Thứ 6, 26/04/2024 20:08:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 07:30, 11/04/2017 GMT+7

Nông dân khốn đốn vì mưa trái mùa

Thứ 3, 11/04/2017 | 07:30:00 165 lượt xem
BP - Những ngày vừa qua, không chỉ ở tỉnh Bình Phước mà cả khu vực Nam bộ đều phải hứng chịu những cơn mưa trái mùa. Trong khi người dân tại thành phố Hồ Chí Minh vất vả lội bì bõm trong mùa khô, thì những cơn mưa trái mùa cũng đã làm cho nông dân ở nhiều nơi khốn đốn. Cây ăn trái bị rụng bông, lúa ngập trong nước, sâu bệnh gây hại phát triển... Nhiều người sống lâu năm ở vùng Đông Nam bộ cho biết, chưa bao giờ thời tiết, thiên tai lại diễn ra khắc nghiệt và phức tạp như năm nay.

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, trong vài ngày tới vẫn có mưa ở khoảng 2/3 tỉnh, thành Nam bộ, trong đó nhiều nơi có mưa to, tập trung ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và dọc biên giới Tây Nam. Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Bình Phước cho biết, lượng mưa trong tháng 3-2017 tại các huyện đều tăng hơn so cùng kỳ. Dự báo từ khoảng giữa tháng 4, ở các huyện, thị xã: Hớn Quản, Chơn Thành, Bình Long, Đồng Xoài và Đồng Phú có khả năng xuất hiện các đợt mưa chuyển mùa.

Mưa kèm theo lốc xoáy xảy ra ngày 14-3, làm 1.000m2 nhà hàng của ông Nguyễn Quy Nhơn ở thôn 4, xã Minh Hưng (Bù Đăng) bị sập hoàn toàn - Ảnh: Q. Minh

Từ những dự báo nêu trên cho thấy, bà con nông dân còn phải tiếp tục đối mặt với những hiện tượng bất thường của thời tiết, nhất là đối với người trồng điều. Do ảnh hưởng của nhiều cơn mưa trái mùa, sản lượng điều trên địa bàn giảm mạnh, có những khu vực điều bị giảm tới 60-70% sản lượng. Ngoài ảnh hưởng đến bông điều, mưa trái mùa làm hạt điều dễ bị côn trùng tấn công. Mưa nhiều độ ẩm vườn điều tăng cao, tạo môi trường thuận lợi cho một số loại sâu bệnh phát triển mạnh như thán thư, bọ xít muỗi và một số bệnh khác làm khô bông, cành... Ngày 4-4-2017, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thị xã, các đơn vị có liên quan triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật trên địa bàn; huy động lực lượng cán bộ chuyên môn trong ngành giúp các địa phương theo dõi và chỉ đạo bà con nông dân phòng trừ dịch hại trên cây điều.

Theo diễn biến thời tiết tại Nam bộ, thông thường mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào cuối tháng 11, còn từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau là mùa khô. Trong mùa khô vẫn có những cơn mưa trái mùa và thường là cơn mưa có lượng nhỏ, thời gian mưa ngắn. Thế nhưng trong mùa khô 2016-2017, đã xuất hiện một số trận mưa trái mùa với lượng lớn, số ngày xuất hiện mưa và tổng lượng mưa các tháng trong mùa khô cũng vượt trung bình so nhiều năm. Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính là sự biến đổi khí hậu làm thay đổi một số quy luật tự nhiên. Biến đổi khí hậu đã làm mùa nắng năm nay ở Nam bộ ngắn, không gay gắt và mùa mưa sẽ đến sớm hơn mọi năm. Do đó, người dân cần đặc biệt đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn đến rất lớn cục bộ; giông mạnh kèm theo tố, lốc, sét, mưa đá... Cùng với đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần tuyệt đối tránh tiếp xúc trực tiếp với nước mưa, không cho trẻ em tắm nước mưa, không sử dụng nước mưa. Vì nước mưa đầu mùa kèm nhiều bụi và các chất ô nhiễm trong không khí. Mưa trái mùa thường có đặc điểm diễn ra rất bất ngờ, vì vậy người dân cần chủ động và luôn theo dõi tình hình dự báo thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng.   

  Thanh Hà

  • Từ khóa
58229

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu