Thứ 7, 27/04/2024 10:42:43 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 14:32, 29/11/2015 GMT+7

Những bất thường trong vụ án chém rụng bàn tay ở Đồng Phú

Chủ nhật, 29/11/2015 | 14:32:00 3,735 lượt xem

BP - Trương Quốc Đến dùng dao nhằm đầu anh Trần Quốc Điệp để chém. Anh Điệp may mắn thoát chết vì đưa tay lên đỡ. Thế nhưng, Đến chỉ bị kết tội cố ý gây thương tích. Phải chịu bản án 7 năm tù nhưng Đến chỉ ở trong trại giam 3 năm 2 tháng 12 ngày đã được tha tù trước thời hạn dịp Quốc khánh 2-9-2015 - chưa đủ thời gian thụ án theo quy định của Bộ luật Hình sự. Việc tha tù trước thời hạn còn có nhiều uẩn khúc hơn khi Đến từng bỏ trốn sau khi gây án, đặc biệt là Đến và gia đình chưa một lần hỏi thăm, bồi thường một đồng nào cho bị hại. Lạ lùng hơn, khi Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú đã tách việc bồi thường sang một vụ án dân sự khác và đến nay ròng rã 2 năm 1 tháng qua, gia đình anh Điệp liên tục yêu cầu được giải quyết việc bồi thường nhưng Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú xử lý bằng cách… im lặng.

Bức xúc trước việc giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú, bà Ngô Thị Năm, mẹ anh Trần Quốc Điệp nói: “Tôi hoang mang khi không thấy công lý ở tòa án cũng như các cơ quan tư pháp huyện Đồng Phú”.

ĐI TÌM MỘT NỬA BÀN TAY CỦA MÌNH

Ngày 19-6-2011, Trần Quốc Điệp (SN1977, trú tổ 3, ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) cùng 2 em ruột Trần Quốc Tây, Trần Văn Nhựt và 2 người bạn Ngô Văn Hải, Phạm Văn Cường uống rượu tại ngã ba ấp Thạch Màng. Bất ngờ Trương Quốc Đến (SN1989, trú tổ 1, ấp Thạch Màng) cùng bạn là Phạm Thanh Long chạy xe tới và rủ nhóm của Điệp đến nhà anh Hà Văn Ban (SN1972) cùng ở ấp Thạch Màng uống rượu giải hòa mâu thuẫn giữa Đến, Long với Điệp và Nhựt. Khi tới nhà anh Ban, trong lúc hòa giải thì giữa Long và Đến xảy ra cãi nhau với Điệp và Nhựt. Vợ chồng anh Ban can ngăn thì nhóm của Điệp đứng dậy ra về. Đến chạy xuống bếp lấy con dao rựa, chạy vòng cửa sau ra phía trước nhà, xông tới nhằm đầu Điệp để chém. Điệp đưa tay phải lên đỡ rồi cùng Tây xông tới giật dao, đấm đá Đến thì mọi người can ngăn nên buông nhau ra. Đến vùng dậy bỏ chạy.

Bà Ngô Thị Năm bức xúc cho rằng vụ án liên quan đến con trai mình có quá nhiều bất thường

Điệp ra lấy xe máy tiếp tục về thì phát hiện cú đỡ dao trên đỉnh đầu đã bị chém... rụng mất 2/3 bàn tay, chỉ còn 1 ngón tay trỏ. Điệp la hoảng và cùng mọi người tìm nửa bàn tay bị rớt đâu đó dưới đất. Điệp và nửa bàn tay tìm thấy được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, sau đó chuyển về Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. Hồ Chí Minh chữa trị, phẫu thuật nối lại bàn tay bị đứt. Trương Quốc Đến bị Viện kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú truy tố tội cố ý gây thương tích.

GIẢM ÁN CÓ ĐÚNG PHÁP LUẬT?

Vì ở cùng một xã, khu dân cư gần nhau nên một ngày đầu tháng 9-2015, mẹ con anh Điệp bỗng giật mình thấy Trương Quốc Đến... ung dung ở nhà. Thì ra Trương Quốc Đến được đặc xá tha tù trước thời hạn dịp Quốc khánh 2-9-2015, khi mới chỉ chấp hành bản án được 3 năm 2 tháng 12 ngày trong tổng số 7 năm tù giam của bản án.

Trong khi đó, Điều 58 Bộ luật Hình sự quy định:

3. Một người có thể được giảm nhiều lần nhưng phải bảo đảm chấp hành được một phần hai mức hình phạt đã tuyên. Người bị kết án tù chung thân, lần đầu được giảm xuống ba mươi năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là hai mươi năm.

Ngày 24-12-2012, Đến bị Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú tuyên phạm tội cố ý gây thương tích, phạt 6 năm tù giam. Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú do thẩm phán Nguyễn Văn Thư làm chủ tọa đã tuyên tách việc bồi thường sang một vụ án dân sự khác. Anh Trần Quốc Điệp kháng cáo đề nghị tăng hình phạt đối với Trương Quốc Đến và giải quyết việc bồi thường thiệt hại. Ngày 14-3-2013, Tòa án nhân dân tỉnh xét xử phúc thẩm đã chấp nhận một phần kháng cáo của anh Điệp, tuyên phạt Trương Quốc Đến 7 năm tù giam nhưng không chấp nhận việc giải quyết bồi thường thiệt hại vì tại phiên tòa sơ thẩm anh Điệp yêu cầu tách phần bồi thường dân sự ra để giải quyết sau.

Đó là nội dung vụ án và tưởng như đã được khép lại khi bản án sơ thẩm Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú đánh giá: “Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo tác động gia đình nộp 4 triệu đồng cho cơ quan tiến hành tố tụng để bồi thường, khắc phục một phần hậu quả cho người bị hại, tự nguyện ra đầu thú trước cơ quan pháp luật. Đây là các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo...”.

Thế nhưng, xem xét kỹ hồ sơ và những vấn đề được nêu trong bản án của Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú, đặc biệt là thông tin gia đình anh Trần Quốc Điệp cung cấp, kiến nghị đang gửi đến nhiều cơ quan chức năng từ trung ương đến tỉnh, đã cho thấy vụ án có quá nhiều uẩn khúc, bất thường.

VÌ SAO VỤ ÁN TRỞ NÊN PHỨC TẠP?

Ngay sau khi gây án và bị khởi tố, Đến đã bỏ trốn nhằm trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Thế nhưng trong bản án sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú cho rằng “Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải... tự nguyện ra đầu thú trước cơ quan pháp luật” và trở thành tình tiết giảm nhẹ hình phạt. Sự khó hiểu này của Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú còn thể hiện ở phần buộc tội trước đó cũng lập luận làm tăng tính chất nguy hiểm trong hành vi của Đến: “Không những thế, sau khi thực hiện hành vi phạm tội vào ngày 19-6-2011, bị Công an huyện Đồng Phú khởi tố, bị cáo lại bỏ trốn gây khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng”.

Chưa hết, trong đơn kiến nghị của anh Trần Quốc Điệp gửi các cơ quan chức năng cũng như trao đổi trực tiếp với bà Ngô Thị Năm đều khẳng định: “Vụ án bị rơi vào im lặng cả năm trời bởi kẻ gây án Trương Quốc Đến bỏ trốn. Gia đình tôi bức xúc, ròng rã lần tìm các đầu mối, dò la tin tức về Đến. Tròn 1 năm sau ngày xảy ra vụ án, gia đình tôi biết chính xác Đến đang làm cây ở huyện Bù Đốp nên lập tức báo Công an huyện Đồng Phú đi bắt. Sau đó, Đến bị bắt ngày 20-6-2012, chứ không phải tự nguyện ra đầu thú”.

Sau khi tòa phúc thẩm tuyên án, Trương Quốc Đến bị đưa đi chấp hành án tại Trại giam Tống Lê Chân, ở xã Minh Tâm, huyện Hớn Quản. 7 tháng sau, ngày 21-10-2013, gia đình anh Điệp (anh Điệp ủy quyền cho mẹ là bà Ngô Thị Năm) nộp đơn yêu cầu bồi thường lên Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú. Hết lần này đến lần khác, mẹ con anh Điệp đề nghị giải quyết dứt điểm vụ việc nhưng Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú vẫn làm thinh. Đến nay, đơn yêu cầu của gia đình anh Điệp vẫn mốc meo tại Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú, chưa được xem xét giải quyết.

Đến được giảm án trở về cuộc sống đời thường nhưng gia đình anh Điệp lại hết sức bức xúc và hoang mang. Bởi lẽ Đến không những chưa đủ thời gian chấp hành án để được tha tù trước thời hạn mà còn chưa thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào đối với anh Điệp và gia đình.

Vợ đầu sinh được 3 đứa con rồi bỏ đi vì chê chồng không biết chữ và không biết làm ăn. Điệp đang sống với người vợ thứ hai, sinh thêm 3 đứa con. Tổ ấm của anh bây giờ nheo nhóc trong căn nhà cấp 4 lụp xụp, trống rỗng, bên trong chỉ có chiếc ghế gỗ chân đã mục là vật đáng giá nhất. Cha mẹ có vườn rẫy, xe ben, máy xúc, nhưng nhà đông anh em (9 anh chị em), bản thân vốn không lanh lẹ, nên vợ chồng Điệp chỉ làm thuê kiếm sống nuôi con.

Vì những bất lợi đó, nên anh phải làm giấy ủy quyền cho mẹ đẻ giải quyết mọi vấn đề liên quan đến pháp luật. Và vụ án tưởng như đã kết thúc khi kẻ phạm tội chịu sự trừng phạt của pháp luật và trả giá cho hành vi coi thường tính mạng của người khác. Nhưng việc giải quyết của tòa án cũng như các cơ quan tư pháp ở Đồng Phú làm cho vụ án nhiều năm chưa thể kết thúc, khiến nhiều người dân, gia đình không những mất niềm tin ở cơ quan biểu tượng cho cán cân công lý, mà còn tiếp tục phải chịu cảnh “vô phúc đáo tụng đình”.

Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú vô cảm?

Anh Trần Quốc Điệp và bàn tay phải sau khi nối lại không co - duỗi được ngón tay

Từ ngày con tôi bị chém đứt lìa bàn tay đến nay, chưa 1 lần gia đình Trương Quốc Đến tới hỏi thăm hay có bất kỳ khoản bồi thường nào. Tòa án cũng chưa xét xử việc bồi thường cho con tôi. Tôi không hiểu người ta căn cứ vào cơ sở nào để giảm án cho Trương Quốc Đến! Giờ ra tù rồi, anh ta và gia đình không bồi thường cho con tôi, tôi biết phải làm như thế nào? Ngay từ đầu, tôi đã thấy nhiều điều không bình thường trong vụ án này. Đầu tiên là hành vi đó phải phạm tội giết người chứ không phải cố ý gây thương tích. Tiếp theo, tại phiên tòa sơ thẩm, con tôi (không biết chữ) không yêu cầu tách việc bồi thường thiệt hại sang một vụ án khác nhưng tòa lại lập luận như vậy và tách ra. Khi tách ra, mẹ con tôi nhiều lần đến Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú gặp thẩm phán Nguyễn Văn Thư để giải quyết nhưng đến nay vẫn giậm chân tại chỗ. Bây giờ Trương Quốc Đến lại được tha tù trước thời hạn một cách bất thường. Quá nhiều bất thường trong vụ án này. Mẹ con tôi gánh chịu hậu quả nhưng cơ quan pháp luật ở Đồng Phú không nhìn thấy điều đó, Tòa án nhân dân huyện Đồng Phú dường như vô cảm!.

Bà Ngô Thị Năm

Trần Phương

  • Từ khóa
27625

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu