Thứ 6, 26/04/2024 12:01:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:32, 11/10/2016 GMT+7

Những điểm mới về đánh giá học sinh tiểu học

ND
Thứ 3, 11/10/2016 | 10:32:00 440 lượt xem
BPO - Ngày 22-9-2016, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Thông tư 22/2016/TT-BGD-ĐT để sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT chứ không thay thế. Do đó, khi Thông tư 22 có hiệu lực từ ngày 6-11-2016, việc đánh giá học sinh tiểu học thực hiện theo các quy định của Thông tư 30 và những sửa đổi, bổ sung được quy định trong Thông tư 22. Theo đó, trong Thông tư 22 có nhiều điểm mới giúp cho giáo viên, nhà trường dễ dàng thực hiện hơn trong việc đánh giá học sinh, đồng thời khắc phục những khó khăn đã gặp phải khi thực hiện Thông tư 30.

Đánh giá học sinh định kỳ theo ba mức:

Theo quy định tại Thông tư 30, việc đánh giá học sinh về học tập theo hai mức: Hoàn thành hoặc Chưa hoàn thành. Sau hai năm thực hiện cho thấy việc quy định như vậy phần nào chưa động viên được những học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, hoạt động giáo dục ở mức độ tốt, mức cao hơn so với yêu cầu chuẩn kiến thức, kĩ năng. Mặt khác, tâm lí cha mẹ học sinh vẫn còn băn khoăn con mình đã hoàn thành nhưng muốn biết hoàn thành ở mức nào.

Điểm mới của Thông tư 22 là ở khối lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán nhằm tạo điều kiện cho học sinh quen dần với cách kiểm tra đánh giá ở cấp THCS - Ảnh: H.LĐiểm mới của Thông tư 22 là ở khối lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán nhằm tạo điều kiện cho học sinh quen dần với cách kiểm tra đánh giá ở cấp THCS - Ảnh: H.L

Để khắc phục tình trạng trên, Thông tư 22 quy định việc đánh giá định kì đối với từng môn học, hoạt động giáo dục được lượng hóa thành ba mức hoàn thành tốt, hoàn thành, chưa hoàn thành. Việc quy định như vậy nhằm xác định rõ mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh so với chuẩn kiến thức, kĩ năng để động viên học sinh phấn đấu trong học tập, để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động, phương pháp dạy và học, đồng thời giúp cha mẹ học sinh nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình và có biện pháp giúp đỡ để các em tiếp tục vươn lên.

Cùng với mục đích trên, Thông tư 22 quy định việc đánh giá từng năng lực, từng phẩm chất học sinh theo ba mức: Tốt, đạt và cần cố gắng thay cho hai mức quy định trong Thông tư 30 là đạt, chưa đạt. Tương tự như đánh giá từng môn học, hoạt động giáo dục, việc lượng hóa thành 3 mức như vậy sẽ giúp giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển từng năng lực, từng phẩm chất sau một giai đoạn rèn luyện, phấn đấu của học sinh. Từ đó giáo viên, nhà trường, cha mẹ học sinh có những biện pháp kịp thời giúp đỡ học sinh phát huy những điểm tích cực, khắc phục những hạn chế để ngày một tiến bộ hơn.

Điểm mới nữa trong đánh giá định kỳ học sinh là ở khối lớp 4, lớp 5 có thêm bài kiểm tra giữa học kì đối với môn Tiếng Việt và môn Toán vì: Theo lý giải của Bộ GD-ĐT là vì lớp 4, lớp 5 là các lớp cuối cấp tiểu học. Các khối lớp này so với các khối lớp 1, lớp 2, lớp 3 có yêu cầu kiến thức, kĩ năng cơ bản ở mức sâu hơn, khái quát hơn, tường minh hơn. Đồng thời, môn Tiếng Việt và môn Toán ở các khối lớp này là hai môn học công cụ, chiếm nhiều thời lượng hơn so với các môn học khác. Và việc tổ chức kiểm tra hai môn này sẽ tạo điều kiện cho học sinh quen dần với cách kiểm tra đánh giá ở cấp trung học cơ sở và các cấp học cao hơn.

Thay đổi trong hồ sơ đánh giá và việc ghi chép của giáo viên:

Quy định về hồ sơ đánh giá học sinh theo Thông tư 22 có sự thay đổi đáng kể. Thay vì có 5 loại như quy định trước đây trong Thông tư 30, nay chỉ gồm có: Học bạ và bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Đối với học bạ học sinh đang dùng được tiếp tục sử dụng và có điều chỉnh cho phù hợp với nội dung theo Thông tư 22. Việc điều chỉnh này sẽ được Bộ GD-ĐT hướng dẫn cụ thể trong khi tập huấn.

Việc ghi chép của giáo viên, trong đánh giá thường xuyên, để có thời gian nhiều hơn dành cho đổi mới phương pháp dạy học và quan tâm, hỗ trợ giúp đỡ học sinh trong quá trình học, thay vì “hàng tháng, giáo viên ghi vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục” như trước đây, nay ngoài việc dùng lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa, khi cần thiết giáo viên viết nhận xét hay những lưu ý đối với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội trong học tập và rèn luyện.

Cũng theo Thông tư 22, tại thời điểm giữa và cuối mỗi học kì, giáo viên ghi kết quả đánh giá vào bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục của lớp. Tại thời điểm cuối năm học, giáo viên chủ nhiệm ghi kết quả đánh giá học sinh vào học bạ.

Thay đổi trong việc khen thưởng học sinh:

 Theo quy định trong Thông tư 22 học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện: kết quả đánh giá các môn học đạt Hoàn thành tốt, các năng lực, phẩm chất đạt Tốt; bài kiểm tra định kì cuối năm học các môn học đạt 9 điểm trở lên. Đối với những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về ít nhất một môn học hoặc ít nhất một năng lực, phẩm chất được giáo viên giới thiệu và tập thể lớp công nhận.

Như vậy, Thông tư 22 đã quy định rõ ràng hơn về tiêu chí để khen thưởng học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện. Và việc các quy định như vậy sẽ cụ thể hơn, giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi trong việc khen thưởng học sinh, đồng thời vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, cha mẹ học sinh và khắc phục được bệnh thành tích trong giáo dục.

  • Từ khóa
86281

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu