Thứ 6, 26/04/2024 21:23:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 09:01, 14/02/2018 GMT+7

CHÀO XUÂN MẬU TUẤT 2018

Nơi cột mốc biên cương

Thứ 4, 14/02/2018 | 09:01:00 1,793 lượt xem
BP - Phân giới cắm mốc là một trong những nhiệm vụ thiêng liêng. Để hoàn thành sứ mệnh cao cả được Đảng và Nhà nước giao phó, cán bộ, chiến sĩ Đội phân giới cắm mốc (PGCM) tỉnh Bình Phước đã không quản đèo cao, vực sâu, lội suối, vượt sông để phân định đường biên, xác định vị trí cắm mốc trên tuyến biên giới.

Về đích đúng hẹn

Bình Phước có 260,433km đường biên giới với nước bạn Campuchia. Trên tuyến biên giới hiện có Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, 2 cửa khẩu chính là Lộc Thịnh và Hoàng Diệu, Cửa khẩu phụ Tân Tiến và lối mở Lộc Tấn. Năm 2012, Bình Phước và các tỉnh giáp biên thuộc nước bạn Campuchia đã xây dựng xong 28 cột mốc chính tại 18 vị trí trên toàn tuyến biên giới.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh kiểm tra việc xây dựng cột mốc phụ 68/4 trên tuyến biên giới huyện Lộc Ninh, tháng 2-2017

Thực hiện chỉ đạo của Ban Biên giới quốc gia về việc triển khai xây dựng cột mốc phụ, cọc dấu biên giới đất liền Việt Nam - Campuchia, Ban chỉ đạo PGCM tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với đội PGCM nước bạn Campuchia hoàn thành các hồ sơ, thủ tục pháp lý để xây dựng mốc phụ trên tuyến biên giới đoạn qua Bình Phước. Tháng 6-2016, Bình Phước và đội PGCM nước bạn Campuchia triển khai kế hoạch tăng dày cột mốc phụ theo yêu cầu của Ủy ban Liên hợp PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia. Qua khảo sát và thỏa thuận giữa 2 nước Việt Nam - Campuchia, trên tuyến biên giới Bình Phước sẽ tăng dày thêm 181 vị trí với 353 mốc phụ, trong đó Việt Nam xây dựng 173 mốc và Campuchia xây 180 mốc.

Sau khi khảo sát, xác định vị trí, vào trung tuần tháng 2-2017 tại vị trí mốc biên giới 68/4, khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc Đồn biên phòng cửa khẩu Hoa Lư (Lộc Ninh) quản lý, bảo vệ, Ban chỉ đạo PGCM tỉnh phối hợp với Đội PGCM số 3 Vương quốc Campuchia khởi công xây dựng mốc phụ biên giới đầu tiên, đoạn qua Bình Phước. Việc hoàn tất thủ tục pháp lý và chính thức xây dựng cột mốc phụ đầu tiên có số 68/4 là bước mở đầu thuận lợi cho tiến độ xây dựng mốc phụ trên tuyến biên giới Việt Nam đoạn qua Bình Phước. Đến cuối năm 2017, hai nước đã xây dựng được 260/353 mốc, trong đó trên địa phận tỉnh Bình Phước đã xây được 134/173 mốc, đạt 77,45% kế hoạch. 

Bám đường biên

Thực hiện nhiệm vụ, các chiến sĩ đội PGCM 2 nước phải băng rừng, lội suối, vượt sông xác định vị trí mốc phụ. Thiếu tá Phạm Văn Chỉnh, Đội trưởng Đội PGCM tỉnh cho biết: “Biên giới Bình Phước và các tỉnh của nước bạn Campuchia chủ yếu là sông suối, địa hình đồi dốc, hiểm trở nên đi lại và triển khai xây dựng hết sức khó khăn. Nhiều vị trí xây dựng mốc phụ không có đường vào nên chúng tôi phải mở đường xuyên rừng, vượt suối. Những nơi đi lại thuận lợi (chủ yếu ở 2 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp) thì khu vực xây cột mốc phụ đã bị trồng hoa màu nên chúng tôi phải phối hợp với huyện, xã vận động người dân tự giải phóng mặt bằng để xây dựng. Khó khăn nhất vẫn là tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập, phần lớn vị trí mốc phụ nằm trên bờ sông Đắk Huýt nên triển khai rất khó khăn. Đặc biệt, những vị trí mốc phụ thuộc khu vực Vườn quốc gia Bù Gia Mập (khoảng 29 mốc) muốn mở đường để xác định vị trí xây dựng cột mốc phải chờ ý kiến chỉ đạo của các bộ, ngành và Thủ tướng Chính phủ đồng ý mới được thực hiện nên ảnh hưởng đến tiến độ thi công”.

Cán bộ kỹ thuật Đội PGCM tỉnh đo đạc, kiểm tra lại tọa độ trước khi cho đổ bê tông xây dựng cột mốc phụ 62/2 (Bù Đốp)

Để xác định chính xác vị trí xây mốc phụ, đội PGCM trước hết phải xác định trên bản đồ, sau đó đối chiếu với thực địa. Tuy nhiên, việc xác định từ bản đồ đến thực địa còn hơn cả một bài toán khó. Do địa hình hiểm trở, sâu trong rừng nên nhiều khu vực không có sóng vệ tinh, đội PGCM phải xác định thủ công. Nhiều vị trí mốc phải đo đi đo lại nhiều lần mới tìm ra chính xác tọa độ cột mốc... Vì vậy, các tổ công tác luôn thường trực ở biên giới nắm chắc đặc thù từng khu vực, dự báo chính xác chỉ số sai lệch có thể xảy ra và có phương án xử lý chính xác.

Sau khi xác định được vị trí, phần việc còn lại cũng không kém phần vất vả. Phần thân cột mốc phụ được đúc sẵn nặng khoảng 500kg nên việc di chuyển vào khu vực dựng cột, nhất là những nơi hiểm trở phải dùng rất nhiều sức người. Vào mùa khô, đội thi công phải chở từng xe nước từ ngoài vào. Ở những vị trí hiểm trở, xe không vào được thì chia nhau cõng từng can nước.

kỷ niệm với cột mốc

Để hiểu hơn về sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ PGCM, chúng tôi được Đội PGCM tỉnh cho phép tham gia quá trình xây dựng mốc phụ 62/2, thuộc xã Phước Thiện (Bù Đốp). Đại úy Cao Xuân Trọng, phiên dịch viên Đội PGCM tỉnh nói: “Bình Phước giáp 3 tỉnh Tbong Khmum, Kratie và Mondulkiri của Campuchia. Trong đó, PGCM tuyến biên giới giáp với tỉnh Mondulkiri là gian nan nhất bởi đường đi lại hiểm trở. Có vị trí mốc cách mốc khoảng 1km theo đường chim bay nhưng đội phải đi bộ đường vòng qua Vườn quốc gia Bù Gia Mập mất 3-4 tiếng đồng hồ. Cán bộ, chiến sĩ bị vắt cắn, muỗi đốt hay gặp rắn độc là chuyện thường ngày. Trong một lần làm nhiệm vụ dọc sông Đắk Huýt, tôi bị nước cuốn trôi mấy trăm mét. Bởi vị trí cột mốc nằm phía bên kia sông Đắk Huýt nên chúng tôi phải dùng dây thừng buộc vào cây 2 bên bờ để bám và di chuyển qua. Sau khi xong việc, chúng tôi bám dây vượt sông trở về. Tôi là người cuối cùng qua sông nên phải tháo nút thắt dây thừng rồi bơi qua sông. Lúc đang bơi, nước ở thượng nguồn bất ngờ đổ về rất mạnh làm tôi bị cuốn trôi theo dòng chảy, may mắn lúc đó bám được một cành cây nên vào bờ an toàn”.

Cột mốc phụ được xây dựng khác cột mốc chính, thân mốc đúc bằng bê tông cốt thép với độ bền ổn định trên 100 năm. Thân cột mốc phụ được Ủy ban Liên hợp PGCM biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia thống nhất có chiều cao 1,35m, các mặt có kích thước 40x25cm. Trên hai mặt chính của cột mốc phụ, một bên ghi chữ Việt Nam, bên còn lại ghi chữ Campuchia. Trên cột mốc phụ số lớn thể hiện vị trí thuộc mốc chính theo hướng bắc - nam, số nhỏ chỉ thứ tự cột mốc phụ. Theo sự thống nhất giữa hai nước, trên tuyến đất liền Việt Nam sẽ xây dựng những cột mốc phụ có thứ tự chẵn, Campuchia xây dựng các cột mốc phụ có số thứ tự lẻ. Trên tuyến biên giới đường sông, cột mốc phụ nằm trên lãnh thổ nước nào thì quốc gia đó xây dựng.

Đối với người có thâm niên công tác hơn 20 năm như anh Trọng thì những tình huống bất ngờ không còn làm cho anh lúng túng. Nhưng đối với anh Nguyễn Đức Thuần, cán bộ kỹ thuật Đội PGCM tỉnh thì khó có thể quên vụ lật thuyền trên sông Đắk Huýt. Anh Thuần nhớ lại: “Khoảng đầu tháng 11-2016, đội khảo sát vị trí cột mốc 60/38 thuộc khu vực Đồn biên phòng Đắc Ơ (Bù Gia Mập). Từ Đồn Đắc Ơ, chúng tôi xuôi dòng sông Đắk Huýt bằng ghe từ mốc 60/37 để đến mốc 60/38. Khi còn khoảng 1,5km là đến đích thì bất ngờ nổi gió, mây kéo đến trời đổ mưa to, nước sông dâng cao nên mọi người cho ghe vào bờ. Nhưng khi cách bờ khoảng 5m, bị gặp phải vật cản dòng nước chảy xiết nên ghe bị lật, 4 người chúng tôi bị hất ra khỏi ghe, may mà thoát nạn”. Người thoát nạn nhưng lương thực, nước uống mang theo bị cuốn sạch nên cả đội phải nhịn đói suốt ngày hôm đó.

Năm mới đã về khắp mọi nẻo đường, miền biên giới như bừng sáng hơn vì nơi đó có các anh - những chiến sĩ trong Đội PGCM của tỉnh đang làm nhiệm vụ để hậu phương hưởng trọn những mùa xuân bình yên.

Thùy Hương

  • Từ khóa
4212

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu