Thứ 7, 27/04/2024 05:00:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 08:48, 13/06/2014 GMT+7

Quốc lộ 14 đoạn qua Bù Đăng đã vui trở lại

Thứ 6, 13/06/2014 | 08:48:00 1,014 lượt xem
BP - Thời gian gần đây, khi đi trên QL14, đoạn Đồng Xoài - cầu 38 - Cây Chanh, người dân và hành khách đều chịu cảnh bụi mịt mù. Tuy nhiên, mọi người không cảm thấy bực tức, khó chịu, ngược lại đều vui mừng, phấn khởi. Trên công trường, hơn 600 nhân công cùng hàng chục xe cơ giới tích cực làm việc, bất kể trời mưa hay nắng. Con đường không còn cảnh “buồn tênh” như trước.

TẤP NẬP TOÀN TUYẾN

QL14, đoạn Đồng Xoài - cầu 38 - Cây Chanh là tuyến đường huyết mạch đi các tỉnh Tây nguyên và Trung bộ. Những năm qua, đoạn đường này là nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi đi qua. Không khí trên tuyến đường thay đổi khi công trình tiếp tục được xây dựng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ. Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh được Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) giao làm chủ đầu tư. Cũng từ đó, các nhà thầu đã tập trung mọi nguồn lực hoàn thành công trình đúng kế hoạch. Địa bàn các xã Phú Sơn, Thọ Sơn (Bù Đăng) đã được các nhà thầu mở rộng và chỉnh tuyến thẳng tắp.

Xe cơ giới tập kết và làm việc với công suất cao trên tuyến QL14

Anh Nguyễn Thanh Trí, cán bộ kỹ thuật công trường, Công ty cổ phần ACC 245, phụ trách 3km đoạn xã Thọ Sơn cho biết: Công ty đã huy động 4 xe lu, 1 xe san lấp mặt bằng, 2 xe đào và 2 ôtô vận chuyển nội bộ đến làm trên đoạn đường này. Hiện nay, chúng tôi đang thi công phần cạp lề mở rộng và sẽ hoàn thành đúng thời hạn được giao. Anh Lê Trí Nghĩa, kỹ sư phụ trách đường Hồ Chí Minh đoạn Cây Chanh - cầu 38 cho biết: Chúng tôi nhận công trình từ tháng 4-2014 và cam kết sau 18 tháng sẽ hoàn thành bàn giao lại cho Bộ GT-VT. Thời điểm này, đa số các nhà thầu thi công phần mở rộng cấp phối đá dăm loại 2 (phần cạp lề mở rộng) và đã hoàn thành được 17/31km. Các nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành đúng tiến độ.

Đầu năm 2014, khi chuyển từ hình thức đầu tư BOT sang sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ thì quốc lộ 14, đoạn Cây Chanh - cầu 38 được giao về cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (thuộc Bộ GT-VT quản lý). Đoạn đường dài 33,8km, toàn tuyến chia làm 4 gói đầu tư với 15 nhà thầu thi công.
 
Thực hiện chỉ đạo của Bộ GT-VT, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Cây Chanh - cầu 38 đã triển khai kế hoạch dự kiếp hoàn thành trong tháng 5-2015.

Tại những đoạn đường khó làm và nhiều nút thắt như: đoạn mỏ đá Minh Hưng, hạ dốc Bù Đăng được ưu tiên thi công trước để tránh gây ách tắc giao thông. Trong quá trình thi công, nhà thầu nào làm xong hạng mục nào thì Văn phòng đại diện Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (Văn phòng đại diện) đoạn qua Bình Phước cùng đơn vị giám sát sẽ nghiệm thu ngay, không kể ngày đêm. Hiện nay, ngoài nhà thầu thi công nền móng, các nhà thầu thi công mặt đường nhựa nóng đang lắp máy trộn ở 4 trạm khác nhau, dự kiến tháng 11 sẽ bắt đầu trải thảm nhựa toàn tuyến. “Trừ các tháng 7, 8, 9, 10 là những tháng cao điểm mùa mưa, chúng tôi có tất cả 11 tháng để hoàn thành. QL14 có lưu lượng xe lưu thông khá lớn, cao điểm vào khoảng thời gian từ 22 đến 3 giờ sáng và khoảng 8-10 giờ trưa. Nhưng bất cứ thời gian nào, chúng tôi luôn nhắc nhở các nhà thầu thi công hợp lý, tránh ùn tắt, kẹt xe - anh Nghĩa cho biết cách làm cụ thể trong quá trình thi công.

Để hoàn thành đúng kế hoạch, các nhà thầu đều phải báo cáo với văn phòng đại diện về số lượng, khối lượng thi công trong ngày. Sau một tuần, văn phòng đại diện gửi báo cáo về lãnh đạo ban quản lý dự án. Nhà thầu nào làm chậm, không đúng tiến độ sẽ có văn bản nhắc nhở. Sau 3 lần nhắc nhở mà không thay đổi thì mời ra khỏi dự án và giao phần việc cho nhà thầu khác. Anh Nghĩa cho rằng: “Cơ chế thưởng, phạt rõ ràng giúp các nhà thầu có trách nhiệm với công việc hơn. Như vậy mới hoàn thành đúng thời hạn”.

KHÓ KHĂN VỀ NGUYÊN LIỆU

Theo chỉ đạo của Bộ GT-VT, đến tháng 5-2015, toàn tuyến QL14, đoạn qua tỉnh Đắk Nông và Bình Phước sẽ hoàn thành thảm nhựa. Tuy nhiên, anh Nghĩa cho biết: Hiện tại, đa số nhà thầu gặp khó khăn vì thiếu trầm trọng đá nguyên liệu. Cả 15 nhà thầu thi công ở đoạn này chỉ có 1 nguồn cung cấp chủ yếu là mỏ đá Minh Hưng và một đơn vị ở Đắk Nông. Cả hai mỏ đá này không thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Anh Nguyễn Hữu Lương, Giám đốc Công ty TNHH Phú Trường An - đơn vị khai thác mỏ đá Minh Hưng cho biết: Hiện nay, các nhà thầu đều tập kết đá chuẩn bị cho thi công. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể cung cấp được 500m3 đá/ngày cho toàn tuyến - chỉ đáp ứng 20% nhu cầu của các đơn vị thi công. Nếu cho máy hoạt động hết công suất cũng chỉ được 1.500m3 đá/ngày.

Xe cơ giới tập kết và làm việc với công suất cao trên tuyến QL14

Không chỉ nhà thầu gặp khó khăn, các doanh nghiệp khai thác đá cũng đang “đau đầu” khi làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động. “Theo Luật Khoáng sản, hiện không được phép cấp tạm, chỉ được phép cấp mới, mà thủ tục cấp mới dài cả năm. Hiện nay, một số mỏ ở tỉnh Đắk Nông - nơi cung cấp đá chủ yếu để làm bê tông nhựa cũng trong tình trạng hết giấy phép khai thác. Chúng tôi đang rất cần các cơ quan thẩm quyền có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho một số mỏ đá, để có thể cung cấp đủ nguyên liệu cho thi công đường Hồ Chí Minh” - anh Lương nói.

Lo lắng về tiến độ công trình, anh Nghĩa trầm ngâm: Không chỉ gặp khó khăn về nguyên liệu đá, hiện đơn vị cung cấp đá, các nhà thầu thi công còn gặp khó khăn trong việc vận chuyển. Nếu thực hiện đúng các quy định về tải trọng, sẽ vô cùng khó khăn cho các xe chở đá thi công xây dựng tuyến đường. Chúng tôi rất mong Ban quản lý dự án, các cơ quan chức năng của tỉnh có giải pháp giúp đỡ, ưu tiên đối với xe làm đường Hồ Chí Minh... để chúng tôi có thể hoàn thành công trình kịp tiến độ.

Thanh Nga

  • Từ khóa
92451

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu