Thứ 3, 19/03/2024 12:57:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 16:00, 01/04/2019 GMT+7

Những sản phẩm khoa học độc đáo của học sinh

Thứ 2, 01/04/2019 | 16:00:00 1,512 lượt xem

BP - Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia dành cho học sinh trung học, năm học 2018-2019 khu vực phía Nam vừa qua, Bình Phước đoạt 3 giải trong tổng 6 sản phẩm tham dự (1 giải nhì, 1 giải ba và 1 giải tư). Trong đó, sản phẩm “Nghiên cứu phương pháp tách chiết Mangiferin (C19H18O11) từ lá cây dó bầu trên địa bàn tỉnh Bình Phước để ứng dụng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược phẩm” và sản phẩm “Lựa chọn nghề và các yếu tố tác động đến lựa chọn nghề của học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Bình Phước” của học sinh Trường THPT chuyên Quang Trung (Đồng Xoài) được hội đồng khoa học đánh giá cao vì tính sáng tạo, mới, có nhiều khả năng ứng dụng trong thực tiễn.

Lợi ích kinh tế từ lá cây dó bầu

Sản phẩm “Nghiên cứu phương pháp tách chiết Mangiferin (C19H18O11) từ lá cây dó bầu trên địa bàn tỉnh Bình Phước để ứng dụng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp dược phẩm”, thuộc lĩnh vực hóa học của nhóm tác giả Nguyễn Văn Huy Hoàng và Huỳnh Văn Thắm, cùng lớp 12C đoạt giải nhất cấp tỉnh và giải nhì cấp quốc gia cuộc thi KHKT.

Từ trái qua, các em Huỳnh Văn Thắm, Lê Thị Phương Dung, Nguyễn Văn Huy Hoàng

Nhóm tác giả cho biết: Qua nghiên cứu cho thấy lá cây dó bầu có chứa hợp chất Mangiferin. Hợp chất này dùng để điều chế thuốc và trị được nhiều bệnh cho con người, kể cả bệnh ngoài da và các bệnh ung thư, tiểu đường. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 1.000 ha cây dó bầu, mỗi năm nông dân đều phải cắt tỉa cành cây bỏ đi và khi thu hoạch, thương lái chỉ thu mua phần thân cây. Trong quá trình trồng, chăm sóc cây dó bầu, kể từ năm thứ 3, người dân không phun thuốc sâu và chỉ bón phân 2 lần/năm, như vậy lá cây dó bầu trở thành nguồn nguyên liệu sạch cho công nghiệp dược liệu. Theo lý thuyết, nếu sử dụng nguồn lá dó bầu làm nguyên liệu dược phẩm, trong 1 năm với 1 ha có thể thu được 96kg Mangiferin 95%. Doanh thu (chưa trừ chi phí) từ việc tách chiết Mangiferin khoảng 384 triệu đồng đến 768 triệu đồng/ha dó bầu. Vì thế, nếu lá cây dó bầu không được khai thác sử dụng trong công nghiệp dược phẩm thì rất lãng phí.

Dưới sự hướng dẫn của cô Trần Quế Hương, giáo viên môn Vật lý cùng những kiến thức đã học, sau hơn 3 tháng nghiên cứu, nhóm tác giả đã tìm ra quy trình tách chiết Mangiferin thu được hiệu suất cao nhất, đồng thời tiết kiệm chi phí. Ưu điểm của phương pháp tách chiết Mangiferin là không sử dụng hóa chất độc hại, độ tinh khiết cao trên 95%, ứng dụng hiệu quả trong công nghiệp dược phẩm. Qua nghiên cứu thực tiễn, 1 ha dó bầu sau khi tách chiết thu về gần 43kg Mangiferin, doanh thu từ 171,5 triệu đồng đến 343 triệu đồng, trong đó trừ chi phí tách chiết khoảng 20%. Nếu sản phẩm được ứng dụng rộng rãi trong thực tế sẽ tăng thu nhập cho nông dân từ nguồn bán lá dó bầu (khoảng 3.000 đồng/kg lá tươi). Nhóm tác giả cho biết thêm, trên cơ sở tách chiết Mangiferin từ lá cây dó bầu, hướng phát triển kế tiếp có thể tiến hành các công trình nghiên cứu tách chiết Mangiferin từ rễ và quả cây dó bầu nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân.

Làm gì để học sinh chọn đúng nghề

Sản phẩm “Lựa chọn nghề và các yếu tố tác động đến lựa chọn nghề của học sinh THPT trên địa bàn tỉnh Bình Phước”, thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi của tác giả Lê Thị Phương Dung, lớp 12D. Đây là lĩnh vực mới, đoạt giải tư cấp quốc gia và giải ba cấp tỉnh. Tác giả cho biết, lựa chọn nghề là việc vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự thành công trong tương lai của mỗi học sinh. Tuy nhiên trong thực tiễn, nhiều học sinh lựa chọn nghề sai, theo xu hướng, trào lưu. Sau 7 tháng khảo sát tại 6 trường THPT trên địa bàn tỉnh cho thấy có 44,2% học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng; 40,9% học sinh tìm việc làm ngay; 3% học sinh thi vào các trường nghề, số còn lại là các ý kiến khác hoặc phiếu trắng. Tác giả cho rằng, trong thời kỳ kinh tế thị trường, hội nhập như hiện nay, rất cần người trực tiếp sản xuất và vận hành máy móc, trong khi đó học sinh học nghề chiếm tỷ lệ rất ít là chưa phù hợp. Số học sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng lớn nhất nhưng không phải ai cũng thi đúng trường, làm việc đúng chuyên môn hoặc thất nghiệp, dẫn đến tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” ngày càng cao. Số học sinh còn lại thì hời hợt với việc chọn nghề, chưa thể hiện được nguyện vọng, sự quan tâm nghiêm túc với việc làm trong tương lai.

“Trong 5 lần tham dự cuộc thi KHKT dành cho học sinh trung học, Trường THPT chuyên Quang Trung đều giành giải nhất toàn đoàn cấp tỉnh và đoạt 10 giải cấp quốc gia (2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải tư). Kết quả đó là nhờ sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, Ban giám hiệu trường trong việc đầu tư mua sắm vật tư, thiết bị nghiên cứu, kinh phí thực hiện. Đặc biệt, trường còn thường xuyên cho học sinh đi tập huấn tại các trường đại học danh tiếng để các em trải nghiệm, học hỏi”.
Thầy Nguyễn Đỗ Trọng Khôi, Hiệu phó trường cho biết.

Khảo sát xu hướng chọn nghề của học sinh cho thấy, nhóm ngành dịch vụ chiếm 29,6%, nhóm ngành sản xuất 7,1%, nhóm hành chính 4,5%, nhóm công nghệ thông tin 4,5%. Tác giả cho rằng, việc chọn nghề như vậy không đúng với khả năng, gây khó khăn cho việc học, dễ dẫn đến chán nản và kết quả học tập không cao. Đây là kết quả của việc chọn nghề bốc đồng, suy nghĩ chưa chín chắn của học sinh, ảnh hưởng lớn đến tìm kiếm việc làm và sự thành công của bản thân trong tương lai. Có 24,6% học sinh chưa xác định nghề nghiệp, tức còn băn khoăn, chọn đại khái, qua loa nghề nào đó cho có mà không có sự suy xét, chọn lựa kỹ càng, dẫn đến chọn sai nghề. Ngoài ra, tác giả còn khảo sát, phân tích 4 nhân tố tác động đến chọn nghề của học sinh hiện nay là hướng nghiệp trong nhà trường, gia đình, tâm lý xã hội và bản thân.

Qua phân tích thực trạng chọn nghề và các nhân tố tác động đến việc chọn nghề của học sinh THPT, tác giả kiến nghị gia đình, nhà trường và xã hội cần quan tâm nhiều hơn đến việc chọn nghề của học sinh; có biện pháp hiệu quả trong việc tiếp cận, trao đổi để biết được những khó khăn của học sinh khi chọn nghề, từ đó có giải pháp phù hợp; nhà trường và các tổ chức xã hội khẳng định vai trò trong việc hỗ trợ học sinh chọn nghề, đổi mới hình thức hướng nghiệp sao cho phù hợp, hiệu quả; các gia đình nên cùng con tìm hiểu về nghề, động viên và hỗ trợ con trong chọn nghề.

Vũ Thuyên

  • Từ khóa
2230

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu