phải biết thiết kế cây hoa được sống trong môi trường mát mẻ”. Hơn 3 năm qua, ông Long kiên trì gắn bó với nghề trồng hoa. Ông đã đầu tư hệ thống phun sương tự động để tưới cho hơn 3 sào hoa cúc pha lê. Riêng 1.000 chậu cúc pha lê đã được ông xuống giống và chăm sóc cách nay hơn 3 tháng.

Thực tế cho thấy, nghề trồng hoa không chỉ đem lại thu nhập khá cho người nông dân mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích... Tuy nhiên, để nghề trồng hoa tiếp tục phát triển bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người dân đòi hỏi các ngành chức năng phải hỗ trợ thêm giống, kỹ thuật, vốn; định hướng giúp nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng hoa để tạo sự liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ.            

Liên Luận

  • Từ khóa
38199

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu