Thứ 6, 26/04/2024 11:31:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 21:57, 31/07/2015 GMT+7

Nâng cao chất lượng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhân dân

Thứ 6, 31/07/2015 | 21:57:00 112 lượt xem
BPO - Sáng 31-7, Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh tổ chức cuộc họp sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp những tháng còn lại của năm 2015. Thành viên Hội đồng PBGDPL tỉnh và các huyện, thị xã dự.


Các tầng lớp nhân dân ở thị xã Đồng Xoài hưởng ứng ngày phòng chống ma túy

Toàn hệ thống chính trị cùng tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật

Dự thảo báo cáo cho thấy, 6 tháng đầu năm 2015, Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã tích cực tư vấn, tham mưu UBND cùng cấp hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện với nhiều hình thức, mô hình PBGDPL phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; xác định nội dung pháp luật trọng tâm gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Toàn tỉnh hiện có 127 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 26 công chức pháp chế cấp tỉnh và 25 nhân viên pháp chế trong các doanh nghiệp nhà nước. Riêng ngành giáo dục có 385 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Các thành viên hội đồng cấp tỉnh đã tư vấn theo thẩm quyền và tham mưu hội đồng hướng dẫn những nội dung, hình thức tổ chức thực hiện công tác PBGDPL ở đơn vị mình với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa đạng.

Cụ thể, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã lồng ghép các nội dung định hướng tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, thông tin quan điểm sai trái, lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, âm mưu diễn biến hòa bình cho trên 600 lượt báo cáo viên các cấp; chỉ đạo định hướng các cơ quan báo chí tuyên truyền hàng tháng...

Ủy ban mặt trận Tổ quốc chủ động xây dựng, tham mưu hướng dẫn các huyện, thị xã và cơ sở tuyên truyền phổ biến pháp luật, xây dựng mô hình điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư, tuyên truyền pháp luật trên hệ thống loa truyền thanh cơ sở, lồng ghép trong các cuộc họp khu dân cư.

Tỉnh đoàn ngoài tổ chức tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên còn chỉ đạo các cơ sở đoàn thành lập, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động và nhân rộng mô hình PBGDPL tại cộng đồng như: Câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật; tuổi trẻ phòng, chống phạm tội; tiền hôn nhân…

Giáo dục pháp luật cho đối tượng đặc thù còn nhiều bất cập

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng PBGDPL tỉnh và các huyện, thị cũng thừa nhận việc tư vấn, phổ biến, giáo dục pháp luật cho một số đối tượng đặc thù còn bất cập. Những tháng đầu năm, các đối tượng vi phạm pháp luật có dấu hiệu tăng lên và phần lớn nằm trong một số đối tượng đặc thù.

Đại tá Phạm Xuân Chiến, Phó Giám đốc Công an tỉnh chia sẻ: “Với những đối tượng đặc thù phạm tội, Công an tỉnh đã chỉ đạo trại tạm giam kết hợp công tác giáo dục pháp luật với giáo dục cải tạo phạm nhân; chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ cử báo cáo viên pháp luật phổ biến Luật cư trú, Phòng chống ma túy cho phạm nhân. Nhưng muốn đạt hiệu quả cao phải có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và có phương pháp cụ thể, hữu hiệu.

Đại tá Phạm Xuân Chiến lấy ví dụ, sắp tới dịp lễ Quốc khánh 2-9 sẽ có hàng trăm tù nhân được đặc xá trở về địa phương. Do đó, các ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng phải có biện pháp cụ thể để giáo dục cảm hóa những đối tượng này khi tái hòa nhập cộng đồng. Hoặc tình trạng cầm cố đất trong đồng bào dân tộc thiểu số phải có phương pháp tuyên truyền, giải quyết thật sự hiệu quả, có lý có tình.

Giám đốc Sở Tư pháp, Phó chủ tịch Hội đồng phối hợp GDPBPL tỉnh Bùi Quang Phụng cũng cho rằng, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để nâng cao chất lượng tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật trong nhân dân. Đối với những đối tượng đặc thù, các ban, ngành đoàn thể, hội đồng giáo dục pháp luật các huyện thị cần có những kế hoạch, biện pháp phù hợp để giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, vấn đề gây trở ngại cho công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật vẫn là thiếu kinh phí thực hiện.

Theo Bí thư Tỉnh đoàn Tôn Ngọc Hạnh, hiện lứa tuổi thanh thiếu niên vi phạm pháp luật đang có chiều hướng tăng lên và vi phạm ở mức độ nghiêm trọng. Mặc dù Tỉnh đoàn đã có nhiều chương trình, kế hoạch, biện pháp tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đối tượng thanh thiếu nhi cả trong nhà trường và khu dân cư nhưng chất lượng vẫn chưa cao. Vì vậy, các ngành, đoàn thể và toàn xã hội cần phối hợp chặt chẽ hơn để công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật thật sự hiệu quả.

C.L 

  • Từ khóa
85267

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu