Thứ 6, 26/04/2024 20:09:26 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Văn hóa 10:27, 24/08/2016 GMT+7

Nhạc sĩ Ngọc Uy: “Âm nhạc là mạch nguồn luôn chảy trong tim tôi”

Thứ 4, 24/08/2016 | 10:27:00 523 lượt xem
BP - Nhạc sĩ Ngọc Uy, (Nguyễn Văn Uy, ảnh), sinh năm 1943 tại xã Lạc Long, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Huyện Kinh Môn là vùng đất bán sơn địa, được bao quanh bởi dòng chảy của sông Kinh Thày. Chính cảnh non nước hữu tình nơi đây đã nuôi dưỡng tâm hồn nghệ sĩ Ngọc Uy từ những năm tháng cắp sách đến trường.

Nhạc sĩ Ngọc Uy sinh ra trong gia đình có 4 người con, chị gái đầu là diễn viên đoàn cải lương Chuông vàng tỉnh Hải Phòng. Trời phú cho chất giọng truyền cảm nên ngay từ nhỏ ông đã tham gia phong trào văn hóa - văn nghệ tại địa phương. Năm 1964, ông nhập ngũ và đóng quân tại đảo Cô Tô rồi đảo Cát Bà, tỉnh Quảng Ninh. Sau đó, ông chuyển về đội văn nghệ Quân khu Đông Bắc (cũ), Bộ Quốc phòng. Năm 1973, trên đường hành quân vào Nam, đến tỉnh Thừa Thiên - Huế ông bị trúng đạn vào đùi phải. Năm 1976, ông phục viên trở về địa phương và là thương binh hạng ¾. Năm 1985, ông đưa vợ và 4 người con vào Bình Phước và chọn xã Tân Lập, sau này chuyển về thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú sinh sống. Cũng như bao hộ dân khác, những ngày đầu trên vùng đất mới gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Vợ chồng ông xin làm công nhân tại Nông trường cao su Tân Lập. Say mê nghệ thuật nên dù lao động vất vả, cuộc sống thiếu thốn trăm bề, vợ chồng ông vẫn tích cực tham gia phong trào văn hóa - văn nghệ tại địa bàn. Có thời gian rảnh ông lại sáng tác vài ca khúc để thư giãn và quên đi mệt nhọc trong cuộc sống bộn bề lo toan.

Bước ngoặt trong con đường sáng tác âm nhạc là khi ông Uy gặp nhạc sĩ A Khuê tại hội thi tiếng hát thương binh huyện Đồng Phú năm 2004. Ông Uy hát đơn ca nhạc phẩm “Vết chân tròn trên cát” của nhạc sĩ Trần Tiến và đoạt giải nhất. Qua trò chuyện và giới thiệu một vài ca khúc do ông sáng tác, nhạc sĩ A Khuê nhận thấy ông có tố chất nghệ sĩ nên khuyên ông nên tập trung sáng tác âm nhạc. Ngay sau đó, ca khúc “Lời Bác lời quê hương” ra đời. Ca khúc đã truyền tải lời hiệu triệu của Bác Hồ kêu gọi nhân dân cả nước đoàn kết đứng lên đánh đuổi Mỹ - ngụy, thống nhất đất nước. Quân và dân Bình Phước đoàn kết một lòng theo Đảng đấu tranh giải phóng dân tộc với những địa danh đã đi vào sử sách, như: Tà Thiết, Đồng Xoài. Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Bình Phước đã gặt hái nhiều thành tựu. Ca khúc thành công ngoài mong đợi, đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức năm 2008.

Lấy cảm hứng từ những câu thơ trong bài “Tết trồng cây” của Bác Hồ, năm 2012, ông Uy sáng tác ca khúc “Xuân trồng cây nhớ Bác”. Bài hát mang âm hưởng dân ca 3 miền, ca từ giàu cảm xúc đã đoạt giải ba cuộc thi “Âm vang xanh” viết về đề tài bảo vệ tài nguyên, môi trường do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động năm 2012. Nối tiếp thành công, cuộc thi tìm hiểu lịch sử Đảng bộ tỉnh Bình Phước năm 2012, bài hát “Ngọn lửa làng Ba” của ông đoạt giải ba. Bằng tiết tấu nhanh, âm hưởng hào hùng, nhạc sĩ Ngọc Uy đã khắc họa thành công sự lớn mạnh của phong trào cách mạng Đông Nam bộ góp phần làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Trong suốt những năm làm việc và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, nhạc sĩ Ngọc Uy đã sáng tác khoảng 30 ca khúc với nhiều thể loại, bởi “Niềm đam mê âm nhạc như mạch nguồn luôn chảy trong tim tôi”. Nhạc sĩ Ngọc Uy thừa nhận, tình yêu luôn là đề tài gợi cho ông nhiều cảm xúc nhất. Và có lẽ, cuộc sống với nhiều thăng trầm, không bằng phẳng đã cho ông những trải nghiệm để hiểu tình yêu ở mọi khía cạnh. Không chỉ tình yêu đôi lứa mà là tình yêu cuộc sống, yêu con người, quê hương đất nước, đặc biệt là tình yêu đối với Đảng, Bác Hồ đã khơi nguồn cảm xúc trong ông. Ông còn viết nhiều ca khúc về biển, đảo quê hương, như: Vọng lời của biển, Khúc tình ca biển xanh...; viết về dân ca Tây Nguyên và Nam Tây Nguyên có bài Em hát đêm hội làng, Bom Bo mùa xuân về...; viết về thiếu nhi có bài Bay cao ước mơ... Qua những đợt đi thực tế, ông còn sáng tác nhiều ca khúc về các tỉnh Đắk Nông, Bình Thuận...

Ông cho biết: “Mỗi khi viết một tác phẩm âm nhạc, tôi phải tìm được chủ đề, chủ thể mình muốn viết. Từ đó, chọn âm hưởng phù hợp với giai điệu, tiết tấu và ca từ. Đặc biệt, phải đào sâu suy nghĩ và tìm chất liệu của từng vùng miền khi áp dụng một số làn điệu dân ca vào ca khúc. Thời gian tới, tôi sẽ dành thời gian đi thực tế nhiều hơn để nghiên cứu, cảm nhận âm nhạc dân tộc, đặc biệt là những đặc trưng, nét độc đáo của văn hóa vùng miền...”.

 Những ca khúc do nhạc sĩ Ngọc Uy sáng tác luôn mang tính thời sự, bởi âm nhạc của ông là âm nhạc của thực tại, một thực tại mà các thế hệ đi sau vẫn sử dụng. Nhiều ca khúc do ông sáng tác được dàn dựng, thu âm phát trong chương trình của Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Phước. 

Khắc Bảy

  • Từ khóa
92229

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu