Thứ 6, 26/04/2024 10:03:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Giáo dục 10:05, 09/10/2015 GMT+7

Kết quả đạt được và hạn chế sau 1 năm thực hiện Thông tư 30

Thứ 6, 09/10/2015 | 10:05:00 249 lượt xem
BP - Ngày 28-8-2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT về việc quy định chuyển đổi đánh giá học sinh tiểu học từ điểm số sang nhận xét. Sau một năm thực hiện đã có những chuyển biến trong nhận thức và công tác chỉ đạo, tổ chức. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc áp dụng thông tư này cũng bộc lộ những hạn chế. Bởi một số giáo viên vẫn còn lúng túng trong nhận xét, đánh giá học sinh khiến phụ huynh không khỏi băn khoăn.


Giáo viên chuyên môn tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Hát nhạc, Thể dục... gặp nhiều áp lực khi thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30

Chuyển biến trong giảng dạy

Ngay sau khi được tập huấn ở Trung ương về triển khai Thông tư 30, Sở GD-ĐT đã biên soạn nội dung tập huấn và chỉ đạo triển khai đến tất cả cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học. Sở còn thành lập tổ tư vấn cấp tỉnh và chỉ đạo các phòng GD-ĐT thành lập tổ tư vấn cấp huyện, thị xã nhằm hỗ trợ các trường tiểu học, đặc biệt giáo viên thực hiện Thông tư 30. Tổ tư vấn trực tiếp xuống lớp nắm bắt việc nhận xét của giáo viên cả lời nói và chữ viết ghi trong vở học sinh, phiếu bài tập... Từ đó kịp thời góp ý, giúp giáo viên thay đổi tư tưởng, hiểu và thực hiện tốt nhận xét; nắm rõ học sinh cần theo dõi, hỗ trợ, tránh tình trạng giáo viên tự gây áp lực từ ghi chép nhận xét học sinh.

Cô Hà Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Phú, thị xã Đồng Xoài cho biết: Việc đánh giá học sinh bằng lời, không dùng điểm số tránh được việc so sánh giữa học sinh này với học sinh khác, tạo tâm lý thoải mái cho các em trong học tập và các hoạt động giáo dục. Giáo viên kịp thời phát hiện những cố gắng, tiến bộ hay hạn chế của học sinh để động viên, khích lệ, hướng dẫn, hỗ trợ trong quá trình học tập, rèn luyện. Cách đánh giá này buộc giáo viên có trách nhiệm hơn với công việc, luôn tích cực đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, điều chỉnh hoạt động dạy học và giáo dục phù hợp với từng đối tượng học sinh để đạt hiệu quả cao.

Cô Thảo cũng thẳng thắn thừa nhận, thời gian đầu áp dụng Thông tư 30, nhà trường gặp không ít khó khăn. Nhiều giáo viên lúng túng, bị áp lực trong quá trình nhận xét, đánh giá. Nhà trường đã thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ giáo viên. Năm học 2014-2015, trường có 100% học sinh được đánh giá hoàn thành chương trình lớp học, cấp học theo Thông tư 30, trong đó có 1.142/1.173 học sinh được khen thưởng, đạt 97,36%.

Chị Hoàng Thị Kim Cúc, phụ huynh em Nguyễn Hoàng Bảo Trân, học sinh lớp 5, Trường tiểu học Tân Phú cho biết: Lâu nay vẫn quen kiểm tra điểm số của con nên thời gian đầu áp dụng hình thức nhận xét, gia đình rất băn khoăn không biết con mình học khá giỏi hay trung bình. Sau nhiều lần họp phụ huynh được nhà trường phổ biến và từ nhận xét của giáo viên, gia đình biết cháu tiến bộ ở điểm nào, điểm nào cần phải hỗ trợ để phối hợp cùng nhà trường giúp cháu học tốt hơn nên tôi rất yên tâm.

Về phía học sinh, được trực tiếp tham gia đánh giá kết quả học tập của mình, của bạn, các em phát triển khả năng giao tiếp và học tập đạt kết quả tốt hơn. Phụ huynh cùng tham gia đánh giá cũng giúp họ nắm rõ hơn về tình hình học tập, rèn luyện của con.

Và những hạn chế

Lâu nay, thầy cô quen đánh giá học sinh bằng điểm số nên chưa sẵn sàng thích ứng bằng nhận xét. Khả năng ngôn ngữ phục vụ nhận xét của một số giáo viên còn hạn chế dẫn đến mất nhiều thời gian. Nhiều giáo viên lúng túng, chưa phân biệt được những nội dung nhận xét theo chuẩn kiến thức - kỹ năng các môn học, hoạt động giáo dục, mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh dẫn đến nhầm lẫn khi đánh giá các nội dung này. Một số giáo viên chỉ chú trọng đánh giá theo chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học và hoạt động giáo dục mà chưa quan tâm đánh giá mức độ hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Đối với giáo viên dạy môn chuyên biệt như: tiếng Anh, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc, Thể dục...việc nhận xét, đánh giá tạo áp lực hơn do thầy cô phải dạy nhiều lớp, nhiều học sinh. Vì vậy, thời gian đầu nhiều giáo viên chỉ nhận xét mang tính chất phân loại học sinh như hoàn thành tốt, hoàn thành khá, khá tốt hoặc trung bình... mà chưa có sự động viên, khích lệ. Cô Nghiệp Thị Oanh, giáo viên dạy Tin học Trường tiểu học Tân Phú, thị xã Đồng Xoài cho biết: Thời gian đầu, chúng tôi gặp khó khăn, cảm thấy áp lực và mất nhiều thời gian, công sức. Sau khi được tập huấn và qua trải nghiệm, chúng tôi đã quen dần và cách nhận xét cũng phong phú hơn.

Với những phụ huynh không biết chữ, khi giáo viên nhận xét vào vở sẽ khó phối hợp với nhà trường cùng giáo dục con tiến bộ.

Tăng cường hoạt động của tổ tư vấn

Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 96.376/96.492 học sinh cấp tiểu học được đánh giá, trong đó có 95.245 học sinh được đánh giá hoàn thành trình chương lớp học, cấp học theo Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT, đạt 98,83%, cao hơn so với năm học 2013-2014 là 0,21%.

Ông Trần Thanh Thắng, Phó trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD-ĐT) cho biết: Năm học 2015-2016, sở tiếp tục tăng cường hoạt động của tổ tư vấn các cấp nhằm hỗ trợ thường xuyên, kịp thời cho các trường. Đặc biệt là đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp trong thực hiện Thông tư 30.

Theo ông Thắng, với những trường còn khó khăn trong đánh giá học sinh bằng nhận xét, sở yêu cầu phòng GD&ĐT các huyện, thị xã tập huấn bổ sung giúp giáo viên nắm rõ các nội dung của Thông tư 30. Ban giám hiệu, tổ khối cũng phải thường xuyên hỗ trợ giáo viên và cùng trải nghiệm qua thực tế dạy trên lớp để chia sẻ, rút kinh nghiệm trong quá trình dạy học, tổng hợp nhận xét hằng tháng trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục dành cho giáo viên chủ nhiệm và bộ môn. Trong sổ theo dõi chất lượng giáo dục, giáo viên chú trọng đến học sinh cần lưu ý đặc biệt như chưa hoàn thành nội dung môn học, hoạt động giáo dục khác. Thầy cô cũng cần quan tâm phát hiện, bồi dưỡng những học sinh có năng khiếu đặc biệt. Đối với phụ huynh là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn, người không biết chữ thì tăng cường trao đổi trực tiếp giữa giáo viên và phụ huynh để cùng phối hợp giáo dục học sinh.

Thùy Hương

  • Từ khóa
85486

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu