Thứ 6, 26/04/2024 20:31:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:45, 21/05/2016 GMT+7

Pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự

Thứ 7, 21/05/2016 | 14:45:00 1,536 lượt xem
BP - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 27-11-2015 và có hiệu lực thi hành từ 1-7-2016. So với Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Bài viết dưới đây xin giới thiệu cùng bạn đọc những điểm mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Bị cáo được quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; hoặc bào chữa cho mình tại phiên tòa. Trong ảnh, một phiên xét xử lưu động của Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài - Ảnh: S.HBị cáo được quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; hoặc bào chữa cho mình tại phiên tòa. Trong ảnh, một phiên xét xử lưu động của Tòa án nhân dân thị xã Đồng Xoài - Ảnh: S.H

Điểm mới dễ nhận biết nhất là Bộ luật Tố tụng hình sự mới đã quy định pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 60 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau: Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự. Quyền và nghĩa vụ của bị can là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của bộ luật này. Và tại Khoản 1, Điều 61 là những quy định về bị cáo, có nội dung như sau: Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của bộ luật này. Như vậy, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 thì bị can, bị cáo bao gồm có cả pháp nhân. Nói cách khác là pháp nhân cũng phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điểm mới thứ hai là bị can có quyền đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu. Cụ thể, tại Điểm d và i, Khoản 2, Điều 60 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có quy định như sau: d) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;... i) Đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu...

Điểm mới thứ ba là bị cáo được quyền đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa. Cụ thể, tại Điểm h và i, Khoản 2, Điều 61 có quy định bị cáo có quyền sau: h) Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;... i) Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;...

Điểm mới thứ tư là đối với thủ tục hỏi cung bị can thì bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Đồng thời, việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Cụ thể, tại Khoản 6, Điều 183 có quy định cụ thể như sau: Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can hoặc của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Điểm mới thứ năm là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã dành riêng một điều để quy định về thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Đó là Điều 368 và tại Khoản 1, điều này có quy định như sau: Trại giam; Trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn và chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, tòa án nhân dân cấp tỉnh, tòa án quân sự cấp quân khu nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù...

Đồng thời, trong nội dung của điều này còn quy định cụ thể về hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn, văn bản đề nghị tha tù trước thời hạn của cơ quan lập hồ sơ gồm các nội dung... Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn, viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, viện kiểm sát quân sự cấp quân khu phải ra văn bản thể hiện quan điểm về việc đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện của cơ quan đề nghị... Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ của cơ quan đề nghị, chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh, chánh án tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên họp xét tha tù trước thời hạn có điều kiện; đồng thời thông báo bằng văn bản cho viện kiểm sát cùng cấp để cử kiểm sát viên tham gia phiên họp. Trường hợp tòa án yêu cầu cơ quan lập hồ sơ bổ sung tài liệu thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan lập hồ sơ phải bổ sung tài liệu và gửi cho tòa án, viện kiểm sát.

N.V

  • Từ khóa
28300

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu