Thứ 6, 26/04/2024 19:11:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Xã hội 14:30, 06/12/2017 GMT+7

Khó khăn trong công tác dân số vùng sâu

Thứ 4, 06/12/2017 | 14:30:00 211 lượt xem
BP - Thuộc địa bàn vùng sâu, xa, bên cạnh những khó khăn về cơ sở hạ tầng, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội thì công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại huyện biên giới Bù Gia Mập gặp không ít trở ngại. Trong khi đó, nguồn kinh phí hỗ trợ đội ngũ cộng tác viên (CTV) dân số thôn, ấp chưa được quan tâm, lượng thuốc của một số biện pháp tránh thai miễn phí chưa đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân... ảnh hưởng hiệu quả công tác dân số.

Lấy chồng từ năm 17 tuổi, đến nay chị Thị Hà, thôn Bình Hà 2, xã Đa Kia đã có 5 con. Trai, gái có đủ nhưng với tâm lý đông con cho “vui cửa vui nhà” nên sau 2 lần sinh, chị đã không sử dụng biện pháp tránh thai để đẻ thêm 3 “nhóc” nữa. Vì vậy, cô con gái út của chị chỉ sinh trước đứa cháu ngoại 9 tháng. Con đông, gia đình lại khó khăn khiến người phụ nữ này già hơn so với tuổi 35 của mình. Vừa qua, được sự vận động của CTV dân số thôn, vợ chồng chị quyết định sử dụng biện pháp tránh thai. Tuy nhiên sau 1 tháng sử dụng, loại thuốc chị đang dùng đã hết, phải đợi nguồn thuốc miễn phí từ chương trình mục tiêu quốc gia chuyển về.

 

Chị Thị Hà bên các con của mìnhChị Thị Hà bên các con của mình

Tâm huyết, gắn bó với công việc được coi là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” suốt 22 năm qua, từng con đường, ngõ xóm ở thôn 8 nơi nào cũng in dấu chân bà Vũ Thị Tơ, thôn 8, xã Đa Kia. Thế nhưng đội ngũ CTV dân số từ năm 2016 đến nay chưa nhận được kinh phí hỗ trợ nên họ không mấy mặn mà. Bà Tơ nói: “Làm được hơn 20 năm nhưng giờ kinh phí không được hỗ trợ nên tôi rất khó gắn bó với nghề”.

Chị Huỳnh Thị Thanh Thùy, cán bộ DS-KHHGĐ xã Đa Kia cho biết: “Đa Kia có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, hộ nghèo nhiều, địa bàn rộng nên việc tuyên truyền gặp khó khăn. Sử dụng biện pháp tránh thai mấy năm trước được cấp thuốc miễn phí nhưng giờ số lượng bị giảm nên không đáp ứng nhu cầu. Đồng thời thù lao của CTV dân số thấp, lại còn cấp chậm nên đội ngũ này cũng đang gặp nhiều trở ngại. Mong thời gian tới các cấp, ngành, chính quyền từ cơ sở quan tâm nhiều hơn đến đời sống CTV để lĩnh vực dân số đạt hiệu quả cao hơn”.

Khó khăn trong công tác DS-KHHGĐ tại xã Đa Kia cũng là khó khăn chung của hầu hết các xã trong huyện hiện nay. Theo số liệu báo cáo, năm 2017, toàn huyện Bù Gia Mập có 1.115 trẻ được sinh ra, trong đó 190 trẻ là con thứ 3 trong gia đình, chiếm 17,58%, tuy giảm 0,66% so cùng kỳ nhưng vẫn còn cao. Bên cạnh đó, số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại chỉ đạt 69,92% (gần 10.500 cặp). Nguyên nhân được xác định là do biến động sử dụng biện pháp tránh thai theo từng năm, trong khi các phương tiện tránh thai được cấp theo chương trình mục tiêu quốc gia lại hạn chế và không còn miễn phí hoàn toàn như trước mà chỉ ưu tiên cho những đối tượng nhất định, khiến việc vận động mua và sử dụng biện pháp tránh thai thêm phần khó khăn.

Hiện trên địa bàn huyện Bù Gia Mập có 128 CTV dân số hoạt động tại 68 thôn, ấp. Bình quân mỗi CTV phụ trách từ 100-150 hộ dân. Công việc vất vả, kinh phí hỗ trợ 150 ngàn đồng/người/tháng nhưng việc chi trả chưa kịp thời, khiến nhiều người không mấy mặn mà với công việc, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động. Phó giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Bù Gia Mập Lê Sỹ Tuân cho biết: “Để thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn, trung tâm đề nghị các cấp chính quyền cần đẩy mạnh lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hiệu quả công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn mình, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá công tác này để khắc phục hạn chế. Chúng tôi sẽ tham mưu các cấp mở lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ, CTV dân số nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phù hợp tình hình mới. Về kinh phí hỗ trợ CTV dân số, chúng tôi đã kiến nghị cấp trên sớm tham mưu cấp có thẩm quyền nhanh chóng cấp kinh phí nhằm động viên đội ngũ CTV gắn bó với công việc”.

Phạm Công - Hoài Thanh

  • Từ khóa
59938

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu