Thứ 6, 26/04/2024 09:37:48 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Kinh tế 15:21, 15/03/2017 GMT+7

Mưu sinh từ nghề độc hại

Thứ 4, 15/03/2017 | 15:21:00 886 lượt xem
BP - Mùa khô năm nay diễn biến phức tạp đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loại côn trùng, nấm, sâu gây bệnh phát triển. Hiện nay, nhiều diện tích cây điều trên địa bàn tỉnh đang bị bọ xít và các loại sâu bệnh tấn công nên nhiều hộ rất cần thuê người phun thuốc trừ bệnh. Từ đây, nghề phun thuốc sâu trở nên “có giá”. Tuy nhiên, công việc phun thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật rất nặng nhọc và độc hại nên số người mưu sinh bằng nghề này không nhiều.

CẦU VƯỢT CUNG

Hiện nhu cầu tìm người phun thuốc trị nấm, sâu bệnh cho vườn điều của người dân ở xã Phú Trung (Phú Riềng) rất lớn. Ông Hồ Sỹ Xuyên, thôn Phú Tâm cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha điều. Những năm trước bệnh nấm, bọ xít hại điều cũng có nhưng ít nên chúng tôi chỉ phun thuốc trừ sâu kết hợp với bón lá từ 1-2 lần đầu mùa. Năm nay, vào mùa thu hoạch điều mưa vẫn nhiều và diễn ra trên diện rộng nên các loại sâu bệnh, đặc biệt là bọ xít phát triển mạnh. Do đó, hầu hết các hộ trồng điều phải thuê người phun thuốc trừ sâu bệnh 3-4 lần, thậm chí 6 lần. Tuy nhiên, để tìm và thuê được người phun thuốc trừ sâu bệnh cho vườn điều nhà mình hiện nay là rất khó. Nhà tôi “đặt lịch” đã nhiều ngày nhưng người phun thuốc vẫn chưa đến”.

Phun thuốc trừ sâu cho cây điều là công việc nặng nhọc, độc hại

Nhiều hộ không thuê được người phun thuốc đành phải mua máy cày, thùng phuy và máy bơm về tự làm để cứu vãn mùa điều. Anh Trương Văn Lâm, thôn Phú An, xã Phú Trung cho hay, ban đầu tôi mua máy để phục vụ gia đình nhưng nhu cầu của người dân rất cao nên tôi làm thuê để tăng thêm thu nhập. Trước đây, thời gian phun thuốc trừ sâu, dưỡng bông, trái cho cây điều kéo dài đến cuối tháng 2. Nhưng thời điểm này vẫn có nhiều người thuê phun thuốc trị bọ xít đến 5 lần làm bông điều đen”.

Xã Phú Trung hiện có khoảng 2.000 ha điều nhưng chỉ có khoảng 20 người phun thuốc trừ sâu thuê. Ở thôn Phú An có 6 người hành nghề này nhưng đang quá tải vì nhu cầu của người dân trong thôn rất cao. Anh Cao Văn Ngọc - một người phun thuốc trừ sâu thuê cho biết: “Chưa năm nào quá tải như năm nay. Nhiều hôm có 3-4 người gọi điện thoại đặt lịch phun thuốc nhưng tôi không nhận lời vì sợ làm không kịp. Tính từ tháng 12 đến nay, tôi làm việc liên tục, không có ngày nào được nghỉ”.

BÁN TUỔI THỌ

Vào vụ điều năm nay, những người phun thuốc như anh Ngọc, anh Lâm phải bắt đầu công việc của mình từ 3-7 giờ sáng và từ 15-19 giờ. Đây là lúc thời tiết mát mẻ, thuốc không làm cháy bông điều. Nếu phun lúc nắng, bông diều dễ bị cháy và thuốc dễ bốc hơi vì nhiệt độ cao. Anh Ngọc nói: “Những vườn điều cách xa khu dân cư, đường đi khó khăn nên chúng tôi phải dậy từ 2 giờ sáng chuẩn bị dụng cụ để di chuyển vào vườn cho kịp. Có những vườn xa không thể chở nước theo nên trước đó một vài ngày phải đi “thám thính” xem những suối ở gần có nước không để lấy nên mất rất nhiều thời gian”.

Với sự hỗ trợ của máy, mỗi ngày 3 người phun được khoảng 4 ha điều. Giá phun thuốc bình quân khoảng 500 ngàn đồng/ha điều. Tiền công cho người đi phụ 200 ngàn đồng/ha, còn lại chủ máy phun như anh Ngọc, anh Lâm được hưởng.

Theo anh Ngọc, chúng tôi vào vườn điều của một hộ dân cách nhà anh khoảng 3km. Mặc dù đã đeo khẩu trang và đứng rất xa vị trí phun thuốc, nhưng mùi thuốc trừ sâu vẫn nồng nặc. Thế nhưng những người phun thuốc thuê như anh Ngọc không chỉ hít phải khí độc hại này mà còn phải tiếp xúc trực tiếp như pha thuốc. “Tán điều luôn cao hơn đầu mình. Khi phun thuốc mình phải đứng dưới gốc phun ngược lên. Những hôm lá điều đọng sương đêm, mình phun thuốc lên nước rớt xuống mặt tránh không kịp. Có hôm gió đổi chiều liên tục mình di chuyển không kịp thì toàn thân ướt đẫm vì thuốc sâu” - anh Ngọc kể. Theo quy định, người phun thuốc phải mặc đồ bảo hộ lao động hoặc áo mưa, đi găng tay, ủng chân, đội nón... Thế nhưng, đa số những người làm nghề phun thuốc hiện nay đều không mặc bảo hộ lao động. Vì có những vườn điều dốc, vừa di chuyển vừa kéo theo hệ thống ống phun thuốc, nếu mặc áo mưa, đồ bảo hộ rất nóng và bất tiện. Vì vậy, hầu hết họ đều thờ ơ với đồ bảo hộ lao động.

Mặc dù công việc nguy hiểm nhưng vì mưu sinh nên nhiều người vẫn gắn bó với nghề này. Anh Trương Văn Lam, người làm công cho anh Ngọc gần 3 năm nay cho biết: “Gia đình không có đất sản xuất và là hộ nghèo của xã nhiều năm nay. Mới đây, vợ tôi xin làm công nhân tại Khu công nghiệp Đồng Xoài. Còn tôi ở nhà ai thuê gì làm nấy. Đến mùa điều tôi xin đi phun thuốc trừ sâu thuê cho anh Ngọc. Biết nghề này độc hại nhưng tôi vẫn phải làm. Nhiều hôm, do hít phải hơi thuốc nhiều nên chóng mặt, buồn nôn. Những lúc như vậy tôi ngừng bơm, nghỉ ngơi một chút rồi bơm tiếp. Để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi luôn giữ cơ thể không bị trầy xước. Nếu vết thương bị thuốc rơi vào sẽ rất dễ nhiễm độc.

Thùy Hương

  • Từ khóa
41198

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu