Thứ 6, 26/04/2024 15:48:14 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 09:12, 24/09/2013 GMT+7

Quốc hội với nhiệm vụ giám sát tối cao

Thứ 3, 24/09/2013 | 09:12:00 72 lượt xem

* Điều 74 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 83) là những quy định về vị trí, chức năng của Quốc hội, với nội dung như sau: Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Như chúng ta đã biết, ở nước ta, Quốc hội là cơ quan duy nhất do cử tri cả nước bầu ra và thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước, vì vậy quy định Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, lập pháp là hợp lý. Vì, trong quá trình lập hiến, lập pháp có nhiều chủ thể cùng tham gia. Hơn nữa, khi thực hiện pháp quyền này, Quốc hội cũng tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân hoặc trưng cầu ý dân và vấn đề này cũng đã được ghi trong cương lĩnh và các văn kiện khác của Đảng.

Tuy nhiên, theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trong dự thảo là chưa toàn diện, thiếu cụ thể về vai trò, trách nhiệm cũng như quyền hạn của Quốc hội trong việc giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Trong Hiến pháp hiện hành có quy định Quốc hội giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, nhưng trong dự thảo lại bỏ cụm từ “toàn bộ”. Vì vậy, tôi đề nghị vẫn giữ lại quy định “Quốc hội giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước”. Vì có quy định như vậy mới đầy đủ và rõ vai trò của Quốc hội hơn. Nếu chỉ quy định “Quốc hội thực hiện quyền... giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” thì rất chung chung và khó hiểu như thế nào là “giám sát tối cao”.

* Điều 115 trong dự thảo là những quy định về đơn vị hành chính ở nước ta (sửa đổi, bổ sung Điều 118 ), gồm có 2 khoản với nội dung như sau: 1. Các đơn vị hành chính lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã; huyện chia thành xã, thị trấn; thành phố thuộc tỉnh, thị xã chia thành phường, xã; quận chia thành phường. 2. Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý.

Tôi hoàn toàn nhất trí với quy định trên. Thứ nhất hiện nay chúng ta đang tiến hành thí điểm thực hiện chính quyền đô thị. Theo mô hình này, ở các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... sắp tới sẽ thí điểm không còn cấp quận. Tuy nhiên, việc thí điểm trên mới chỉ ở giai đoạn ban đầu, chưa có sự tổng kết thực tiễn nên không thể khẳng định được hiệu quả của việc thí điểm này.

Thứ hai là trong thời gian qua, chúng ta đã và đang thực hiện thí điểm bỏ HĐND cấp quận ở một số thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố khác. Tuy nhiên, hiệu quả của mô hình này cũng chưa được tổng kết một cách cụ thể và cũng chưa được nhân rộng. Vì vậy, tôi đề nghị ở điều này nên giữ lại nội dung cốt lõi của Hiến pháp hiện hành. Hơn nữa, tại Khoản 2 của Điều 115 trong dự thảo cũng nêu rõ: Việc thành lập Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ở các đơn vị hành chính lãnh thổ do luật định phù hợp với đặc điểm của từng đơn vị hành chính lãnh thổ và phân cấp quản lý.

* Điều 112 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung Điều 126, Điều 137) là những quy định về nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Điều này có 3 khoản, trong đó ở Khoản 3 có nội dung như sau: 3. Viện Kiểm sát Nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì quy định như trên là đúng nhưng chưa đầy đủ, chưa lột tả được hết nhiệm vụ của Viện kiểm sát ở Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể là Viện kiểm sát ở Nhà nước ta còn có nhiệm vụ bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, chứ không chỉ có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân...

Đồng thời, Viện kiểm sát không phải góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, mà là góp phần bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh, thống nhất. Vì vậy, tôi đề nghị ở Khoản 3 này cần lược bỏ cụm từ “chấp hành”, thay vào đó bằng cụm từ “tuân thủ”. Vì “tuân thủ” thể hiện rõ trách nhiệm cao của công dân đối với pháp luật hơn là “chấp hành”. Hơn nữa, chấp hành có thể là hiệu quả cao hoặc thấp khác nhau. Còn tuân thủ chỉ có một cách thể hiện duy nhất là làm đúng theo pháp luật.

Như vậy, Khoản 3, Điều 112 sẽ được viết lại như sau: 3. Viện Kiểm sát Nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; góp phần bảo đảm cho pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh và thống nhất.       

Như Hoa

  • Từ khóa
108260

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu