Thứ 6, 26/04/2024 20:05:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 09:29, 26/01/2013 GMT+7

Lênh đênh đời sông nước (tt)

Thứ 7, 26/01/2013 | 09:29:35 275 lượt xem

>> Bài 1: Neo đời bên bến nước

Ngày nay, với sự đánh bắt tận thu khiến nguồn thủy sản ở hồ Thác Mơ cạn kiệt. Cuộc sống của những ngư dân bám trụ trên mặt hồ ở thôn Bình Đức 1 ngày càng khó khăn. Được lên bờ là khao khát của ngư dân nhà bè, nhưng khát khao ấy bao giờ mới trở thành hiện thực? Đất liền ở kề bên, nhưng đường lên bờ của những ngư dân nơi đây sao xa xôi quá!?

Bài 2: KHAO KHÁT LÊN BỜ

CHẬT VẬT MƯU SINH

Bóng chiều đổ xuống, những nếp nhà nhỏ mái tôn hoen gỉ khiến không gian đội 3, thôn Bình Đức 1 thêm ảm đạm. Dưới mé hồ Thác Mơ, mấy chiếc bè nổi dập dềnh giữa mênh mông nước càng trở nên cô quạnh. 9 gia đình ngư dân với 9 bè cá, 9 ngôi nhà nổi giữa biển nước. Câu chuyện dựng bè với họ còn vất vả, khó khăn hơn nhiều so với nhà nghèo trên cạn. Ông Lê Văn Hùng vừa mải miết múc nước từ dưới chiếc xuồng câu, vừa nói vọng lên: Để có được mấy bè cá và mái chòi tá túc ngày mưa tháng nắng, hầu như tất cả những ngư dân ở đây đều phải vay nợ lãi khắp nơi. Chẳng biết đến khi nào họ mới trả được nợ vì thức ăn cho cá luôn tăng còn cá thì chưa đến kỳ thu hoạch.

Tương lai nào cho trẻ em xóm chài khi cha mẹ các em còn phải chạy ăn từng bữa?!

Buông tấm lưới vá dở xuống mặt sàn, chị Nguyễn Thị Thủy lật đật đứng dậy ném thức ăn cho cá trong lồng, rồi tất bật chuẩn bị bữa cơm chiều. Bữa cơm của ngư dân đạm bạc với vài con cá nhỏ kho tiêu, rau mua ngoài chợ đã héo vì nắng nóng. Chị Thủy tâm sự: Công việc chính của phụ nữ ở nhà bè là những việc không tên như trông con, nấu cơm, vá lưới, chăm lồng cá. Chị nói: Mùa khô còn đỡ, mùa mưa nước lớn, gió to, cuộc sống ngư dân khổ cực muôn phần. Vì vậy, khi đàn ông đẩy xuồng lưới cá giữa trời đêm, phụ nữ trên bè lại phấp phỏng lo lắng. Họ thầm vái trời cho chồng, con đi lưới đêm được trở về bình yên, ghe xuồng có cá tôm, để con cái có miếng cơm, manh áo.

Người xưa có câu “Đời ngư phủ, buông mái chèo là đói” nên dù trong người vẫn còn sốt, nhưng mấy ngày nay, ông Hùng vẫn chống xuồng ra tận cầu 38 (Bù Đăng) để thả lưới bắt cá. Ông kể, cá tôm bây giờ ít lắm, phải đi xa mới kiếm được, cuộc sống ngư dân khó khăn, vất vả hơn mấy năm trước. Để có được 3-4kg cá, ông và con trai phải dậy từ 3 giờ sáng. Hai cha con thả lưới dọc một mé hồ rồi tiếp tục thả câu. Hôm nào lưới được cá lăng loại lớn bán với giá 70 ngàn đồng/kg thì đỡ, còn loại cá nhỏ hoặc rô phi chỉ bán được 30 ngàn đồng/kg. Trừ tiền dầu máy, sạc bình ắc-quy, tiền hao mòn lưới rách do vướng phải cành cây, ông Hùng nhẩm tính mỗi ngày công lao động chỉ được 50-70 ngàn đồng.

Lênh đênh, trôi dạt cùng nghề chài lưới, không có nghề phụ kiếm thêm thu nhập, những người dân làng bè sống chật vật trong cuộc mưu sinh. Tài sản duy nhất của họ là chiếc nhà nổi và mấy con cá nuôi trong lồng. Không có điện nên phương tiện giải trí như tivi, radio cũng trở thành món đồ xa xỉ, có chăng là những chiếc điện thoại “cục gạch” dùng để liên lạc với bên ngoài.

KHAO KHÁT LÊN BỜ

Lênh đênh đã lâu, thấm những lo toan, mệt mỏi của cuộc đời sông nước, người dân trên bè nổi mong có tiền để... lên bờ. “Hầu như chúng tôi đều muốn lên bờ cho con cái đi học, nhưng khi nào được lên bờ thì chúng tôi không biết”, giọng bà Nguyễn Thị Hồng rầu rĩ.

Trong căn nhà bè chưa đầy 5m2, anh Nguyễn Văn Thia (1990) cùng vợ là chị Tống Thị Giàng chuẩn bị đón đứa con thứ hai ra đời. Nói về khát vọng lên bờ, anh Thia đưa mắt nhìn xa xăm: “Tụi em sinh ra trên đất Campuchia, theo cha mẹ lênh đênh sông nước từ nhỏ. Em không biết chữ, vợ cũng thế. Mơ ước của em là lên bờ cho con cái sau này được đi học, nhưng cái bè nhỏ này em phải vay mượn mới dựng được. Nợ còn chưa trả hết, lên bờ biết ở đâu, sống như thế nào. Người ta mơ ước trúng số để đổi đời, em còn không có tiền để mua vé số, không biết ước mơ đổi đời đến khi nào mới thành hiện thực?”.

Nỗi buồn không biết chữ ở xóm nhà nổi này không phải của riêng anh Thia mà cả xóm không một ai biết chữ. Ngư dân nơi đây mong có một lớp học tình thương để không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng được biết chữ. Rồi Thia trầm tư: “Giả sử người ta có mở lớp, tụi em cũng không biết đi học vào lúc nào, vì sáng sớm, chiều tối đều đi thả lưới, buông câu trên hồ. Đi học thì đói bụng, nhưng mù chữ thì nghèo triền miên”.

Ở xóm nhà nổi ai cũng nghèo nhưng nghèo nhất xóm là gia đình ông Trương Văn Lòng - bà Nguyễn Thị Bông. Rời Biển Hồ năm 2006, ông Lòng, bà Bông phiêu bạt nhiều nơi. Năm 2008, ông bà theo chị họ về hồ Thác Mơ khi trong người không có mảnh giấy tờ lận lưng. Con gái ông, bé Trương Thị Hoa (8 tuổi) học lớp 2, trường Tiểu học Ngô Quyền, xã Đức Hạnh (Bù Gia Mập) đến giờ chưa có giấy khai sinh. Ông Lòng thương con vì không biết ngày nào bé Hoa sẽ phải nghỉ học vì không có giấy tờ tùy thân để làm hồ sơ. Khao khát lên bờ với ông Lòng, bà Bông là quá lớn. Ông Lòng chỉ mong chính quyền địa phương tạo điều kiện cho gia đình ông được nhập khẩu, đăng ký khai sinh cho các con để chúng được đi học như các bạn cùng trang lứa: “Đời tôi cực khổ, mù chữ, rong ruổi khắp nơi mà không có mảnh giấy lận lưng, thiệt thòi lắm. Giờ chỉ mong chính quyền cho nhập khẩu, sắp nhỏ có giấy khai sinh, được đi học, có cái chữ, mai này bớt khổ, bớt lênh đênh”, ông Lòng tâm sự.

Màn đêm buông xuống. Trên bờ, ánh điện từ nhà dân tỏa sáng. Dưới nhà bè, ánh đèn dầu, đèn bình ắc-quy le lói chỉ đủ soi tỏ mặt người. Chỉ có tiếng cười của đám con nít nhao nhao làm dáng trước ống kính máy chụp hình là vui nhộn nhất trong buổi chiều nay.

Nhật Linh

>> Bài 1: Neo đời bên bến nước

  • Từ khóa
44379

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu