Thứ 6, 26/04/2024 21:15:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:38, 22/12/2014 GMT+7

Nặng nợ với rừng

Thứ 2, 22/12/2014 | 09:38:00 102 lượt xem

BP - Bếp lửa, rượu cần, cơm lam, canh thụt... đã gắn liền với đời sống đồng bào Xêtiêng từ bao đời nay. Rừng đã bao bọc, chở che, đem lại nguồn sống, vì vậy họ đau lòng khi hàng ngày chứng kiến rừng “chảy máu”. Năm 2005, một số đồng bào DTTS ở xã Phú Sơn (Bù Đăng) đã thành lập Hợp tác xã Phú Tiến để giữ rừng. Năm 2006, HTX được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao khoán 201,5 ha rừng phòng hộ Đồng Nai (các tiểu khu 185, 187); trong đó, trồng mới 90 ha cao su, diện tích còn lại quản lý, bảo vệ, trồng rừng. 10 năm qua, không chỉ nỗ lực gìn giữ màu xanh của rừng mà nhiều hộ thành viên HTX đã vươn lên làm giàu.

GIỮ CHO RỪNG MÃI XANH

Qua hết vườn cao su của nông trường, con đường dẫn vào rừng có nhiều hố sâu, sình lầy, người dẫn đường lái xe vượt qua như diễn xiếc.

Ông Điểu Cước, Chủ nhiệm HTX Phú Tiến nói: “San, ủi đường, rải thảm sỏi đỏ không khó nhưng làm đường đẹp sẽ tiếp tay cho lâm tặc”. Rừng nơi đây vẫn giữ được hệ sinh thái đa dạng, nhiều tầng. Các cây cổ thụ sừng sững là niềm hạnh phúc, tự hào của những người yêu rừng. Vì nặng lòng với rừng nên lâm tặc “thèm” rừng lắm cũng không thể ra tay trước sự bảo vệ của dân làng. Trên những tán cây, dây leo quấn quanh, sóc thi nhau chuyền cành. Bên dưới là bao nhiêu cây thuốc nam, nhíp, bụi mây, những đám lá trung quân xào xạc trong gió.

Ông Điểu Cước (phải) dự định trồng thêm 4.000 cây giáng hương thành rừng để sau này con cháu hưởng

Chúng tôi gặp anh Điểu Dít, nhà ở thôn Sơn Tân, xã Phú Sơn là thành viên HTX Phú Tiến đang tuần tra bảo vệ rừng. Lưng anh Dít buộc một con dao nhỏ và cây rựa bên người. Ngồi nghỉ tại chỗ, chúng tôi thưởng thức chuối rừng ngọt lịm, mùi thơm rất lạ do anh Dít mời. Ông Cước nói: “Thưởng thức chuối rừng phải ăn cả hạt mới cảm nhận hết vị ngon và còn có tác dụng chữa bệnh đường ruột”. Hành trang của anh Dít là chiếc túi thổ cẩm quàng trên vai, trong túi có một chai nước và lá nhíp. Anh Dít vui vẻ: “Mình ăn rau rừng mới thấy ngọt miệng, không dám ăn rau ngoài chợ sợ thuốc hóa học. Hoa chuối mình luộc, còn lá nhíp nấu canh thụt”. Anh Dít tiếp tục việc đang làm, phát đám cỏ dại um tùm giữa rừng và ranh đất vườn cao su của người dân để chống cháy.

Ông Điểu Cước cho biết: “Điểu Dít là một trong 4 thành viên nuôi voi của HTX. Không riêng Điểu Dít, nhiều thành viên của HTX tuy không hưởng lương giữ rừng, làm các việc như cạo mủ cao su, chăm sóc vườn cây... vẫn thường xuyên lên rừng phát cỏ chống cháy, trông coi, bảo vệ rừng. Cuộc sống đồng bào Xêtiêng không thể thiếu sản vật của rừng, từ cây mây, đến nắm rau, con cá, cái gùi... nên tôi kể để con cháu tiếp nối giữ rừng cho bằng được”.

ĐỒNG BÀO DTTS HƯỞNG LỢI TỪ CÁC DỊCH VỤ CỦA HTX

HTX Phú Tiến hiện có 27 thành viên, 100% là đồng bào Xêtiêng, trong đó 4 thành viên giữ rừng, còn lại là sản xuất, nuôi voi... Hoạt động hiệu quả, các thành viên vừa có lương ổn định từ 3 đến 6 triệu đồng/người/tháng, vừa được HTX hỗ trợ nhiều dịch vụ để phát triển kinh tế hộ. HTX còn cung cấp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng với giá bằng đại lý cho đồng bào DTTS trong vùng, thu hoạch xong mùa vụ mới phải trả tiền. 

Chị Thị Ngoan ở thôn Sơn Tân, xã Phú Sơn cho biết: Tôi tham gia HTX Phú Tiến từ năm 2005. Với nhiệm vụ thu hoạch mủ cao su, chăm sóc vườn cây cho HTX, thu nhập 4,5 triệu đồng/tháng nên cuộc sống gia đình tôi khá ổn định. Hiện tôi đã dành dụm xây nhà, mua xe máy, con cái được đi học, không phải đi mót điều, mót mì như trước. Anh Điểu Khiêm cùng thôn, thành viên giữ rừng nói: Từ khi vào HTX không lúc nào chúng tôi thiếu việc làm. Chủ nhiệm HTX còn hướng dẫn tôi trồng xen cà phê vào 5 ha điều, chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn điều năng suất cao hơn hẳn. Các thành viên trong HTX còn đổi công cho nhau khi bón phân, lúc thu hoạch mùa nên không lo trộm cắp.

Gần nơi thu hoạch mủ cao su có một căn nhà nhỏ đang xây dở, ông Điểu Cước cho biết: “Nhà để những người giữ rừng ở lại. Đồng bào Xêtiêng thích ở nhà sàn nhưng mình phải xây vừa đảm bảo độ bền vừa để tuyên truyền người dân trong vùng không chặt phá cây rừng làm nhà”. Ông Cước cho biết thêm: Năm 2015, tôi dự định trồng thêm 4.000 cây giáng hương thành rừng để con cháu sau này được hưởng.                                  

Mai Ca

  • Từ khóa
50517

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu