Thứ 6, 26/04/2024 15:58:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

HIẾN PHÁP NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM 22:36, 04/07/2013 GMT+7

Mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật

Thứ 5, 04/07/2013 | 22:36:00 78 lượt xem

Điều 16 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là một trong những điều có nội dung hoàn toàn mới, với những quy định như sau: 1. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác. 2. Không được lợi dụng quyền con người, quyền công dân để xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác. Theo ý kiến của cá nhân tôi thì xét về ngữ nghĩa và tính lô gic thì nội dung của điều này có nhiều bất ổn và không đầy đủ. Cụ thể ở Khoản 1 của điều này là quy định về nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác - tức là quyền công dân. Nhưng lại được đặt trước “lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc” ở Khoản 2.

Hơn nữa, nội dung ở phần cuối của Khoản 2 nói về quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, thì cũng gần như trùng với nội dung của Khoản 1. Vì vậy, tôi đề xuất bổ sung thêm cụm từ “lợi ích hợp pháp” và Khoản 1 và chuyển Khoản 1 thành Khoản 2. Đồng thời, nội dung của Khoản 2 cũng được sửa đổi, bổ sung nội dung nhằm đảm bảo tính thượng tôn pháp luật của công dân và chuyển thành Khoản 1. Theo đó, Điều 16 được viết lại như sau: 1. Mọi người phải tuân thủ theo Hiến pháp và pháp luật. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm lợi ích quốc gia và lợi ích dân tộc. 2. Mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

 Điều 25 (sửa đổi, bổ sung Điều 70) trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nội dung như sau: 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Theo tôi thì quy định như trên là đúng, nhưng chưa chặt chẽ, chưa phù hợp với tình hình thực tế của hoạt động tôn giáo cũng như công tác quản lý nhà nước về tôn giáo ở nước ta hiện nay.

Cụ thể, với nội dung: ở phần đầu của khoản 1: 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào… là hoàn toàn đúng và rất phù hợp với quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta về tự do tín ngưỡng và tôn giáo. Tuy nhiên, ở câu thứ hai của khoản này là: Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, …thì lại quá ngắn ngọn và có nội dung chưa ổn, chưa đầy đủ. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, ở tỉnh này, thành phố kia có không ít người có thể là do không hiểu pháp luật, nhưng cũng có người cố tình vi phạm pháp luật trong việc xây dựng nhà thờ, chùa, đình và truyền đạo trái phép. Vì vậy, ở khoản này cần quy định cụ thể về chế tài đối với những hành vi vi phạm tương tự như trên. Do đó, tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và mọi hoạt động của các tôn giáo phải tuân thủ theo pháp luật.

Ở khoản 2 của điều 25 trong dự thảo có ghi: 2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Theo tôi thì quy định như vậy là chưa đầy đủ, chưa cụ thể. Vì, chủ thể của việc cần được nhà bảo hộ, cần được nhà nước bảo đảm về quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo nào thì chưa rõ là đối tượng nào. Do đó, tôi đề xuất ở khoản này cần bổ sung cụm từ “của mọi người” vào phần cuối.

Ở khoản 3 của điều này có quy định: 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật. Với nội dung này, ai cũng biết đây là chế tài nhưng chưa cụ thể, nên hiệu quả của chế tài này chắc chắn sẽ không cao. Do đó, ở đây tôi đề nghị bỏ cụm từ “không ai được” và thay thế bằng cụm từ “nghiêm cấm mọi hành vi”, như vậy vừa rõ ràng, vừa dễ hiểu, lại vừa dễ thực thi, đồng thời sự Hiến định này thể hiện rõ quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước ta đối với các tôn giáo. 

Xuất phát từ quan điểm trên tôi đề xuất về nội dung của Điều 25 cần được sửa đổi, bổ sung và viết lại như sau: 1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật và mọi hoạt động của các tôn giáo phải tuân thủ theo pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người. Nơi thờ tự của tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. 3. Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.  

Hoàng Hùng (Hớn Quản)

  • Từ khóa
108229

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu