Thứ 7, 27/04/2024 07:25:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Tòa soạn và Bạn đọc 14:26, 15/04/2013 GMT+7

Chốn yên bình của những mảnh đời bất hạnh

Thứ 2, 15/04/2013 | 14:26:00 321 lượt xem

Gần 15 năm kể từ ngày về hưu, bà Nguyễn Thị Nhan ở khu phố 1, phường Tân Đồng (TX.Đồng Xoài) tình nguyện gắn bó với những mảnh đời cơ nhỡ. Những đứa trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa hoặc trẻ bị tàn tật cha mẹ không muốn nuôi dưỡng đều được bà đón về chung sống, coi như người thân trong gia đình.

Quê ở tỉnh Bắc Ninh nhưng bà Nguyễn Thị Nhan (1954) vào thành phố Hồ Chí Minh lập nghiệp bằng nghề đông y. Năm 1999, bà nghỉ hưu. Theo lẽ thường, bà có “hai quê” để chọn làm chốn vui hưởng tuổi già sau nhiều năm công tác. Nhưng bà Nhan lại tìm ngã rẽ là Bình Phước - một nơi hoàn toàn xa lạ - để sống những ngày còn lại của đời mình. Bà Nhan tâm sự: “Những ngày điều trị cho bệnh nhân ở thành phố Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy tỉnh Bình Phước còn nhiều người nghèo khổ. Vì thế, tôi đã lên kế hoạch đến tận nơi giúp họ”.


Bà Phan (bên phải) không chỉ cưu mang mà còn là bạn tâm tình của những người bất hạnh

LẤY VIỆC GIÚP NGƯỜI CƠ NHỠ LÀM NIỀM VUI

Về sống tại khu phố 1, phường Tân Đồng, bà Nhan mở lớp giữ trẻ tại nhà, nhận cả những đứa trẻ tàn tật, đau yếu. Nhiều bà mẹ thấy con mình ở chung như thế không chịu. Bà bảo: “Người ta không ưng thì đi chỗ khác chứ nhìn trẻ khuyết tật bất hạnh tôi không đành lòng để chúng đi”. Những ông bố, bà mẹ có con tật nguyền, thấy bà thương người thì để bà nuôi luôn. Có người vài năm sau trở lại, trả công bà bằng một xô cua. Bà vẫn vui vẻ nhận. Bởi bà nghĩ, họ nghèo nên mới thế.

Để các bé tàn tật, người cơ nhỡ có chỗ ăn ở tốt hơn, năm 2005, bà xây dựng khu nhà ở rộng gần 1.000m2 với 2 dãy nhà khang trang, một bên là nhà cấp 4 dành cho người già và một bên là dãy nhà một trệt một lầu. Ngoài ra còn có nhà khách, khu bếp, sân chơi rộng rãi. “Không phải tôi có tiền xây ngay một lúc mà tích cóp đến đâu xây tới đó, gần 5 năm mới hoàn thiện. Ngoài tích lũy của bản thân, nguồn tiền còn được góp từ sự trợ giúp, ủng hộ của gia đình, bạn bè, kể cả những đứa trẻ tôi từng cưu mang ở thành phố Hồ Chí Minh giờ đã thành đạt cũng góp sức”, bà Nhan cho biết.

Mỗi đứa trẻ đến với bà Nhan mang những thân phận khác nhau. Có em mồ côi, có em bị tâm thần, lại có em bị câm điếc, bại não... Bà chia sẻ: “Tuy tôi không chồng, không con, chưa một lần được hưởng thiên chức người mẹ, nhưng tôi có hàng trăm đứa con. Những đứa trẻ tật nguyền, mồ côi đã chịu bất hạnh từ lúc sinh ra nên tôi yêu quý, nâng niu chúng như con đẻ. Giảm bớt nỗi đau cho chúng là hạnh phúc của tôi”.

Bài học đầu tiên bà dạy cho những đứa trẻ ở đây không chỉ là tình thương mà còn là cách làm người. Bà chỉ bảo các em từng lời ăn tiếng nói, cách ứng xử lễ phép. Đặc biệt là không được nuôi lòng thù hận mà phải biết tha thứ. Bà thường xuyên kể những câu chuyện về tấm gương người khuyết tật vượt khó vươn lên để giúp các em có thêm nghị lực. Bà còn tìm tới những bà mẹ trẻ lỡ làng đem về cưu mang và khuyên nhủ họ không nên bỏ con. Nếu sinh ra không nuôi được thì bà sẽ nuôi. Vì thế, đã có hàng chục bà mẹ gửi con lại đây. Và khi những người mẹ có điều kiện trở về nhận lại con, bà vẫn sẵn sàng giúp họ đoàn tụ. Có lúc, bà nuôi 3 phụ nữ mang thai trong nhà. Như một lẽ tự nhiên, bà Nhan đã trở thành mẹ, thành bà của rất nhiều mảnh đời bất hạnh.

HẠNH PHÚC CỦA NHỮNG MẢNH ĐỜI “KHUYẾT”

Chúng tôi đi thăm khu nhà khi bà Nhan đang chăm sóc cho một bé trai khoảng 10 tuổi bị bại não. Sự ân cần của bà dành cho đứa trẻ oặt oẹo, chảy dãi xuống cằm mà không biết lau chùi khiến chúng tôi càng thêm cảm phục.

Bà Trần Thị Hồng, 65 tuổi, ở chung với em gái tại quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh. Nhưng do em gái bị bệnh động kinh nên thường xuyên đuổi đánh bà. Không chịu được, bà lang thang khắp đầu đường xó chợ. Cách đây hơn 2 tháng, có người giúp đỡ, bà được về ở với bà Nhan. Bà Hồng rưng rưng nói: “Tôi vừa bệnh khớp lại nhồi máu cơ tim. May có cô Nhan chăm sóc, thuốc thang đầy đủ nên khỏe ra chứ với bệnh tật như thế, có khi tôi chết ở gầm cầu rồi”.

Bà Võ Thị Huệ, 66 tuổi, ở tỉnh Tây Ninh không chồng, không con. Lúc còn khỏe, bà đi làm thuê. Khi bị liệt, chủ nhà đã đưa bà đến đây. Nhờ có bà Nhan chăm sóc, tập vật lý trị liệu, đến nay bà đã nhúc nhắc đi lại. Cười hiền lành, bà Huệ tâm sự: “Phần cuối đời mà được ở đây là tôi yên tâm rồi”. Bà Trần Kim Chính ở huyện Lộc Ninh đã tự thuê xe ôm tìm đến nơi ở của bà Nhan xin được tá túc bởi sự đối xử tệ bạc của con cái, sau khi bà bị tai biến nửa người. Nhờ bà Nhan tập vật lý trị liệu nên căn bệnh của bà Chính đỡ rất nhiều. 

Tuy chưa thật quy mô, bề thế nhưng với những mảnh đời không may mắn đang được cưu mang ở đây đã quá may mắn. Ở đây họ đã nhìn đời bằng ánh mắt ấm áp hơn, tình người trải dài hơn trong cuộc sống vốn còn đầy những bất trắc mà họ đã từng trải qua.

Bảo An

  • Từ khóa
92195

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu