Thứ 7, 27/04/2024 11:46:22 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:38, 29/05/2015 GMT+7

Tấn gạo nghĩa tình nơi vùng biên

Thứ 6, 29/05/2015 | 09:38:00 72 lượt xem

BP - “Thời buổi này mà vận động “Nắm gạo tình thương”, “Hũ gạo tình thương” thì đến bao giờ mới hết nghèo. Tui làm kế hoạch đưa thẳng cho cấp ủy rồi trình lên cấp trên với khẩu hiệu vận động là “Tấn gạo nghĩa tình”. Cấp ủy đồng ý. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Huỳnh Thiện Hùng thì bảo, các chú đã quyết thì cứ làm nhưng phải hết sức cẩn thận chứ vận động không được tấn gạo nào thì xấu hổ lắm! Lúc đầu tui lo thiệt, còn bây giờ thì gạo ăn không hết. Tui mừng ứa nước mắt chú ơi” - Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thành (Bù Đốp) Nguyễn Văn Giàu thổ lộ.

PHONG TRÀO MANG CHẤT LÍNH

9 ngôi nhà tình nghĩa trị giá 405 triệu đồng là kết quả mà Thường trực Hội CCB xã Tân Thành đã vận động, xây tặng các hội viên khó khăn trong 5 năm qua. Đó chưa phải là kết quả sau cùng hội đã làm được từ phong trào “Giúp nhau xóa nghèo” do Hội CCB tỉnh phát động giai đoạn 2011-2015. Điều đáng ghi nhận từ Hội CCB xã Tân Thành qua phong trào này là cách làm thật gần gũi, dung dị nhưng mang đầy chất lính trong đời thường. Không chỉ dừng lại ở kết quả xóa nhà tạm, nhà tranh tre cho hội viên mà hội còn giúp hội viên luôn có gạo ăn và thoát nghèo bền vững.

Sau 3 năm nuôi dê, gia đình CCB Trương Thị Lụa tích lũy hơn 50 triệu đồng để chuyển sang nuôi trâu nhờ nguồn vốn xóa nghèo của Hội CCB xã Tân Thành

Năm 2011, cả ban chấp hành 11 người chia nhau đi mượn tiền từ đầu làng đến cuối xóm. Người được mượn đầu tiên là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã rồi đến các ban, ngành, đoàn thể trong xã. Mỗi người 500 ngàn đồng, 1 triệu hay 100, 200 ngàn đồng đều được Ban chấp hành Hội CCB ghi nhận và công khai trong danh sách niêm yết tại UBND xã. Thời gian mượn 3 năm không lấy lãi. Bằng cách làm này, chỉ trong hai đợt, hội đã huy động được 145,5 triệu đồng. Toàn bộ số tiền được chuyển hóa thành con giống đưa đến tận tay 12 hội viên CCB nghèo trong xã. Mô hình Hội CCB xã đưa ra để giúp nhau xóa nghèo là mỗi hộ được hỗ trợ 1 con dê đực, 3 dê cái đang có thai. Hội viên được hỗ trợ con giống tự giao dịch, tìm kiếm, mặc cả để chọn lựa giống. Đích thân Ban chấp hành hội trực tiếp trả tiền cho người bán, còn hội viên nghèo nhận con giống và có trách nhiệm hoàn lại số tiền tại thời điểm mua con giống sau 3 năm. 3 năm sau, vào đầu năm 2015, toàn bộ 12 hội viên nghèo của Hội CCB xã Tân Thành không chỉ hoàn lại 145,5 triệu đồng mà đã thoát nghèo từ mô hình nuôi dê.

TÌNH NGƯỜI NƠi VÙNG BIÊN

Để giúp hội viên thoát nghèo bền vững, năm 2013, 2014 và đầu năm 2015, Hội CCB xã Tân Thành tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Tấn gạo nghĩa tình”. Cuộc vận động không chỉ dừng lại ở những cán bộ, công chức, viên chức, tiểu thương trên địa bàn xã mà lan tỏa đến từng người dân lao động nơi biên giới. Chủ tịch Hội CCB xã Nguyễn Văn Giàu nói: “Ông Trần Ngọc Khanh ủng hộ đến 5 tấn gạo. Các tiểu thương ngoài chợ có người ủng hộ cả tấn gạo tôi thấy bình thường vì họ là những người có điều kiện. Còn Nguyễn Văn Được có 365 ngày là cả 365 ngày nó đi làm thuê nhưng cũng móc túi ủng hộ cả triệu đồng. Chị Mai Tố Thơ, Nguyễn Thị Gấm quanh năm đi giữ con thuê cũng ủng hộ 500 ngàn đồng. Những tấm lòng như thế ai mà không cảm động? Hôm đầu tháng đọc báo cáo tổng kết, tui khóc vì không còn lo cái ăn cho hội viên”.

“CCB chúng tôi khi rời quân ngũ chỉ có chiếc ba lô. Có người làm ăn lên, có người làm ăn xuống nên còn nhiều khó khăn. Đó là động cơ để chúng tôi thực hiện phong trào vận động “Tấn gạo nghĩa tình”. Ngày xưa ở trong rừng dân còn lo, còn nuôi trong mưa bom bão đạn kia mà. Cái quan trọng là cách chúng ta vận động như thế nào để dân tin, dân thấy, dân ủng hộ”.

Chủ tịch Hội CCB xã Tân Thành Nguyễn Văn Giàu

2013 là năm đầu tiên Hội CCB xã triển khai thực hiện cuộc vận động “tấn gạo nghĩa tình” được 2.340kg, quy ra tiền là 23,4 triệu đồng. Bất kỳ hội viên nào không may rơi vào hoàn cảnh thiếu ăn giáp hạt đều được mượn gạo. Mỗi hộ được mượn 100kg trong 6 tháng. Sau 6 tháng thì mang gạo trả lại để người khác mượn. Tất nhiên khi trả gạo phải quy thành tiền để lưu giữ trong hội. Trong 3 năm đi vận động, Hội CCB xã có 17,2 tấn gạo nghĩa tình. Ngoài 85 lượt hội viên mượn trong lúc khó khăn hoạn nạn, người dân trong xã cũng được hưởng từ chương trình này.

Từ phong trào vận động “Tấn gạo nghĩa tình” mang lại hiệu quả, nhiều CCB thoát nghèo thực thụ từ phong trào giúp nhau xóa nghèo. Đặc biệt, có những cán bộ, tiểu thương và ngay cả người dân trước đây cho hội CCB mượn tiền đến kỳ lấy nợ tặng luôn số tiền đã cho mượn của 3 năm trước. Bây giờ Hội CCB xã Tân Thành không còn ai đói nghèo, không còn ai phải ở nhà tạm, dột nát.

Nhiều hội viên CCB trong xã nói “Đến chết cũng còn vui”. Vui vì tất cả CCB trong xã đều có mặt để tiễn đưa đồng đội của mình về nơi an nghỉ cuối cùng theo nghi thức quân đội. Sự đồng lòng hưởng ứng hết sức tích cực của CCB nơi vùng biên trong phong trào giúp nhau xóa nghèo là cách vận dụng linh hoạt tư tưởng lấy dân làm gốc của Bác vậy!               

Đông Kiểm

  • Từ khóa
51593

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu