Thứ 6, 26/04/2024 20:49:17 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Chính trị 14:10, 20/06/2017 GMT+7

Im lặng... không phải là vàng!

Thứ 3, 20/06/2017 | 14:10:00 1,110 lượt xem

BP - Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Báo chí (sửa đổi), quy định các nội dung liên quan đến toàn bộ hoạt động báo chí của nước ta hiện nay. Luật Báo chí (sửa đổi) tạo hành lang pháp lý nhằm thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để hoạt động báo chí phát triển đúng hướng theo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Đồng thời tạo điều kiện cho báo chí phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát huy vai trò của báo chí cách mạng trong thời kỳ mới.

Việc hợp tác với các cơ quan báo chí sẽ giúp cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan khẳng định uy tín và tạo dựng lòng tin đối với độc giả, dư luận. Trong ảnh, các nhà báo Bình Phước trong buổi bồi dưỡng kỹ năng viết về xây dựng Đảng  - Ảnh: Sỹ Hòa

Báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội; là diễn đàn của nhân dân. Nói một cách hình ảnh thì báo chí là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Nhiều vụ việc, vấn đề nổi cộm khi được báo chí phản ánh đã được cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý và thông tin trở lại để cơ quan báo chí phản hồi với nhân dân. Qua đó làm cho nhân dân ngày càng tin tưởng sâu sắc vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông tin phản hồi trên báo chí là kênh thông tin chính thống quan trọng, giúp tòa soạn, phóng viên chuyển tải đến bạn đọc những gì mà họ đang quan tâm. Một số địa phương, cơ quan, đơn vị khi nhận được văn bản của tòa soạn đề nghị xử lý, trả lời đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân đều trực tiếp hoặc chỉ đạo cơ quan liên quan giải quyết, trả lời báo chí theo đúng thời hạn quy định. Nội dung trả lời đầy đủ, rõ ràng những vấn đề người dân thắc mắc, hoặc dũng cảm thừa nhận cái sai của địa phương, cơ quan, đơn vị; đồng thời đưa ra hướng giải quyết; cảm ơn tòa soạn đã phản ánh vấn đề, sự việc giúp cơ quan chức năng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tuy nhiên vẫn còn không ít địa phương, cơ quan chưa thực hiện nghiêm túc, thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết, trả lời đơn thư của công dân, được thể hiện qua việc trả lời chiếu lệ như “đang chỉ đạo giải quyết; đang điều tra nên không thể cung cấp thông tin; sẽ trả lời khi có kết quả”, rồi sau đó không trở lại sự việc hoặc chọn giải pháp “im lặng là vàng” không trả lời dẫn tới nhiều vụ việc bị “chìm xuống”, sai phạm của các tập thể, cá nhân không được xử lý đến nơi đến chốn. Điều 3, Nghị định số 51/2002/NĐ-CP ngày 26-4-2002 hướng dẫn thi hành Luật Báo chí quy định: “Khi cơ quan nhà nước, tổ chức đảng, tổ chức xã hội (gọi chung là tổ chức) và người có chức vụ nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân, tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí, trong thời hạn ba mươi (30) ngày, kể từ ngày nhận được hoặc từ ngày báo chí đăng, phát thì người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ phải thông báo cho cơ quan báo chí kết quả hoặc biện pháp giải quyết. Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của người đứng đầu tổ chức, người có chức vụ thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí”. Với quy định này, nếu tổ chức có trách nhiệm trả lời báo chí không tự giác thực hiện thì việc chế tài gần như không có tác dụng, bởi nhiều trường hợp chuyển đơn lên cơ quan cấp trên lại được chuyển về chính cơ quan đó giải quyết lại từ đầu, gây mất thời gian và phiền phức; còn việc đưa lên mặt báo, tuy có ảnh hưởng đến uy tín cơ quan đó nhưng họ vẫn im lặng!?

Hy vọng rằng, với những quy định mới trong Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ giúp chấn chỉnh và cải thiện tình trạng “thờ ơ” của các địa phương, cơ quan, đơn vị trong việc trả lời các ý kiến, kiến nghị của cơ quan báo chí. Thực tế cho thấy rằng, việc hợp tác có trách nhiệm với các cơ quan báo chí sẽ giúp các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan khẳng định uy tín và tạo dựng lòng tin đối với độc giả, dư luận vì “cây ngay không sợ chết đứng”. Ngược lại, nếu “đóng cửa” với báo chí sẽ càng tạo nên sự hoài nghi trong dư luận bởi “không có lửa làm sao có khói”, từ đó sẽ xuất hiện những thông tin theo dạng “rỉ tai” không được kiểm chứng mà hậu quả nhiều khi sẽ rất khó lường.

Ngọc Nguyên

  • Từ khóa
18222

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu