Thứ 6, 26/04/2024 14:04:42 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 07:50, 18/11/2015 GMT+7

Sức sống mới trên đảo Biện Sơn

Thứ 4, 18/11/2015 | 07:50:00 2,847 lượt xem
BP - Vùng biển tỉnh Thanh Hóa có 3 hòn đảo, phía bắc là đảo Nẹ thuộc xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc; về phía nam là đảo Mê thuộc xã Hải Bình và đảo Biện Sơn thuộc xã Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia. Những hòn đảo này nằm ở vị trí tiền tiêu hết sức quan trọng trên vùng biển xứ Thanh. Từ khi có sự đầu tư của Khu kinh tế Nghi Sơn đến nay, đảo Biện Sơn đã có nhiều đổi thay với một sức sống mới. Trở lại Biện Sơn lần này, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cuộc sống mới nhộn nhịp của người dân nơi đây.

Vài nét về biện sơn

Biện Sơn xưa kia vốn là cù lao nổi lên giữa một vùng sóng nước mênh mông nằm trong cửa Bạng. Trước đây, muốn ra vùng đất nổi này, người dân phải dùng thuyền. Sau này, do tác động của quá trình kiến tạo địa chất và quai đê lấn biển của con người, Biện Sơn được nối với đất liền bằng một con đường men quanh sườn núi. Do chỉ cách đất liền chừng nửa hải lý nên cùng với Đảo Mê, Biện Sơn tạo thành một vịnh tập hợp tàu thuyền. Từ đây theo đường thủy, có thể ngược Lạch Bạng lên sông Yên, đến vùng tây nam Thanh Hóa hoặc lưu vực sông Mã. Cũng từ Biện Sơn, theo cửa biển Hà Nẫm để xuôi thuyền vào biển Nghệ An. Biện Sơn như một điểm nút giao thông đường thủy quan trọng ở nam xứ Thanh, đồng thời cũng là nơi tiếp giáp với 2 khu du lịch biển tiềm năng là biển Hải Hòa của Tĩnh Gia và Cửa Lò của tỉnh Nghệ An. Đây là điều kiện thuận lợi để xã Nghi Sơn liên kết về mặt không gian, xây dựng sản phẩm du lịch biển, đảo liên vùng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Là xã đảo diện tích đất tự nhiên chỉ có hơn 302 ha, chiều dài bờ biển hơn 4,5km nhưng phong cảnh đẹp, với nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng. Trên đảo Biện Sơn có một quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, gồm đền thờ Quang Trung, di tích Giếng Ngọc, mộ vua Bà và các di tích gắn liền với việc phòng thủ bờ biển khác, như: Đền thờ Quan Sát Hải, Lãnh Binh Tôn Thất Cơ... Chùa Biện Sơn tựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển, giữa một vùng cây cối xanh tươi, với hệ thống tượng phật uy nghi. Dù là chùa làng, không có sư trụ trì nhưng không lúc nào các ban thờ hết khói hương.

Nghi sơn ngày nay

Xung quanh đảo Nghi Sơn giờ đây đã là một tổ hợp công nghiệp sầm uất với nhiều dự án như: nhà máy xi măng, nhiệt điện Nghi Sơn, cảng nước sâu Nghi Sơn là cảng quan trọng nhất theo quy hoạch và đặc biệt khu lọc hóa dầu Nghi Sơn như một đại công trường đang ngày đêm rộn ràng tiếng xe máy thi công. Cư dân trên đảo ngày càng đông đúc. Ai đến Nghi Sơn bây giờ cũng cảm thấy náo nhiệt như giữa thành phố. Hiện nay, xã Nghi Sơn có gần 300 tàu thuyền, trong đó 37 tàu có công suất cao tham gia vùng đánh bắt chung. Sản lượng khai thác hằng năm đạt trên 7.000 tấn. Hằng ngày, từ 5-7 giờ sáng, chợ cá xã đảo lại náo nhiệt cảnh những đoàn tàu đánh bắt hải sản trở về với đủ loại cá tươi. Đặc biệt, xã Nghi Sơn còn nhộn nhịp suốt đêm ngày trên mặt biển với mô hình nuôi cá lồng. Hiện toàn xã có hàng trăm hộ tham gia đầu tư nuôi cá bằng lồng bè. Đây cũng là nơi duy nhất của Thanh Hóa phát triển nghề nuôi cá đặc sản bằng bè trên biển.

Thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa và huyện Tĩnh Gia, trên địa bàn xã Nghi Sơn đã có 2 dự án lớn được triển khai, gồm: Dự án khu du lịch sinh thái Bãi Đông và khu nghỉ dưỡng cao cấp Nghi Sơn. Lãnh đạo xã Nghi Sơn cho biết, trong thời gian tới cùng với việc khuyến khích, mời gọi doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch tại địa phương, xã tạo điều kiện cho ngư dân đi tham quan, học tập các mô hình phát triển du lịch biển để vận dụng, nhằm nhanh chóng đưa Nghi Sơn trở thành địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển gắn với du lịch. Vừa qua, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thanh Hóa phối hợp với huyện Tĩnh Gia thành lập Chi hội du lịch Nghi Sơn với 15 hội viên, là chủ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh và những cá nhân làm dịch vụ du lịch tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Việc thành lập Chi hội du lịch Nghi Sơn là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp liên kết, phối hợp xây dựng môi trường du lịch chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần thu hút khách trong và ngoài nước đến với Khu kinh tế Nghi Sơn và đảo Biện Sơn. 

Đức Hồng

  • Từ khóa
111230

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu