Thứ 6, 26/04/2024 10:18:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 19:59, 19/09/2012 GMT+7

Chủ động điều hòa vốn để giải ngân xây dựng cơ bản

Thứ 4, 19/09/2012 | 19:59:00 248 lượt xem

8 tháng năm 2012, toàn tỉnh giải ngân vốn xây dựng cơ bản 597,8 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch sau khi điều chỉnh, so với kế hoạch HĐND tỉnh giao đầu năm cũng chỉ đạt 60%. Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu đánh giá giải ngân quá chậm là khuyết điểm của ban quản lý dự án, lãnh đạo sở, huyện, thị xã và khuyết điểm này phải được đánh giá cụ thể, xem xét thi đua.

5 lĩnh vực vướng mắc và những công trình điển hình giải ngân chậm

Chiều 19-9, giao ban xây dựng cơ bản 8 tháng năm 2012, Phó giám đốc sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Thanh Bình đã nêu lên 5 lĩnh vực vướng mắc trong quá trình giải ngân vốn xây dựng cơ bản:

Giải ngân vốn xây dựng cơ bản chậm sẽ kéo theo tăng trưởng kinh tế chậm

Vốn sự nghiệp chương trình 135 và chương trình nông thôn mới giao cấp xã làm chủ đầu tư chưa nhập vào được hệ thống quản lý thông tin ngân sách và kho bạc (TABMIS) nên chưa thể giải ngân.

Giải ngân vốn xây dựng cơ bản 8 tháng năm 2012

Đối với dự án tập trung:

6 dự án vốn trung ương hỗ trợ 224 tỷ đồng từ đầu năm (đường Sao Bọng - Đăng Hà, chương trình 139, chương trình bảo vệ phát triển rừng, khu bảo tồn sóc Bom Bo, chương trình 134, chương trình 33) mới chỉ giải ngân được từ 20-46%.

64 tỷ đồng vốn trung ương hỗ trợ đối với dự án khởi công mới mới chỉ giải ngân được 12,6%.

Đối với dự án vốn không tập trung:

Vốn trái phiếu chính phủ, mặc dù đều là công trình chuyển tiếp nhưng cũng chỉ giải ngân được 27,5%.

Vốn chương trình 135 kéo dài (23,86 tỷ đồng) mới chỉ giải ngân được 15,2%.

Vốn EU hỗ trợ 3,7 tỷ đồng đến nay chưa giải ngân. Vốn chương trình mục tiêu mới chỉ giải ngân được 15%.

Phân theo cấp quản lý:

Toàn tỉnh giải ngân 597,8 tỷ đồng, đạt 38% kế hoạch sau khi điều chỉnh, trong đó vốn tỉnh quản lý giải ngân 36,7%, vốn cấp huyện quản lý giải ngân 77%, vốn dự án trung ương hỗ trợ giải ngân 46%.

Vốn chương trình 134 giao cho UBND cấp huyện thực hiện, đã giao chi tiết nhưng chưa quan tâm nên đến nay chưa giải ngân được.

Vốn hỗ trợ phát triển sản xuất giao cho 20 xã xây dựng chương trình nông thôn mới chưa giải ngân do sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và sở Tài chính chưa hướng dẫn nội dung lập dự toán.

Một số huyện, thị chưa thu hồi được tiền sử dụng đất để đầu tư cho kế hoạch do vướng mắc trong thẩm định hồ sơ theo quy trình để trình UBND tỉnh phê duyệt.

Vốn chương trình bảo vệ phát triển rừng chưa giải ngân được do sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn chưa trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ngoài 5 lĩnh vực vướng mắc, sở Kế hoạch - Đầu tư cũng nêu danh sách 12 dự án điển hình sử dụng vốn ngân sách địa phương giao từ đầu năm nhưng giải ngân chậm, điển hình như các công trình: ký túc xá trường THPT chuyên Quang Trung, Trung tâm giáo dục Minh Lập, giải phóng mặt bằng khu tái định cư và nhà ở công nhân, hệ thống thủy lợi Suối Cam 2 và thủy lợi Ba Ven, 3 cầu trên đường Đồng Phú - Bình Long, 3 cầu trên đường Sao Bọng - Đăng Hà, đường Lê Quý Đôn ở thị xã Đồng Xoài…

Chủ động điều hòa vốn

Lãnh đạo một số sở, huyện, thị xã đã phản ánh vướng mắc trong thực tiễn giải ngân cụ thể từng dự án, đồng thời đưa ra giải pháp khắc phục.

Giám đốc sở Giao thông - Vận tải Hồ Văn Hữu cho biết: Những dự án khó giải ngân do ngành giao thông đang quản lý như giải phóng mặt bằng các đường Lý Thường Kiệt, Đồng Xoài - Cây Chanh, Đồng Phú - Bình Dương… sẽ chuyển vốn sang dự án đã có khối lượng thi công. Giám đốc sở NN-PTTN Nguyễn Văn Tới nêu lên lý do các công trình do ngành NN-PTTN quản lý giải ngân chậm là do đang mưa nên chưa xây đập cho công trình thủy lợi, chưa thảm nhựa đường giao thông được...

Trước tình hình giải ngân vốn xây dựng cơ bản chậm, tỷ lệ % xếp thứ 50 trong 63 tỉnh thành, chủ trì cuộc họp giao ban, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Tấn Thiệu đã chỉ đạo:

Các sở, huyện, thị xã rà soát nhà thầu. Nhà thầu nào năng lực yếu dứt khoát không cho tham gia đấu thầu những công trình sau này.

Giao sở Kế hoạch - Đầu tư thường xuyên kiểm tra, xem xét, hướng dẫn giải quyết vướng mắc của các đơn vị.

Đối với nguồn vốn địa phương, chủ động điều hòa hai cấp: cấp sở, huyện thị và cấp tỉnh.

Đối với dự án trung ương hỗ trợ vốn, do tỉnh không chủ động điều hòa được, nên phải kiên quyết thực hiện đúng tiến độ, đúng kế hoạch, không để bị thu hồi vốn.

Đối với vốn chương trình mục tiêu, liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, khó mấy cũng phải làm, phải giải quyết dứt điểm.

Trần Phương

  • Từ khóa
36294

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu