Thứ 6, 26/04/2024 21:46:45 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Pháp luật 20:00, 21/10/2017 GMT+7

Ngành nông nghiệp xử lý 184 trường hợp vi phạm hành chính

Thứ 7, 21/10/2017 | 20:00:00 119 lượt xem

BP - Những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên thực hiện tuyên truyền, phổ biến văn bản pháp luật mới cho các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất - kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và giống cây trồng; tổ chức tập huấn về phòng chống bệnh dại, tác hại của chất cấm và chất lượng an toàn thực phẩm. Cụ thể từ tháng 10-2016 đến hết tháng 9-2017, sở đã tổ chức 37 lớp tập huấn văn bản pháp luật với 1.665 lượt người tham dự, cấp 1.655 cuốn tài liệu; phối hợp tổ chức 7 lớp tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật; làm cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng với 34 đối tượng; đồng thời cử cán bộ tham gia tập huấn chuyên sâu về xử lý vi phạm hành chính.

Cũng từ tháng 10-2016 đến hết tháng 9-2017, thông qua hoạt động thanh - kiểm tra định kỳ và kiểm tra thường xuyên, sở đã phát hiện và xử lý 184 trường hợp vi phạm hành chính. Trong đó có 10 quyết định hành chính chưa thi hành xong. Nguyên nhân do người vi phạm không có khả năng chấp hành việc nộp phạt, cơ quan chức năng cũng không thể tổ chức cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt đối với người vi phạm không có thu nhập thường xuyên, không có tài sản. Tổng tiền xử phạt vi phạm hành chính 602,632 triệu đồng. Bán, thanh lý tang vật, phương tiện bị tịch thu 912,482 triệu đồng.

Các hành vi vi phạm phổ biến, như: buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không có giấy chứng nhận đủ điều kiện, buôn bán hàng hóa kém chất lượng; cơ sở chăn nuôi không đủ điều kiện vệ sinh thú y; vận chuyển lâm sản trái pháp luật; mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định pháp luật. Vi phạm thủ tục hành chính trong quản lý rừng, sử dụng rừng; mua, bán, vận chuyển, chế biến, kinh doanh, cất giữ lâm sản; mua bán, cất giữ, chế biến, vận chuyển, kinh doanh lâm sản không có người nhận. Nguyên nhân dẫn đến những vi phạm hành chính là do ý thức tuân thủ pháp luật của người dân chưa cao; việc đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị sản xuất phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh chưa được chú trọng; các chủ rừng chưa thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong quản lý tài sản do Nhà nước giao; việc tổ chức quản lý, bảo vệ rừng chưa tốt. Ngoài ra, việc phối kết hợp, thông tin liên hệ giữa các lực lượng chức năng trong kiểm tra, phát hiện và bắt giữ các vụ việc vi phạm pháp luật còn lỏng lẻo, chủ yếu thực hiện theo từng vụ việc vi phạm, theo yêu cầu đột xuất hoặc kế hoạch hằng năm của từng đơn vị...

T.Ngọc

  • Từ khóa
30193

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu