Thứ 7, 27/04/2024 11:22:51 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 08:32, 02/07/2016 GMT+7

Nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình

Thứ 7, 02/07/2016 | 08:32:00 167 lượt xem
BP - Mấy năm gần đây, tình trạng bạo lực gia đình ở Bình Phước đã giảm hẳn. Có được kết quả đó là do tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền pháp luật, nhất là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ở khu dân cư.

TỪ MỘT BUỔI TẬP HUẤN

Trong tháng 6-2016, Sở Văn hóa -Thể thao và Du lịch đã tổ chức tập huấn về chủ đề phòng, chống bạo lực gia đình  ở 7 xã điểm trên địa bàn tỉnh. Chúng tôi may mắn đã có mặt tại buổi tập huấn “Mở rộng mô hình phòng, chống bạo lực gia đình” ở xã Minh Hưng (Bù Đăng). Buổi tập huấn có hơn 200 người đến dự và đã được cung cấp thông tin về thực trạng, các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình và khung pháp lý liên quan đến bạo lực gia đình. Những nội dung tại buổi tập huấn đều rất hữu ích và thiết thực nhằm nâng cao nhận thức người dân, đồng thời phát huy hiệu quả nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình được thành lập ở xã Minh Hưng từ năm 2012.

Người dân xã Minh Hưng tham gia buổi tập huấn triển khai mô hình phòng, chống bạo lực gia đình

“Từ khi người vợ tham gia Chi hội phụ nữ thôn, cộng tác viên dân số... dù cố gắng chu toàn việc nhà nhưng vẫn thường xuyên bị chồng nhiếc móc. Một ngày nọ, anh chồng đi làm về thấy bếp nguội lạnh, anh ta có những lời lẽ không hay, đến khi mở nồi cơm thì thấy trong đó có giấy khen của vợ” - anh Lò Văn Dinh, Phó phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) kể lại một trong nhiều câu chuyện hy hữu mà anh biết của một gia đình. Không dừng lại ở việc cung cấp thông tin, kiến thức về phòng, chống bạo lực gia đình, với cách nói chuyện lôi cuốn, cùng những câu chuyện từ thực tế sinh động, anh Dinh đã khiến nhiều người từng bị bạo lực gia đình lâu nay im lặng đã mạnh dạn kể ra chuyện của mình và mong được tư vấn, hỗ trợ.

Dự buổi tập huấn, anh Điểu Hồng, thôn 5, xã Minh Hưng, cho biết: “Có một số tình huống từng xảy ra trong gia đình, nay dự buổi tập huấn tôi mới biết đó cũng là bạo lực gia đình. Tôi học được cách cư xử đúng hơn, giúp gia đình hạnh phúc hơn. Tôi đã có 2 đứa con. Nhà có 1 ha đất sản xuất, hết mùa điều vợ chồng tôi đi làm thuê trang trải cuộc sống. Ai đi làm về trước sẽ nấu ăn, dọn dẹp nhà, vườn. Tuy nhiên, đàn ông có tính hay tự ái, những lúc như thế tôi thường to tiếng với vợ, sau đó thấy thương và làm hòa nhưng không biết đó là hành vi bạo lực tinh thần và có thể bị xử lý trước pháp luật”.

Toàn tỉnh đã thành lập 409 địa chỉ tin cậy, 378 cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình ở 859 thôn, ấp, khu phố thuộc 111 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 281 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 70 câu lạc bộ tuyên truyền, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình (thu hút 16.100 gia đình tham gia) và 281 nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình. Nhờ thiết lập đường dây nóng và hoạt động tích cực của các tổ hòa giải, câu lạc bộ, nhóm… nên tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm.

HOẠT ĐỘNG CỦA “NHÓM XUNG KÍCH”

Anh Điểu MThanh, SN 1994 ở thôn 5, xã Minh Hưng nói: “Tôi học được kỹ năng tư vấn, hòa giải để ứng xử trong trường hợp xảy ra bạo lực gia đình ở thôn. Tôi tham gia nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình để giúp đỡ nạn nhân và có biện pháp can thiệp với đối tượng gây bạo lực. Qua đó, giúp những người ngược đãi ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu hiểu bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự”. 

Là thành viên trong nhóm xung kích phòng, chống bạo lực gia đình ở thôn 2, xã Minh Hưng, bà Nguyễn Thị Lương cho biết: Nhóm xung kích được UBND xã thành lập từ năm 2012. Dù đã được hướng dẫn nhiệm vụ - kỹ năng... nhưng các thành viên vẫn gặp khó vì khi tư vấn, hỗ trợ chỉ nói chung chung, chưa viện dẫn được các điều luật, khung pháp lý và các tội danh hình sự liên quan đến bạo lực gia đình để tăng tính thuyết phục. Được tập huấn và cung cấp các tài liệu cần thiết giúp nhóm hoạt động hiệu quả hơn. “Những người thường xuyên bị bạo lực gia đình dễ bị trầm cảm, xa lánh người xung quanh. Theo tôi, điều quan trọng nhất là tư vấn, hỗ trợ để nạn nhân tự giác kêu gọi sự giúp đỡ của người xung quanh khi bị bạo lực và tố giác người gây ra bạo lực nhằm ngăn chặn tức thời, không để tiếp diễn”- bà Phạm Thị Xinh, thôn 3, xã Minh Hưng đề xuất giải pháp.

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội thông qua ngày 21-11-2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2008. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn diễn ra với nhiều hình thức, cấp độ khác nhau, ảnh hưởng xấu đến sự bền vững của gia đình, nhất là sự an toàn của phụ nữ và trẻ em. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được các cấp, ngành, huyện thị xã trong tỉnh thực hiện khá tốt. Những buổi tập huấn như ở xã Minh Hưng vừa qua là rất hữu ích đối với người dân, cần tiếp tục nhân rộng nhằm nâng cao nhận thức trong xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Tuyết Ly

  • Từ khóa
55513

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu