Thứ 6, 26/04/2024 14:19:33 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 14:14, 27/03/2013 GMT+7

Quy định rõ trách nhiệm của công chức

Thứ 4, 27/03/2013 | 14:14:00 70 lượt xem

Tại Khoản 2, Điều 8, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như vậy là chưa đầy đủ về trách nhiệm và nghĩa vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước. Hơn nữa, tham nhũng, lãng phí là anh em sinh đôi, là căn bệnh “vốn có” của quyền lực, nếu không đẩy mạnh việc phòng, chống căn bệnh này trong đội ngũ công chức sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IV, khóa XI đã chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Vì thế, theo tôi thì trong Khoản 2, Điều 8 cần bổ sung cụm từ phải tích cực phòng” trước cụm từ “chống tham nhũng” đồng thời bỏ dấu chấm phẩy để thay vào đó là từ “”.

Như vậy, Khoản 2 của Điều 8 được viết lại như sau: 2. Nền hành chính quốc gia, chế độ công vụ được tổ chức và hoàn thiện để phục vụ nhân dân. Cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân; phải tích cực phòng, chống tham nhũng, quan liêu, hách dịch, cửa quyền và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tại Khoản 2, Điều 17 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Nếu quy định như vậy thì sẽ không công bằng, vì “không ai bị phân biệt đối xử...”, cũng có nghĩa là kể cả những người cố tình vi phạm pháp luật, thậm chí là vi phạm đến mức nghiêm trọng hoặc là kẻ phản quốc hay kẻ có hành vi chống đối Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... thì cũng không bị phân biệt đối xử và họ cũng vẫn cứ là công dân như mọi công dân bình thường khác?. Vì thế, theo tôi thì ở khoản này cần phải bổ sung vế thứ hai là cụm từ “nếu người đó không vi phạm pháp luật”. Dĩ nhiên là trước khi thêm cụm từ này thì cần phải bỏ dấu chấm ở ngay sau cụm từ “văn hóa, xã hội”. Như vậy, ở Khoản 2 của Điều 17 sẽ được viết lại như sau: 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội, nếu người đó không vi phạm pháp luật.

Tại Khoản 2, Điều 31 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có ghi: 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như vậy là hoàn toàn đúng và phù hợp, nhưng chưa đủ. Đúng là ở chỗ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền mà không giải quyết thì tổ chức nào và ai dám đứng ra giải quyết những khiếu nại, tố cáo của công dân. Điểm đúng nữa là người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Và có như vậy mới tạo được sự công bằng trong xã hội. Tuy nhiên, quy định như trên là đúng, nhưng chưa đủ và vẫn còn kẽ hở dẫn đến hậu quả khó lường do lỗi chủ quan của người thi hành công vụ. để tránh hậu quả này, theo tôi ở khoản này cần phải bổ sung cụm từ: “Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân gây nên thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại” ở ngay sau dấu chấm và trước cụm từ “theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, Khoản 2 của Điều 31 được viết lại như sau: 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. Nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân gây nên thiệt hại thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

Luật gia: N.V

  • Từ khóa
108188

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu