Thứ 7, 27/04/2024 12:22:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 20:54, 03/04/2013 GMT+7

Tình trạng bán điều non, bán đất sản xuất trong đồng bào DTTS ở huyện Bù Gia Mập

Thứ 4, 03/04/2013 | 20:54:00 179 lượt xem

Trong vài năm gần đây, do có sự diễn biến phức tạp của thời tiết, cây điều luôn bị mất mùa, giá bán hạt điều lại giảm… đã ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều nông dân trong tỉnh. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), nhất là đồng bào Xêtiêng thuộc huyện Bù Gia Mập chủ yếu sống nhờ vào cây điều thì việc mất mùa càng làm cho họ thêm khó khăn. Không ít hộ đã phải cầm cố, sang nhượng đất trái phép, hoặc bán điều non để có tiền lo cuộc sống trước mắt. Dự báo mùa giáp hạt năm nay nhiều hộ đồng bào ở các xã vùng khó khăn của Bù Gia Mập sẽ lâm vào cảnh thiếu ăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của huyện sẽ tăng lên đáng kể.


Sau khi bán điều non, cầm cố đất, đồng bào DTTS không thể
ổn định cuộc sống và một bộ phận người dân trông chờ
vào gạo cứu đói giáp hạt (ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: Tuyết Ly

Cầm cố, bán đất, bán điều non

Theo đánh giá của UBND huyện Bù Gia Mập, nhiều năm qua tình trạng các hộ đồng bào DTTS bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất vườn vẫn diễn ra phức tạp. Việc cầm cố diễn ra chủ yếu chỉ có hai người biết, khi họ sang nhượng thì chỉ viết giấy tay, đất sang nhượng hầu hết chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Cá biệt có những trường hợp sang nhượng cả đất thuộc chương trình, chính sách được Nhà nước cấp, thậm chí có hộ bán cả nhà tình thương.

Thượng úy Điểu Văn Sỹ, Đội phó Đội an ninh Công an huyện Bù Gia Mập cho biết, thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND, ngày 15-9-2010 của UBND tỉnh về tăng cường biện pháp quản lý, ngăn chặn tình trạng bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh, Công an huyện đã phối hợp với các xã, cùng với các ban, ngành tuyên truyền, vận động nhiều lần trong vùng đồng bào DTTS, đồng thời tiến hành thẩm tra, xác minh số đồng bào bán điều non, cầm cố đất. Theo đó, đã có 4 hộ cầm cố đất sản xuất thuộc Chương trình 134, với diện tích 2,8 ha; 8 hộ bán nhà tình thương hoặc bị ép lấy nhà tình thương trên địa bàn xã Bù Gia Mập, Bình Sơn và Bình Thắng. Toàn huyện đã có 115 hộ phải vay tiền lãi suất cao với tổng số tiền trên 1 tỷ 283 triệu đồng. Qua tìm hiểu một số hộ bán đất, bán nhà tình thương, được biết, nguyên nhân chủ yếu là do quá khó khăn trong đời sống, cần tiền để trang trải hằng ngày nên “có gì bán nấy”.


Những căn nhà tình thương đã “bị mất” bỏ hoang tại thôn 9, xã Bình Thắng - Ảnh: V.T

“Mất” nhà tình thương

Chúng tôi đã về thôn 9, xã Bình Thắng để tìm hiểu nguyên nhân các hộ đồng bào DTTS ở đây bán nhà tình thương. Đúng ra phải dùng chữ “mất nhà tình thương” mới chính xác. Bởi lẽ, trong số 4 căn nhà tình thương xây dựng cho các hộ đồng bào DTTS ở thôn 9 đều nằm trên đất được người dân “cho mượn”. Do đó khi chủ đất cần tiền bán đất thì tự nhiên căn nhà tình thương bị mất theo. Cụ thể, hộ anh Điểu Văn Trường (1976) được xây nhà tình thương nhưng lại làm trên đất của bà Thị Ban (anh Trường là con rể bà Ban). Khi bà Ban nợ tiền người khác đành phải bán đất thì căn nhà tình thương của con rể cũng mất theo. Ông Điểu Cường, Trưởng thôn 9 cho biết: Hiện gia đình ông Trường phải lang bạt khắp nơi đi làm thuê sinh sống, không có chỗ ở nhất định, hoàn cảnh rất khó khăn. Tương tự, bà Thị Hậu (1940) được xây nhà tình thương nhưng lại làm trên đất của anh trai cho. Sau đó người anh đòi lại đất hoặc phải trả tiền đất. Bà Hậu không có tiền trả đành mất nhà, phải vào ở trong chòi rẫy. Đặc biệt, bà Thị Đứp (1930) đã cho hai hộ là ông Điểu Anh và Điểu Klết (có quan hệ bà con) làm nhà tình thương trên đất của mình. Do túng thiếu bà phải bán đất nên cả 2 căn nhà tình thương này cũng “bị mất”. Hiện những căn nhà này đều bị bỏ hoang, chủ đất mới vẫn chưa đập bỏ, trong khi đó người được cấp nhà tình thương lại không có nơi cư trú phải vào ở trong chòi rẫy hoặc đi làm thuê, ở nhờ nhà người khác.

Giải pháp ngăn chặn

Chỉ thị số 14/CT-UBND, ngày 15-9-2010 của UBND tỉnh đã nêu rất rõ các biện pháp quản lý, ngăn chặn tình

Theo thống kê, huyện Bù Gia Mập có 694 hộ đồng bào DTTS bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất với diện tích hơn 935 ha. Trong đó cầm cố, sang nhượng đất sản xuất có 577 hộ, bán điều non 117 hộ và 6 hộ bán đất thuộc chương trình, dự án do Nhà nước cấp.

trạng bán điều non, vay lãi suất cao, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Thế nhưng thực tế tại các ấp, sóc người dân vẫn lén lút bán điều non, cầm cố đất và một số hộ đã “mất” cả nhà tình thương. Nguyên nhân vẫn do nhận thức đơn giản của họ về cuộc sống. Khi túng thiếu thì có gì bán nấy, kể cả đất thuộc chương trình nhà nước cấp để có tiền trang trải cuộc sống. Việc các hộ “mất” nhà tình thương mà nguyên nhân là do khi xây dựng không tìm hiểu kỹ về nguồn gốc đất như ở ấp 9, xã Bình Thắng cần phải được rút kinh nghiệm, nhất là ở cấp xã.

Trao đổi với ông Điểu Điều, Phó chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập về vấn đề này, ông cho rằng, huyện đã tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động người dân không cầm cố, không bán đất nhưng rất khó, khi chính quyền biết thì sự việc đã rồi. Việc phối hợp thực hiện Chỉ thị 14 trên địa bàn huyện thời gian qua chưa chặt chẽ, một số UBND xã còn buông lỏng quản lý, chưa nắm được tình hình đời sống của người dân nên để xảy ra tình trạng cầm cố, bán đất, bán điều non. Đặc biệt là hiện nay chưa có chế tài xử lý các vụ việc liên quan đến sang nhượng, cầm cố đất và bán điều non.

Ông Dương Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy cho rằng, cần có những biện pháp quyết liệt hơn mới có thể ngăn chặn được tình trạng này. Theo ông Dũng, khi cấp đất cho đồng bào (nhất là đất thuộc chương trình chính sách) nhất thiết phải ghi rõ “đất không được sang nhượng, cầm cố” trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đối với những trường hợp sang nhượng đất (hợp pháp) cũng phải yêu cầu người bán cam kết (với chính quyền) bảo đảm cuộc sống sau khi bán đất.

Mùa điều năm 2013 hầu hết đều bị mất mùa, năng suất rất thấp, giá bán lại không cao. Đồng bào DTTS chủ yếu sống nhờ vào cây điều, nên việc mất mùa sẽ kéo theo sự túng thiếu và nếu thôn, xã quản lý không tốt thì tình trạng bán điều non, cầm cố, sang nhượng đất trong vùng đồng bào DTTS vẫn sẽ tiếp tục xảy ra với mức độ cao hơn.

Hà Thanh

  • Từ khóa
44537

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu