Thứ 6, 26/04/2024 10:05:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

Nhà nông làm giàu cùng An Nông 13:29, 25/01/2017 GMT+7

Huyện đảo tiền tiêu phía đông bắc Tổ quốc

Thứ 4, 25/01/2017 | 13:29:00 547 lượt xem

BP - Vân Đồn là huyện đảo của tỉnh Quảng Ninh, ở vị trí tiền tiêu phía đông bắc của Tổ quốc. Huyện được thành lập năm 1994 gồm 1 thị trấn và 11 xã. Huyện Vân Đồn hiện quản lý hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ, với diện tích đất tự nhiên 551,33km2, chiếm 9,3% diện tích toàn tỉnh Quảng Ninh, phần vùng biển rộng 1.620km2, hợp thành bởi 2 quần đảo Cái Bầu (Kế Bào) và Vân Hải. Trong đó, đảo Cái Bầu rộng nhất với 17.212 ha, gồm thị trấn Cái Rồng và 6 xã. Vùng đảo xa còn lại trải rộng trên địa bàn của 5 xã.

Vân Đồn là một trong 4 trung tâm du lịch, với nhiều sản phẩm mang tính đặc thù, trong đó du lịch biển đảo là lợi thế nổi bật, riêng có, tạo nên giá trị thương hiệu của Quảng Ninh. Lợi thế về giao thông đường biển, liền kề vịnh Hạ Long và nằm trên trục đường giao thông Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng theo quốc lộ 18A, Vân Đồn hội tụ nhiều tài nguyên thiên nhiên độc đáo, với hàng trăm đảo lớn nhỏ, có đảo đá, đảo đất, trong đó 20 đảo có người ở; hệ thống hang động đá vôi đa dạng, các bãi tắm đẹp trải dài vẫn giữ được vẻ hoang sơ. Hệ động, thực vật ở Vân Đồn phong phú và đa dạng với nhiều loại quý hiếm. Hệ sinh thái rừng có 1.028 loài, sinh thái biển có 881 loài, trong đó 102 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Rừng tự nhiên ở Vân Đồn tập trung ở Vườn quốc gia Bái Tử Long, là nơi có rừng trâm nguyên sinh độc đáo nhất Việt Nam. Vân Đồn còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc qua các thời kỳ. Đó là dấu tích thành cổ nhà Mạc, nhà Nguyễn, chùa tháp xã Thắng Lợi, di tích lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng, cụm di tích cấp quốc gia đình, chùa, miếu, nghè Quan Lạn, thương cảng cổ Vân Đồn (vua Lý Anh Tông thành lập năm 1149), lễ hội Vân Đồn, hát hò biển ở xã Thắng Lợi, hát soọng cô của dân tộc Sán Dìu ở xã Bình Dân... Ngoài ra, Vân Đồn còn có nhiều làng nghề mang đậm truyền thống văn hóa vùng biển Bắc bộ. 

Ngày 19-8-2009, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó xây dựng khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo chất lượng cao với phát triển du lịch là hoạt động chính. Ngày 3-1-2015, điện lưới quốc gia đã chính thức đến với 5 xã đảo huyện Vân Đồn, hiện thực hóa mơ ước ngàn đời của người dân. Có điện lưới quốc gia, đời sống của quân và dân trên đảo thay đổi nhanh chóng, đảo và đất liền đã gần gũi hơn. Cùng với việc đưa điện lưới quốc gia về 5 xã, thời gian tới, dự án sân bay Vân Đồn sẽ được khởi công. Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng đặc khu kinh tế Vân Đồn, mở ra cơ hội mới cho kinh tế Quảng Ninh phát triển mạnh hơn.

Huyện đảo Vân Đồn có vị trí rất quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh Quảng Ninh và khu vực đông bắc Tổ quốc. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện đảo đã khắc phục khó khăn, thu được kết quả quan trọng trong khai thác tiềm năng, lợi thế về nuôi trồng thủy sản, khai thác kinh tế biển, du lịch sinh thái, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh.

Những năm qua, du lịch Vân Đồn đã từng bước khẳng định vai trò, vị trí trong nền kinh tế, góp phần nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện. Hệ thống cơ sở hạ tầng như đường bộ, bến cảng, điện lưới đã được nâng cấp, mở rộng. Số lượng khách du lịch đến Vân Đồn tham quan, nghỉ dưỡng hằng năm đều tăng cao. Đời sống nhân dân huyện đảo từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn rất thấp, nhân dân yên tâm bám biển, giữ đảo. Năm 2000, huyện Vân Đồn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Trung Lương
Bài viết tham khảo quangninh.gov.vn

  • Từ khóa
111271

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu