Thứ 6, 26/04/2024 21:44:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:48, 27/03/2013 GMT+7

Nghèo cũng không bán đất sản xuất

Thứ 4, 27/03/2013 | 14:48:00 182 lượt xem

Ở xã Quang Minh (Chơn Thành), nhờ công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân nên tình trạng sang nhượng, mua bán, cầm cố đất trong đồng bào dân tộc thiểu số không xảy ra như ở các xã khác. 

Bà Thị Hồ ở ấp Tranh 3, xã Quang Minh (Chơn Thành) là hộ nghèo đã 3 năm nay. Bà Hồ hiện ở chung với con gái. Thời gian gần đây chồng bà và con rể không may lần lượt qua đời, gia đình thiếu lao động nên đời sống rất khó khăn. Tuy gia đình có hơn 2 ha đất sản xuất nhưng không có điều kiện canh tác nên phải bỏ không. Khi chúng tôi đặt vấn đề bán đất để trang trải sinh hoạt, bà Hồ tỏ thái độ kiên quyết không đồng ý. Bà lý giải: “Bây giờ đất không có người làm nhưng sau này các cháu lớn lên sẽ trồng tiêu, điều, cao su để có cái ăn. Bây giờ bán đi thì chẳng có gì cho con cháu, sau này chúng sẽ khổ mãi, vì người thì đẻ được chứ đất không biết đẻ”.

2 sào đất trồng tiêu là nguồn thu nhập chính của vợ chồng ông Điểu Nghiết - bà Thị Ơn

Hộ ông Điểu Nghiết - bà Thị Ơn ở gần nhà bà Thị Hồ cũng không có ý định bán 2 sào tiêu còn lại để có tiền an dưỡng tuổi già. Ông Điểu Nghiết thuộc diện hộ nghèo lâu năm của ấp và mới thoát nghèo năm 2012. Ông bà nay đã ngoài tuổi 90, không còn sức lao động, chỉ có thể làm những công việc vừa sức như nuôi gà, hái tiêu và sống dựa vào các nguồn hỗ trợ của cộng đồng. Ông Điểu Nghiết cho biết: Ông bà giữ 2 sào tiêu để kiếm ăn qua ngày, chết thì cho con chứ không bán. Nhà nước đã cho ông nhà và hỗ trợ nhiều chính sách khác nên phải giữ đất. Bởi nếu không có đất sẽ tái nghèo.

Ông Nguyễn Văn  Đảng, Trưởng ban công tác Mặt trận ấp Tranh 3 cho biết, nhiều năm nay đồng bào dân tộc thiểu số ở đây rất ít người bán đất sản xuất. Trong năm 2012 chỉ có trường hợp bà Thị Ngam bán đất. Bà Thị Ngam có 1 con, sau khi chia cho con bà còn 3 sào đất. Vì không có người làm, bản thân bà Ngam đã già nên phải bán để trang trải cuộc sống. Còn đa số các hộ, sau khi chia cho các con đều cố gắng giữ đất, giữ vườn để làm kế sinh nhai. Ấp Tranh 3 có 90% số dân là đồng bào Xêtiêng, trong đó 19 hộ nghèo không có đất sản xuất do tách hộ.

Ở ấp Cây Gõ, ông Nguyễn Văn Nguyệt, Trưởng ấp cũng khẳng định với chúng tôi 2 năm nay không có hiện tượng đồng bào Xêtiêng bán hay cầm cố đất. Hiện ấp có 8/32 hộ đồng bào nghèo do không có đất sản xuất vì lý do tách hộ. Bằng nhiều hình thức, ấp thường xuyên phối hợp với các ban, ngành tuyên truyền, vận động, giải thích cho đồng bào hiểu rõ việc sang nhượng, cầm cố, cho thuê đất... là một trong những nguyên nhân làm mất đất sản xuất, dẫn đến tái nghèo. Vì vậy, ấp Cây Gõ có đến 1/3 số dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nhưng không có hiện tượng người dân bán đất.

Theo thống kê của UBND xã Quang Minh từ tháng 6-2009 đến cuối tháng 11-2011 trên địa bàn xã không có trường hợp nào sang nhượng, cầm cố, cho thuê đất thuộc các chương trình, chính sách Nhà nước hỗ trợ. Chính quyền địa phương thường xuyên phổ biến Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND của UBND tỉnh về việc ngăn chặn tình trạng bán điều non, cầm cố đất, bán đất trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cho người dân ở các ấp, sóc hiểu. Đồng thời vận động nhân dân cảnh giác trước âm mưu của kẻ xấu lợi dụng sự cả tin của người dân, lôi kéo đồng bào bán, cầm cố đất. Ông Tạ Đình Reo, Bí thư đảng ủy xã Quang Minh cho biết: “Việc mua bán đất đều phải thông qua xã nên chúng tôi quản lý chặt chẽ. Khi có nhu cầu bán đất, người dân phải báo với ấp. Xã kiểm tra, rà soát mục đích bán đất rồi mới ký giấy. Những trường hợp có ý định bán đất với mục đích không rõ ràng, nhất là đồng bào thì chúng tôi vận động, tuyên truyền cho họ hiểu, đồng thời vận động người dân trong các khu dân cư giúp đỡ khi cần... do vậy hiệu quả tuyên truyền rất cao”.

 Ông Reo cũng ái ngại, bởi hiện nay các văn phòng công chứng cấp huyện ra đời thì chính quyền khó quản lý việc mua bán, sang nhượng, cầm cố đất... Qua khảo sát đã có một vài trường hợp người dân trên địa bàn thực hiện các giao dịch này không thông qua chính quyền nhưng không thể can thiệp, hoặc khi biết thì đã muộn. Hiện xã Quang Minh đang đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện tốt Chỉ thị số 14 của UBND tỉnh.                  

Phương Dung

  • Từ khóa
44525

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu