Thứ 6, 26/04/2024 15:50:12 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 14:44, 24/10/2017 GMT+7

Khu bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam

Thứ 3, 24/10/2017 | 14:44:00 4,477 lượt xem
BP - Năm 2001, Dự án bảo tồn biển đầu tiên của Việt Nam ra đời. Đó là Khu bảo tồn biển (KBTB) Hòn Mun, đến năm 2005 đổi tên là KBTB vịnh Nha Trang.

KBTB Hòn Mun (Nha Trang) có diện tích hơn 160km², trong đó có khoảng 38km² mặt đất và 122km² vùng nước xung quanh các đảo. Đây là một trong những khu vực có tầm quan trọng bậc nhất về bảo tồn và du lịch biển của Việt Nam, với hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú. Rạn san hô có tầm quan trọng mang tính quốc tế và đa dạng sinh học cao nhất ở nước ta, gồm hơn 222 loài cá rạn, trên 350 loài san hô (chiếm 40% san hô tạo rạn trên thế giới), 120 loài thân mềm, 70 loài giáp xác, 30 loài da gai, 70 loài rong biển và khoảng 7 loài cỏ biển... Theo các nghiên cứu, vịnh Nha Trang là nơi san hô sống phát triển tốt, có diện tích khoảng 252 ha với độ phủ rất cao. Tổng diện tích thảm cỏ biển trong toàn vịnh Nha Trang khoảng 78 ha. Thảm cỏ biển đóng vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu chất dinh dưỡng và kim loại có trong môi trường biển nhằm cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường.

Trong những năm vừa qua, Ban quản lý KBTB đã triển khai nhiều hoạt động phát triển cộng đồng, hỗ trợ sinh kế cho người dân như nuôi trồng thủy sản, thủ công mỹ nghệ, chăn nuôi, du lịch sinh thái... Đặc biệt, việc thành lập Tổ sinh kế mành ốc do Hội Phụ nữ phường Vĩnh Nguyên (thành phố Nha Trang) quản lý với mục đích phát triển các hoạt động sinh kế bền vững. Ban cũng vận động và thu hút sự tham gia của cộng đồng vào việc quản lý KBTB, tổ chức các ban bảo tồn biển tại tổ dân phố; các đội tuần tra với sự tham gia của người dân để ngăn chặn việc sử dụng chất nổ, chất độc khai thác thủy sản. Ban quản lý KBTB đã vận động các cá nhân, tổ chức trồng trên 5 ha rừng ngập mặn tại Đầm Bấy và bắt hàng triệu con sao biển gai nhằm góp phần cân bằng hệ sinh thái, bảo vệ thảm cỏ biển và phát triển rừng ngập mặn trong vịnh Nha Trang.

Từ khi KBTB ra đời, nhờ được bảo vệ tốt, sự đa dạng sinh học trong vịnh Nha Trang ngày càng nâng lên. Độ che phủ của rạn san hô không ngừng tăng, kéo theo các loại cá, tôm cũng sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Đời sống người dân trong khu vực cũng được cải thiện, nhận thức về môi trường biển được nâng cao. Hệ sinh thái rừng ngập mặn không ngừng được trồng mới và mở rộng, nhiều thảm cỏ biển đã có dấu hiệu phục hồi... Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề nan giải về mối đe dọa suy thoái, sự hài hòa giữa phát triển du lịch và bảo tồn biển. Trong năm 2016, trung bình mỗi ngày có khoảng 1.500 khách tham quan đảo Hòn Mun. Cùng với đó là tình trạng rác thải xả bừa bãi xuống biển và việc đánh bắt khai thác thủy sản trái phép. Các nhà chuyên môn cho biết, ở KBTB vịnh Nha Trang vẫn có những điểm san hô bị gãy nát, rác thải tồn tại dưới đáy biển. Điều này một phần do ý thức của người dân, du khách và một phần cũng có sự tác động của dòng chảy. Hiện nay và thời gian tiếp theo, KBTB vịnh Nha Trang vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất là sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ven bờ tác động không nhỏ đến cảnh quan môi trường, đến hệ sinh thái biển. Đời sống của một bộ phận người dân nơi đây còn nhiều khó khăn nên họ hoàn toàn có thể quay lại đánh bắt theo kiểu hủy diệt nguồn thủy sản để mưu sinh. Do đó về lâu dài, khu bảo tồn này cần có một kế hoạch quản lý thích hợp, chính quyền tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân để họ phát triển kinh tế bền vững. Hoạt động tuyên truyền tăng cường, nhất là đối với cư dân tại chỗ, khách du lịch trong việc chung tay, góp sức bảo vệ, giữ gìn môi trường.

Đức Hồng

  • Từ khóa
111300

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu